Thêm diện tích, thêm dân, thêm trách nhiệm
Theo quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, 2050, TP Hạ Long sẽ trở thành thành phố cấp vùng, đô thị thông minh, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu để dẫn dắt cả vùng Đông Bắc.
Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn phát triển mới, TP Hạ Long phải đối mặt với các hạn chế về nguồn lực tự nhiên, thiếu quỹ đất đủ lớn để xây dựng những dự án tầm cỡ quốc gia và quốc tế, không gian phát triển hạn hẹp và nảy sinh không ít thách thức trong bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường... Để trở thành hạt nhân phát triển của cả vùng Đông Bắc, yêu cầu cấp thiết đặt ra là Hạ Long buộc phải mở rộng được không gian phát triển, phải làm lại quy hoạch, cởi bỏ chiếc áo quá chật để tạo bứt phá trong giai đoạn mới.
Trong khi đó, huyện Hoành Bồ (đơn vị hành chính cũ) có diện tích lớn nhất Quảng Ninh, mật độ dân số thấp, là đầu mối giao thông, có quỹ đất nông nghiệp, đất rừng tự nhiên, rừng ngập mặn lớn và đa dạng sinh học, cảnh quan độc đáo, văn hóa bản địa phong phú.
Thế nhưng nhiều năm qua, vùng đất này vì thiếu nguồn lực đầu tư nên khó tạo ra đột phá và chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, đời sống nhân dân còn thấp. Thống kê cho thấy, trong khi TP Hạ Long là đô thị loại 1, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 10.000 USD/người/năm thì Hoành Bồ lại là huyện nghèo, chỉ đạt 2.000 USD/người/năm.
Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long từ ngày 1/1/2020.
Thành phố Hạ Long là thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ
Sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Cụ thể, thành phố có diện tích đất liền trên 1.119km2, trên 400km2 mặt nước vịnh Hạ Long, chiều dài bờ biển gần 50km.
Thành phố có 33 đơn vị hành chính, dân số trên 332.000 người, trong đó 7,3% là người dân tộc thiểu số. Đảng bộ thành phố khi sáp nhập có 105 tổ chức cơ sở đảng và 778 chi bộ trực thuộc.
Theo đại diện Ủy ban MTTQ TP Hạ Long, khó khăn nhất sau khi sáp nhập là giúp người dân quen dần với các thủ tục hành chính và khoảng cách đi lại bởi lẽ, 7,3% là người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống tại huyện Hoành Bồ.
Để giải quyết việc này, TP Hạ Long đã thành lập Trung tâm hành chính công khu vực Hoành Bồ nhằm giải bài toán khoảng cách đi lại cho người dân. Đồng thời, tăng cường nhân sự luân phiên để hỗ trợ người dân khi có khó khăn trong việc cấp, đổi thủ tục hành chính.
"Việc thay đổi tên địa giới hành chính liên quan rất nhiều đến giấy tờ thủ tục của người dân. Vì vậy sớm hay muộn người dân cũng sẽ phải đi cấp, đổi những giấy tờ này.
Khó nhất là người dân đồng bào dân tộc thiểu số với nếp sống quen thuộc trước đây nay phải thay đổi, nên chính quyền hỗ trợ hết sức từ việc nhỏ như photo đến việc thay đổi thông tin trong giấy tờ tùy thân cho phù hợp tình hình hiện tại", đại diện Ủy ban MTTQ TP Hạ Long cho biết.
Cán bộ công chức xã Vũ Oai, TP Hạ Long hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính
Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cùng chức năng nhiệm vụ ở trung tâm TP Hạ Long đã "kết nghĩa" với các bên liên quan ở Hoành Bồ để hỗ trợ mọi mặt nhằm cùng nhau phát triển.
"Nhà tôi ở xã Dân Chủ, huyện Hoành Bồ cũ, ban đầu nghe tin sáp nhập vào TP Hạ Long cũng hoang mang vì để ra tới trung tâm thành phố phải mất hơn 20km.
Tuy nhiên sau đó vẫn có trung tâm hành chính công ở Hoành Bồ nên việc đi lại vẫn như cũ, trong khi cơ sở vật chất được đầu tư nhiều hơn, đường xá rộng hơn giúp thuận tiện trong sinh hoạt cho bà con", ông Hoàng Văn Tý (66 tuổi, người dân xã Dân Chủ) cho biết.
Sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập, dư địa của TP Hạ Long được tăng cao, phát triển nhiều công trình về phía Tây
Từ sau khi sáp nhập đến nay, Hạ Long có 15 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, tổng vốn đầu tư đến 18.345 tỷ đồng. Những công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển; xây mới 2 trường học điển hình, trở thành kiểu mẫu của cả tỉnh là Trường THCS & THPT Quảng La và Trường THPT Hoành Bồ.
Ngoài ra, ngân sách tỉnh cũng đã tập trung đầu tư 2 công trình giao thông huyết mạnh, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của địa phương là cầu Tình Yêu và cầu Bình Minh.
Hết việc chứ không hết giờ làm
Ngày 1/11/2024, phường Yết Kiêu chính thức sáp nhập vào phường Trần Hưng Đạo, đây là 2 phường với diện tích nhỏ ở TP Hạ Long. Sau sáp nhập, phường Trần Hưng Đạo có diện tích tự nhiên là 2,30 km2 và quy mô dân số là 28.204 người. Như vậy, TP Hạ Long có 32 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 20 phường và 12 xã.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Hoàng Hiệp (Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo) cho biết, ngay sau khi thay đổi tên địa giới hành chính đối với 6 khu phố của phường Yết Kiêu (cũ), bộ máy phường mới đã khẩn trương hỗ trợ, đồng hành cùng với người dân trong công tác thay đổi thông tin giấy tờ một cách thuận lợi nhất. Việc này để người dân không bị vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Đặc biệt là ưu tiên đối với người dân phường Yết Kiêu (cũ).
Thành phố Hạ Long ngày càng hiện đại, thay đổi từng ngày
Tuy nhiên, cái khó ở đây là nhân lực cán bộ tuy tăng thêm nhưng với lượng người dân dồn về thay đổi giấy tờ cùng lúc khiến thời gian đầu sau sáp nhập, bộ máy phường có chút quá tải.
"Quản lý thêm người dân, diện tích đồng nghĩa với trách nhiệm nhiều hơn, mọi thủ tục hành chính của người dân đều được hỗ trợ hết sức. Chúng tôi hoạt động theo phương châm hết việc chứ không hết giờ làm. Có những hôm cán bộ ở phường làm việc tới hơn 19h, con nhỏ đón về cũng cho tới trụ sở phường để bố mẹ tranh thủ giải quyết nốt công việc", ông Hiệp chia sẻ.
Cũng trong thời gian này, bài toán phân bổ vị trí ngồi làm việc cũng gặp khó khi các phòng, ban được tăng thêm nhân sự từ phường Yết Kiêu (cũ) sang công tác.
Sau dần, nhiều cán bộ ở phường đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ và nghỉ hưu trước thời hạn để đồng hành cùng chính quyền trong công tác sắp xếp nhân sự.
"Một vấn đề người dân quan tâm nữa là sau khi sáp nhập phường, trụ sở, cơ sở hạ tầng tại Yết Kiêu có bị dôi dư hay không. Chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng, ngay sau khi sáp nhập thì những trụ sở của phường Yết Kiêu cũ ngay lập tức có các phòng ban của TP Hạ Long chuyển tới làm việc, không có chuyện bỏ hoang, dư thừa", ông Hiệp cho biết thêm.
Phạm Công