Tranh của họa sĩ Phan Minh Bạch (thuộc sở hữu của bảo tàng Quang San) từng tham gia triển lãm ở Pháp.
Thiếu chuyên nghiệp
Họa sĩ Trần Gia Tùng cho biết, những bức tranh anh mang sang Anh dự định làm triển lãm có chất liệu sơn dầu trên toan, kích thước 80 x 110 cm. Năm 2020 anh cùng vài họa sĩ Việt gửi tranh sang Anh, theo lời mời của vị đại sứ Việt Nam tại Anh khi ấy. Không may đại dịch Covid-19 bùng nổ, triển lãm bị trì hoãn tới tận khi vị đại sứ đã về nước, chuyển sang nhiệm vụ mới. Gần 5 năm trôi qua, triển lãm bất thành, anh chỉ nhận lại một bức tranh, còn ba bức khác vẫn lưu lạc. Được biết, ba tác phẩm ấy đã bị người ta tùy tiện mang làm quà tặng, không xin phép tác giả.
Quá bức xúc vì không được tôn trọng quyền tác giả, Trần Gia Tùng đành nhờ mạng xã hội “cứu”, sự việc trở nên ồn ào, truyền thông vào cuộc. Ngay sau đó, anh thông báo công khai trên trang cá nhân: “Người bị tố đã liên hệ xin lỗi và bồi hoàn giá trị vật chất theo thỏa thuận với các bức tranh mà ông đã sử dụng”. Họa sĩ nói với phóng viên Tiền Phong: “Người ta biết nhận lỗi, mình cũng mở đường cho người ta”. Anh muốn khép lại sự việc trong hòa bình.
Ồn ào đã qua nhưng dư âm còn đọng lại. Một họa sĩ quen biết Trần Gia Tùng chia sẻ: “Không chỉ Trần Gia Tùng vướng trục trặc khi tham gia triển lãm tranh ở nước ngoài. Tôi biết một vài họa sĩ cũng mang tranh ra nước ngoài triển lãm và khó khăn khi lấy lại tranh nhưng ngại không dám lên tiếng”.
Giấy chứng nhận tác phẩm trưng bày triển lãm tại Pháp của họa sĩ Phan Minh Bạch.
Một họa sĩ nổi tiếng gửi gắm đôi lời tới những đồng nghiệp đang khao khát mang “con” vượt biển. “Tôi không bình luận về ồn ào vừa qua. Nhưng qua trải nghiệm của bản thân, tôi biết có những cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự khao khát muốn triển lãm tranh ở nước ngoài của một số họa sĩ Việt Nam. Tôi từng nhận được không ít lời mời nhưng từ chối ngay lập tức khi cảm thấy không an toàn và không xứng đáng. Theo tôi, họa sĩ cứ làm thật tốt việc của mình đừng sốt ruột nổi tiếng trong nước hay thế giới. Việc gì đến sẽ đến. Hãy nhớ cái gì cũng có giá của nó”, họa sĩ này nói.
Họa sĩ Trần Hải Minh đang sống và vẽ tại Việt Nam và Đức là người đã tặng bức tranh Chuyển động số 3 để đấu giá thiện nguyện, mang lại số tiền 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do siêu bão Yagi. Anh đã theo dõi ồn ào mang tranh ra nước ngoài triển lãm và bình luận: “Mang tranh ra nước ngoài phải dựa trên giấy tờ pháp lý đàng hoàng. Giống như ký một hợp đồng, trong đó có những vấn đề cần giải đáp: Mang tranh của tôi đi đâu? Để làm việc gì? Có mua bảo hiểm hay không? Nếu bán được tôi cho bạn hưởng bao nhiêu phần trăm? Nếu không bán được bao giờ bạn phải trả lại tranh cho tôi, ngày tháng nào?... Đó là bản hợp đồng dài cả chục trang chứ không đơn giản. Ồn ào xảy ra do hai bên làm việc thiếu chuyên nghiệp, quá hớ hênh”.
Những bức tranh của họa sỹ Trần Gia Tùng trong vụ việc ồn ào vừa qua.
Đừng phó thác cho sự quen thân
Họa sĩ Trần Gia Tùng chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng tham gia triển lãm ở Phần Lan và Ý. Khi ấy, người mời tôi tham gia triển lãm ở Anh đang là đại sứ ở Ý. Những lần trước họ đều có văn bản, giấy mời đàng hoàng. Lần này tin nhau, vì từng làm việc với nhau, không có gì xảy ra nên tôi cứ nghĩ tranh đi trước, họa sĩ theo sau, sang đó triển lãm. Trước đó, chúng tôi, gồm những họa sĩ được mời và người mời đã ngồi với nhau ở quán cà phê trên phố Lê Phụng Hiểu (Hà Nội) để bàn kế hoạch gửi tranh như thế nào”.
Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong may mắn được bà Hillary Clinton treo trong phòng ăn của gia đình. Đào Hải Phong cho biết, không phải anh mang tranh ra nước ngoài triển lãm và tìm được khách hàng là Hillary Clinton, mà sự việc hoàn toàn nằm ngoài dự tính của tác giả. “Bức tranh ấy được một công ty của Mỹ ở Việt Nam mua. Hành trình đưa tranh đến phòng ăn của Hillary tôi cũng không nắm rõ”, anh nói. Đào Hải Phong là một trong những họa sĩ Việt có tác phẩm được khách nước ngoài ưa thích một thời. Anh đề cao tính chuyên nghiệp trong trao đổi tác phẩm nghệ thuật.
Nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng là những người giàu cảm xúc, hào hiệp. Nhiều họa sĩ tên tuổi ở Việt Nam thường xuyên tham gia những hoạt động vì cộng đồng hay tham gia triển lãm hội họa ở nước ngoài nhằm quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt. Họ không tính toán thiệt hơn khi tham gia những hoạt động ý nghĩa, bởi họa sĩ trước hết là công dân Việt Nam, khi đất nước gọi họa sĩ sẵn sàng chung tay. Đưa “con” ra nước ngoài để lan tỏa hội họa Việt là chuyện vui, nên làm nhưng họa sĩ nên “dò cho kỹ ngọn nguồn lạch sông”, tuân thủ quy định.
Những bức tranh của họa sỹ Trần Gia Tùng trong vụ việc ồn ào vừa qua.
Họa sĩ Phan Minh Bạch từng mang tác phẩm Hội Long Vân 3 được vẽ bằng chất liệu màu nước đặc biệt và vàng lá trên lụa đến Pháp tham gia triển lãm nhằm quảng bá văn hóa Việt. Chị nói: “Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm gửi lời mời cùng công văn qua email. Tôi nhận lời và gửi qua email hai tác phẩm để họ duyệt. Cục làm việc rất chuyên nghiệp. Họa sĩ mang tranh được duyệt đến tận nơi, ký nhận đầy đủ, được trao biên lai xác nhận đã nộp tranh tham gia triển lãm. Sau đó, họa sĩ lại nhận được giấy chứng nhận của Cục in và đóng khung đàng hoàng, xác nhận tranh đã được mang sang nước ngoài triển lãm. Quy trình rất kín kẽ. Họ đảm bảo quy trình đóng gói, vận chuyển. Họa sĩ không phải làm gì, cũng chẳng phải sống trong âu lo. Triển lãm kết thúc, đại diện Cục lại liên hệ trả lại tranh cho họa sĩ, rồi trả phí treo tranh”.
Những bức tranh của họa sỹ Trần Gia Tùng trong vụ việc ồn ào vừa qua.
Một người có kinh nghiệm trong quy trình tham gia triển lãm ở nước ngoài chia sẻ, khi họa sĩ nhận được lời mời tham gia triển lãm ở nước ngoài, phải có giao kết giữa họa sĩ và đơn vị tổ chức. Đơn vị tổ chức phải đảm bảo đúng quy trình theo quy định của nhà nước. Đưa triển lãm ra nước ngoài phải xin cấp phép ở đâu, thủ tục thế nào, đã quy định rõ. Việc cơ quan quản lý nhà nước ra giấy phép còn là căn cứ để làm thủ tục hải quan.
Một họa sĩ nổi tiếng gửi gắm đôi lời tới những đồng nghiệp đang khao khát mang “con” vượt biển. “Tôi không bình luận về ồn ào vừa qua. Nhưng qua trải nghiệm của bản thân, tôi biết có những cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự khao khát muốn triển lãm tranh ở nước ngoài của một số họa sĩ Việt Nam. Tôi từng nhận được không ít lời mời nhưng từ chối ngay lập tức khi cảm thấy không an toàn và không xứng đáng. Theo tôi, họa sĩ cứ làm thật tốt việc của mình đừng sốt ruột nổi tiếng trong nước hay thế giới. Việc gì đến sẽ đến. Hãy nhớ cái gì cũng có giá của nó”, họa sĩ này nói.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nói: “Nhiều họa sĩ nghĩ thủ tục xin phép mang tranh ra nước ngoài triển lãm là thủ tục phiền hà, rắc rối. Họ không hiểu rằng, ngoài tuân thủ quy định của nhà nước thì đó còn là hình thức bảo vệ bản quyền cho tác giả”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, họa sĩ toàn quyền tự do giao lưu văn hóa nhưng đưa tranh ra nước ngoài phải được sự cấp phép của cơ quan quản lý nhà nước.
Nông Hồng Diệu