Trung tâm phục vụ hành chính công xã Phú Vang những ngày đầu đưa vào hoạt động
Như Báo Huế ngày nay đã thông tin: Tính từ ngày 1 - 14/7/2025, TP. Huế đã tiếp nhận và giải quyết 17.710 hồ sơ TTHC tại 40 xã, phường, trong đó tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 75,78%.
Trong toàn giai đoạn, phường Phú Xuân là đơn vị tiếp nhận nhiều hồ sơ nhất với 1.758 hồ sơ. Phường Hương An dẫn đầu về tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 91% (309/338 hồ sơ), trong khi xã Phú Vang có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến cao nhất với 99,59% (491/493 hồ sơ). Với những kết quả ấn tượng này, TP. Huế dẫn đầu toàn quốc, đạt 85% chỉ số hoàn thành được đánh giá theo Kế hoạch số 02-KH/TW ghi nhận các xã, phường tại địa phương.
Vị trí dẫn đầu toàn quốc của Huế, không chỉ nói lên khối lượng công việc đã được xử lý, mà còn cho thấy sự thay đổi căn cơ trong cách làm việc của bộ máy chính quyền, khi đã chuyển từ bị động sang chủ động, từ thủ công sang số hóa. Đặc biệt, vị trí dẫn đầu càng có ý nghĩa hơn khi đặt trong bối cảnh cả nước còn tình trạng thiếu đồng bộ giữa các địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã, phường khiến nhiều nơi gặp khó khăn trong triển khai các hệ thống điện tử, dẫn đến nghẽn mạng, chậm xử lý, thậm chí phải quay lại thao tác thủ công - như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết tại hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hôm 13/7.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận đang có những bất cập trong vận hành các trung tâm phục vụ hành chính công, xuất phát từ hạn chế về hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời thừa nhận đây là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay. Việc Huế không những tránh được điểm nghẽn này, mà còn vận hành trơn tru chính quyền địa phương 2 cấp, đạt tỷ lệ số hóa hồ sơ cao, chứng tỏ địa phương đã có sự chuẩn bị bài bản từ trước.
Từ thành công của Huế, có thể rút ra ba yếu tố - bài học quan trọng làm nên sự thành công của một chính quyền cấp xã, phường hiện đại.
Thứ nhất, tầm nhìn quản trị và quyết tâm chính trị từ lãnh đạo. Việc triển khai tới 166 điểm đại lý dịch vụ công tại các xã, phường không thể là quyết định mang tính phong trào, mà là một chiến lược giúp đưa chính quyền lại gần dân.
Đặc biệt, việc giữ nguyên các trụ sở cũ để tiếp nhận và trả kết quả, thay vì buộc người dân phải di chuyển xa hơn, là minh chứng cho tư duy “lấy người dân làm trung tâm”.
Thứ hai, tổ chức bộ máy linh hoạt, tận dụng nguồn lực tại chỗ với việc huy động được gần 900 đoàn viên, thanh niên và sinh viên vào các tổ công nghệ số cộng đồng. Sự tham gia của lực lượng trẻ vừa góp phần số hóa, vừa giúp người dân - đặc biệt là người lớn tuổi, tiếp cận nhanh hơn với dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống này nếu duy trì ổn định, có thể trở thành “trợ lý kỹ thuật” tin cậy cho người dân ở cấp cơ sở.
Cuối cùng là sự đầu tư nghiêm túc cho nền tảng công nghệ. Huế là một trong những địa phương hoàn tất việc kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 30/6 - thời điểm rất sát sau khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức đi vào vận hành.
Thành phố hiện đang cung cấp 2.006 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có tới 572 dịch vụ toàn trình. Nghĩa là người dân có thể làm thủ tục từ đầu đến cuối mà không phải đến trụ sở hành chính. Hạ tầng số này không chỉ giúp giải quyết nhanh thủ tục, mà còn giúp công tác quản lý, lưu trữ, liên thông giữa các cấp hiệu quả hơn rất nhiều. Tất nhiên, không thể phủ nhận Huế cũng đang đứng trước không ít thách thức về tính bền vững của thành công bước đầu. Ví dụ việc tiếp tục duy trì đội ngũ hỗ trợ công nghệ, bố trí đủ trụ sở, phương tiện và xử lý chế độ chính sách cho cán bộ bán chuyên trách là những bài toán cần lời giải dài hơi. Nhưng điều quan trọng vẫn là Huế đang đi đúng hướng. Từ quyết tâm chính trị đến năng lực tổ chức, Huế đang chứng minh rằng cấp xã, phường, nếu được trao quyền đúng và hỗ trợ đủ, hoàn toàn có thể là “tuyến đầu” của cải cách hành chính.
Trong bối cảnh cả nước đang triển khai mạnh mẽ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thì những gì Huế làm được không chỉ là thành tích bước đầu đáng khích lệ, mà còn là một tín hiệu tích cực, mang đến nhiều hy vọng cho tương lai.
TỪ ÂN