Bài tập cải thiện triệu chứng cho người bệnh viêm xoang

Bài tập cải thiện triệu chứng cho người bệnh viêm xoang
8 giờ trướcBài gốc
Nội dung
1. Lợi ích của tập luyệnđối với người bệnh viêm xoang
2. Một số bài tập tốt cho người mắc viêm xoang
2.1 Hít thở theo phương pháp 4-4-6
2.2 Tư thế đứng gập người về phía trước
2.3 Xoay cổ vai gáy giảm đau đầu cho người viêm xoang
2.4 Các hoạt động vận động nhẹ nhàng
2.5 Gõ mặt, gõ đầu
2.6 Day ấn huyệt vùng mặt
3. Một số lưu ý khi tập vận động ở người bệnh viêm xoang
1. Lợi ích của tập luyện đối với người bệnh viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại các khoang rỗng nằm trong xương sọ quanh mũi. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở mọi lứa tuổi.
Các xoang bình thường được lót bởi lớp niêm mạc tiết dịch nhầy giúp làm ẩm không khí và ngăn bụi, vi khuẩn... Khi lớp niêm mạc này bị viêm, xoang sẽ tắc nghẽn, ứ đọng dịch nhầy gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất hoặc giảm khứu giác, đau đầu, đau vùng mặt…
Vận động giúp cải thiện tuần hoàn máu, đưa oxy và chất dinh dưỡng đến niêm mạc xoang tốt hơn, qua đó giúp giảm sung huyết, đẩy nhanh quá trình đào thải dịch ứ đọng trong các xoang.
Các bài tập thở sâu, nhịp nhàng giúp hỗ trợ làm thông thoáng đường thở, giảm tắc nghẽn mũi và cải thiện tình trạng thở bằng miệng. Vận động được chứng minh là có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp sản sinh thêm bạch cầu, các kháng thể tự nhiên chống lại virus, vi khuẩn, qua đó giúp giảm nguy cơ tái phát viêm xoang.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, căng thẳng là yếu tố khiến nguy cơ mắc các rối loạn hô hấp cao hơn. Các bài tập vận động giúp giảm căng thẳng, thư giãn thần kinh, ngủ sâu hơn... qua đó góp phần hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm xoang và giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.
Viêm xoang ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Một số bài tập tốt cho người mắc viêm xoang
2.1 Hít thở theo phương pháp 4-4-6
Cách thực hiện: Người bệnh ngồi hoặc đứng thoải mái, thả lỏng thân thể; hít vào bằng mũi 4 giấy, giữ hơi thở 4 giây rồi thở ra bằng miệng trong 6 giây; thực hiện mỗi lần 5-10 phút, 2-3 lần/ngày.
Tác dụng: Hít thở theo phương pháp 4-4-6 giúp làm dịu thần kinh, tăng cường thông khí và giúp dịch nhầy dễ thoát ra ngoài hơn.
2.2 Tư thế đứng gập người về phía trước
Cách thực hiện: Người bệnh đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai, từ từ gập người xuống hết mức có thể (giữ nguyên gối nếu tay không chạm được sàn). Giữ tư thế 10-20 giây, thở sâu sau đó từ từ trở về tư thế ban đầu, lặp lại động tác 3-5 lần.
Tác dụng: Đây là tư thế yoga rất hiệu quả giúp dịch xoang thoát ra dễ dàng hơn nhờ tư thế cúi thấp.
Cách thực hiện tư thế đứng gập người.
2.3 Xoay cổ vai gáy giảm đau đầu cho người viêm xoang
Cách thực hiện: Xoay cổ theo chiều kim đồng hồ 10 vòng rồi xoay ngược lại. Lắc vai nhẹ nhàng trước ra sau và từ sau ra trước mỗi động tác 10 lần, vươn vai, kéo giãn cột sống cổ - gáy.
Tác dụng: Vận động vùng cổ vai gáy góp phần giúp người bệnh viêm xoang thấy thoải mái, giảm đau đầu, lưu thông khí huyết vùng đầu mặt cổ và làm thông xoang.
2.4 Các hoạt động vận động nhẹ nhàng
Người mắc viêm xoang có thể tham gia một số hoạt động vận động nhẹ nhàng như đi bộ nhẹ nhàng 20-30 phút mỗi ngày, đi xe đạp chậm giúp tăng sức bền tim - phổi, điều hòa hô hấp, điều hòa khí huyết và tăng sức đề kháng.
Các bài tập yoga, thái cực quyền, khí công dưỡng sinh cũng là các hoạt động giúp điều tâm tĩnh khí, khai thông phế khí, phối hợp hô hấp, cải thiện tình trạng viêm xoang đặc biệt ở người cao tuổi, người viêm xoang mạn tính kéo dài.
Ngoài ra người bệnh viêm xoang cũng có thể tham gia các môn thể thao như bơi lội, tuy nhiên cần chú ý bơi ở nơi nước ấm, kín gió, lau khô tai, mũi, đầu ngay sau khi bơi và không nên bơi nếu có kèm theo viêm tai giữa hoặc dị ứng clo.
2.5 Gõ mặt, gõ đầu
Cách thực hiện: Dùng hai ngón tay gõ nhẹ và đều lên vùng trán, hai má, hai bên sống mũi, đỉnh đầu. Mỗi vùng gõ 30-50 cái nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.
Tác dụng: Đây là các vùng tương ứng với xoang trán, xoang hàm, xoang sàng và huyệt Bách hội. Gõ nhẹ lên các vùng này rất hiệu quả trong việc kích thích các huyệt đạo, khai thông vùng đầu mặt, tán ứ trệ, hỗ trợ giảm các triệu chứng đau nhức đầu và vùng mặt.
2.6 Day ấn huyệt vùng mặt
Cách thực hiện: Xoa xát, day ấy nhẹ nhàng toàn bộ vùng đầu mặt; dùng hai ngón trỏ day ấn nhẹ các huyệt:
Ấn đường: Ở giữa hai lông mày.
Nghinh hương: Hai bên cánh mũi, điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi má.
Tỵ thông: Sát cạnh sống mũi
Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ giữa ngón trỏ và ngón cái.
Tác dụng: Day ấn huyệt là phương pháp được Đông y sử dụng lâu đời giúp cải thiện tình trạng viêm xoang, giúp khai thông xoang, giảm nghẹt mũi, giảm đau đầu, đau vùng mặt.
Day ấn huyệt ấn đường giảm đau vùng đầu mặt cho người bệnh viêm xoang.
3. Một số lưu ý khi tập vận động ở người bệnh viêm xoang
- Tránh tập ở nơi gió lùa, lạnh, bụi hoặc ẩm thấp: Không khí lạnh và ẩm có thể làm co mạch niêm mạc mũi, gây tái phát hoặc làm nặng viêm xoang; gió lùa dễ làm phong hàn xâm nhập, khiến dịch mũi đặc lại và khó dẫn lưu; nên tập ở nơi kín gió, ấm áp, có ánh nắng sớm hoặc trong phòng thoáng.
- Trong giai đoạn viêm xoang cấp tính có thể sốt, đau đầu nặng, mũi tắc hoàn toàn, nên nghỉ ngơi, dưỡng sức, chỉ thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng nếu muốn hỗ trợ thông mũi. Chỉ vận động nhẹ nhàng khi tình trạng đã ổn định.
- Các tư thế như cúi đầu, lộn ngược… có thể tăng áp lực xoang trán – sàng, gây cảm giác nặng đầu, choáng. Do đó, người bệnh nên tập từ từ, thử từng chút, nếu đau thì đổi bài tập nhẹ hơn.
- Tập hít sâu bằng mũi, thở dài bằng miệng chỉ dùng trong một số bài nhất định và có kiểm soát. Thông thường người bệnh viêm xoang nên hít thở bằng mũi, không thở miệng. Thở bằng miệng làm không khí không được làm ẩm và lọc sạch, dễ gây kích ứng họng, phổi.
- Uống nước đầy đủ trước và sau khi tập.
- Không dùng việc tập vận động, xoa bóp day bấm huyệt để thay thế hoàn toàn cho phương pháp điều trị chính, trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ điều trị.
- Nếu có các dấu hiệu bất thường như khó thở, tức ngực, đau đầu dữ dội, chảy máu mũi, chảy nước mũi nhiều, có mùi hôi tanh… cần dừng ngay việc tập vận động và báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Mời bạn xem tiếp video:
5 loại thực phẩm người bị viêm xoang cần tránh | SKĐS
BS. Nguyễn Huy Hoàng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-cai-thien-trieu-chung-cho-nguoi-benh-viem-xoang-169250427115312421.htm