1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette là một rối loạn thần kinh mạn tính, đặc trưng bởi các cử động và âm thanh không tự chủ, gọi là "Tic."
Nội dung
1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc hội chứng Tourette
2. Các bài tập tốt nhất cho người mắc hội chứng Tourette
2.1.Thở sâu và thở bụng (Diaphragmatic Breathing)
2.2. Lăn cơ với con lăn
2.3. Kéo giãn cơ đùi sau
2.4. Bài tập kéo giãn vai qua đầu
2.5. Bài tập plank cơ bản
3. Những lưu ý khi tập luyện
Hội chứng này thường xuất hiện ở trẻ em với các triệu chứng bắt đầu từ khoảng 5 - 10 tuổi và phổ biến hơn ở nam giới.
Các triệu chứng của hội chứng Tourette bao gồm hai loại Tic:
- Tic vận động (cử động bất thường).
- Tic âm thanh (âm thanh hoặc từ ngữ bất thường).
Một số Tic vận động như nháy mắt, giật vai, co giật cơ, liếm môi hoặc chép môi, nhún vai, khịt mũi… trong khi Tic âm thanh có thể bao gồm tiếng ho, khạc, hít thở mạnh, rên rỉ hoặc đôi khi là các từ ngữ không phù hợp.
Nguyên nhân của hội chứng Tourette vẫn chưa được xác định rõ, nhưng có sự liên quan đến yếu tố di truyền và sự mất cân bằng các chất hóa học trong não như dopamine.
Hiện tại, hội chứng này chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm, nhưng có các liệu pháp hỗ trợ giúp giảm triệu chứng, như điều trị tâm lý, dùng thuốc và liệu pháp hành vi.
Bài tập thở sâu và thở bụng giúp giảm tình trạng co giật và máy cơ ở người mắc hội chứng Tourette.
Mặc dù hội chứng Tourette có thể gây khó khăn cho người bệnh trong học tập và giao tiếp nhưng hầu hết các triệu chứng có xu hướng giảm bớt theo thời gian. Bên cạnh đó, hội chứng Tourette cũng không gây ảnh hưởng xấu tới trí thông minh hay làm giảm tuổi thọ của người mắc bệnh.
Đối với người mắc hội chứng Tourette, tập luyện thể chất đóng vai trò rất quan trọng, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời giảm bớt các triệu chứng Tic. Các hoạt động thể chất giúp giải phóng năng lượng, cải thiện tuần hoàn máu và thư giãn cơ thể.
Khi tập luyện, cơ thể tiết ra endorphin - một loại hormone giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng, từ đó giúp người bệnh giảm thiểu căng thẳng, lo âu - là các yếu tố có thể làm tăng tần suất các triệu chứng Tic. Nhiều bài tập còn giúp tăng cường sự kiểm soát hơi thở và giảm bớt căng thẳng thần kinh, hỗ trợ phát triển kỹ năng tập trung, tăng cường khả năng kiểm soát, giảm sự bộc phát của các cơn Tic.
Tuy nhiên, việc tập luyện cần được hướng dẫn phù hợp, điều chỉnh dựa trên khả năng và tình trạng của người bệnh để đảm bảo an toàn, hiệu quả tốt nhất trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bài tập kéo giãn cơ đùi sau hỗ trợ giảm bớt tần suất và cường độ các cơn tic vận động ở người mắc hội chứng Tourette.
2. Các bài tập tốt nhất cho người mắc hội chứng Tourette
2.1. Thở sâu và thở bụng
- Cách thực hiện:
+ Nằm ngửa hoặc ngồi ở tư thế thoải mái, lưng thẳng.
+ Đặt một tay lên ngực và tay kia lên bụng.
+ Hít vào chậm qua mũi, cảm nhận bụng căng lên.
+ Thở ra từ từ qua miệng, bụng xẹp xuống.
+ Thực hiện động tác này trong 3-5 phút, tập trung vào nhịp thở chậm và đều.
- Tác dụng: Bài tập thở này giúp thư giãn hệ thần kinh, giảm căng thẳng và lo âu, từ đó hỗ trợ làm giảm tình trạng co giật, máy cơ ở người mắc hội chứng Tourette.
2.2. Lăn cơ với con lăn
- Cách thực hiện:
+ Đặt con lăn dưới vùng cơ cần thư giãn, như đùi hoặc lưng.
+ Nhẹ nhàng lăn cơ thể qua lại trên con lăn, tập trung vào vùng cơ căng.
+ Điều chỉnh áp lực tùy ý để tránh đau quá mức.
+ Thực hiện bài tập trong khoảng 3-5 phút, tránh áp lực quá mạnh.
+ Chuyển sang các vùng cơ khác và lặp lại động tác này nếu cần thiết.
- Tác dụng: Bài tập lăn cơ với con lăn giúp giảm sự căng cơ do các cơn Tic gây ra, làm dịu các cơ và giảm các cơn co giật hoặc máy cơ thường thấy ở người mắc hội chứng Tourette. Đồng thời, kỹ thuật này còn giúp kích thích hệ tuần hoàn, hỗ trợ cải thiện lưu thông máu đến các vùng cơ, làm dịu các căng thẳng thần kinh, từ đó giảm thiểu mức độ của các cơn Tic.
Bài tập kéo giãn vai qua đầu hỗ trợ người mắc hội chứng Tourette điều chỉnh và kiểm soát các cơn Tic dễ dàng hơn (ảnh minh họa).
2.3. Kéo giãn cơ đùi sau
- Cách thực hiện:
+ Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng.
+ Giữ lưng thẳng, từ từ gập người về phía trước, đưa tay về phía mũi chân. Nếu không chạm được vào chân, hãy đưa tay đến mức có thể, giữ đầu gối thẳng.
+ Giữ tư thế này trong 15-30 giây, cảm nhận sự kéo căng ở cơ đùi sau.
+ Thả lỏng và lặp lại bài tập này 2-3 lần.
- Tác dụng: Kéo giãn cơ là một phương pháp tốt để kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, giúp cơ thể đi vào trạng thái thư giãn. Điều này hỗ trợ giảm bớt tần suất và cường độ của các cơn Tic vận động, giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng tốt hơn. Kéo giãn cơ đùi sau giúp giảm căng cơ ở chân, làm dịu các cơn co giật, đặc biệt ở vùng đùi và bắp chân.
2.4. Bài tập kéo giãn vai qua đầu
- Cách thực hiện:
+ Đứng thẳng hoặc ngồi, giữ lưng thẳng.
+ Giơ một tay qua đầu, uốn cong khuỷu tay sao cho tay chạm vào giữa lưng.
+ Dùng tay còn lại nhẹ nhàng kéo khuỷu tay đang giơ qua đầu để kéo giãn vai và lưng trên.
+ Giữ tư thế này trong 15 - 30 giây rồi đổi bên.
- Tác dụng: Bài tập này giúp giảm căng cơ vai, đặc biệt hữu ích cho những người mắc hội chứng Tourette, vì vai là khu vực thường bị ảnh hưởng bởi các cơn Tic. Ngoài ra, khi thực hiện động tác kéo giãn đòi hỏi sự tập trung vào từng động tác và cảm nhận căng cơ, giúp người bệnh nâng cao nhận thức về cơ thể, hỗ trợ người mắc hội chứng Tourette điều chỉnh và kiểm soát các cơn Tic dễ dàng hơn.
Bài tập plank tăng cường sức mạnh cơ lõi (ảnh minh họa).
2.5. Bài tập plank cơ bản
- Cách thực hiện:
+ Bắt đầu ở tư thế chống đẩy, đặt khuỷu tay dưới vai, giữ cơ thể thẳng từ đầu đến gót chân.
+ Siết cơ bụng, giữ lưng thẳng, không để lưng bị võng xuống.
+ Giữ tư thế trong 10-20 giây, sau đó thả lỏng.
+ Lặp lại bài tập từ 3-5 lần để đạt hiệu quả.
- Tác dụng: Plank giúp tăng cường sức mạnh cơ lõi (core), làm cho cơ thể dễ kiểm soát và ổn định hơn, giảm nguy cơ co giật do yếu cơ hoặc mất kiểm soát. Bài tập này còn giúp người bệnh cảm nhận rõ hơn các vùng cơ trên cơ thể, từ đó tăng khả năng kiểm soát các cơn Tic khi chúng xảy ra.
3. Những lưu ý khi tập luyện
- Nên tập vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối vì đây là thời điểm cơ thể dễ dàng thích nghi với vận động nhẹ nhàng và thư giãn. Tập thể dục vào buổi sáng giúp cơ thể sảng khoái, tăng cường năng lượng cho cả ngày. Buổi chiều tối giúp giải tỏa căng thẳng sau ngày dài, đồng thời cải thiện giấc ngủ.
- Tránh tập gần giờ ngủ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Không nên tập thể dục quá muộn vào buổi tối, vì một số bài tập có thể kích thích thần kinh, khiến người bệnh khó ngủ.
- Khi đang ốm có nên tập không?
+ Nếu triệu chứng ốm nhẹ (mệt mỏi, đau cơ nhẹ): Có thể thực hiện các bài tập rất nhẹ nhàng, như thở sâu, kéo giãn cơ. Những bài tập này giúp thư giãn và hỗ trợ cải thiện tâm trạng.
+ Nếu có triệu chứng ốm nặng (sốt, đau nhức, khó thở): Không nên tập thể dục vì lúc này cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi để hồi phục, nếu vận động có thể làm triệu chứng trở nặng hơn.
- Tập chậm và điều chỉnh cường độ: Người mắc hội chứng Tourette nên tập chậm rãi, tránh các bài tập có cường độ cao hoặc động tác nhanh. Bài tập chậm giúp giảm thiểu nguy cơ bị chấn thương do Tic hoặc các cơn co giật ngoài ý muốn.
- Trong quá trình tập, cần chú ý điều chỉnh nhịp thở, tránh nín thở hay thở gấp. Kết hợp hít thở sâu sẽ giúp thư giãn cơ bắp và làm dịu thần kinh, giảm tần suất cơn Tic.
- Sử dụng trang phục thoải mái: Chọn trang phục mềm mại, vừa vặn, giúp thoải mái khi vận động và giảm cảm giác gò bó khi các cơn Tic xảy ra.
BSNT. Phan Bích Hằng