Bài tập nào tốt cho người mắc Hội chứng Raynaud?

Bài tập nào tốt cho người mắc Hội chứng Raynaud?
2 ngày trướcBài gốc
1. Hội chứng Raynaud là gì?
Hội chứng Raynaud là tình trạng mà nhiệt độ lạnh hoặc căng thẳng gây ra lưu thông máu kém. Cơ thể phản ứng thái quá bằng cách co thắt mạch máu và cắt đứt lưu thông máu đến một số bộ phận cơ thể, thường ảnh hưởng đến ngón tay và ngón chân, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến tai, mũi, môi…
Trong cơn Raynaud, ngón tay và ngón chân có xu hướng trải qua ba giai đoạn:
- Chuyển sang màu trắng và tê liệt khi lưu lượng máu giảm
- Chuyển sang màu xanh khi oxy trong các bộ phận cơ thể đó bị cạn kiệt
- Chuyển sang màu đỏ và đau khi máu lưu thông trở lại
Giai đoạn khó chịu nhất của hội chứng Raynaud thường xảy ra khi tuần hoàn máu trở lại. Đau, nhói và cảm giác kim châm thường đi kèm với tình trạng đỏ. Một cơn có thể kéo dài vài phút hoặc vài giờ.
Trong cơn Raynaud, lưu lượng máu đến các chi bị hạn chế, dẫn đến da bị đổi màu.
2. Lợi ích của tập thể dục với người mắc Hội chứng Raynaud
Tập thể dục có thể giúp làm giảm các triệu chứng của Raynaud. Hoạt động thể chất giúp tăng lưu lượng máu và tuần hoàn, đồng thời tăng cường thành động mạch, giúp chống lại nguyên nhân gây ra các cơn đau.
Căng thẳng về mặt cảm xúc thường gây ra cơn co thắt Raynaud. Tập thể dục rất hữu ích trong việc kiểm soát mức độ căng thẳng.
Bản thân căn bệnh này là do thiếu tuần hoàn nên điều quan trọng là phải đảm bảo quần áo không quá chật ở cổ tay hoặc mắt cá chân, làm hạn chế lưu thông máu đến các chi, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.
3. Một số bài tập tại nhà làm giảm Hội chứng Raynaud
Một số bài tập có thể thực hiện tại nhà giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện lưu thông máu ở tay và chân. Lưu ý, các bài tập này không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ và cần phải thực hiện một cách điều độ và cẩn thận. Luôn tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện mới nào.
Sau đây là 5 bài tập có thể giúp bạn:
3.1 Bài tập kéo giãn ngón tay
Thực hiện: Ngồi trên ghế hoặc trên sàn với hai chân duỗi thẳng. Duỗi thẳng tay về phía trước, lòng bàn tay hướng lên trên; mở và nắm tay từ từ, duỗi các ngón tay ra xa nhất có thể trong vài giây rồi thả lỏng. Lặp lại bài tập này nhiều lần mỗi ngày
Tác dụng: Cải thiện tuần hoàn máu ở tay.
3. 2. Xoay cổ tay
Thực hiện: Duỗi thẳng hai tay ra phía trước, lòng bàn tay hướng xuống dưới. Xoay cổ tay theo vòng tròn theo chiều kim đồng hồ rồi ngược lại. Thực hiện bài tập này trong vài phút nhiều lần mỗi ngày.
Tác dụng: Kích thích lưu thông máu ở cổ tay.
3.3. Nâng chân
Thực hiện: Ngồi trên ghế và giơ một chân lên; giữ nguyên chân nâng lên trong 10-15 giây rồi hạ xuống; lặp lại với chân còn lại. Thực hiện bài tập này nhiều lần trong ngày.
Tác dụng: Giúp lưu thông máu ở bàn chân.
Thiền giúp giảm căng thẳng, giúp phòng ngừa Hội chứng Raynaud
3.4. Bài tập thư giãn
Dành thời gian cho các kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc hít thở sâu. Căng thẳng về mặt cảm xúc có thể gây ra các cơn Raynaud, vì vậy học cách thư giãn bằng cách thiền 10-15 phút mỗi ngày hoặc thực hiện các bài tập thở sâu để giảm căng thẳng.
3.5.Bài tập tim mạch nhẹ nhàng
Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc bơi lội. Tập thể dục tim mạch thường xuyên có thể cải thiện lưu thông máu khắp cơ thể, giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn Raynaud. Vung tay khi đi bộ hoặc chạy có thể giúp lưu thông máu đến tay.
4. Lưu ý khi tập luyện
Tập thể dục trong môi trường ấm áp thường là lựa chọn tốt nhất đối với người bị Raynaud. Hãy đảm bảo giữ ấm tứ chi trong khi tập thể dục và tránh bị lạnh bằng cách mặc nhiều quần áo ấm, đi tất và găng tay dày… Những người mắc bệnh nặng có thể không an toàn khi tập thể dục trong thời tiết lạnh.
Lắng nghe cơ thể và tránh bất kỳ bài tập nào gây đau hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Ngoài ra, giữ ấm tứ chi mọi lúc, mặc quần áo ấm và tránh tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh là điều cần thiết để kiểm soát Hội chứng Raynaud.
Luôn tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hướng dẫn cụ thể về cách kiểm soát trường hợp Raynaud cụ thể của cá nhân.
Nên đi bộ bao nhiêu km mỗi ngày để cơ thể khỏe đẹp? | SKĐS
BS. Tăng Minh Hoa
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/bai-tap-nao-tot-cho-nguoi-mac-hoi-chung-raynaud-169250417142619172.htm