1. Lợi ích của tập vận động với người mắc hội chứng Noonan
Người mắc hội chứng Noonan thường biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau như đặc điểm khuôn mặt đặc trưng mắt to và xa nhau, mí mắt rũ, tai thấp và xoay ngược, hàm nhỏ, sống mũi tẹt... Bên cạnh đó là các dị tật tim bẩm sinh, tầm vóc thấp, các dị thường ở hệ bạch huyết, vấn đề về đông máu, phát triển trí tuệ…
NỘI DUNG:
1. Lợi ích của tập vận động với người mắc hội chứng Noonan
2. Một số bài tập tốt cho người mắc hội chứng Noonan
2.1 Bài tập thở sâu và thư giãn
2.2 Các bài tập hỗ trợ tim mạch
2.3 Các bài tập giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp
2.4 Bài tập kéo giãn cơ và thư giãn
2.5 Các bài tập tăng cường thăng bằng và phối hợp vận động
3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc hội chứng Noonan
Mặc dù người mắc hội chứng Noonan có thể gặp hạn chế về thể chất nhưng tùy vào tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi cá nhân, các bài tập vận động nếu được áp dụng đúng cách, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hệ xương khớp từ đó góp phần giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các bài tập vận động nhẹ nhàng có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ, cải thiện sự linh hoạt cho người bệnh, đặc biệt là những người bệnh có giảm trương lực cơ.
Một số người mắc hội chứng Noonan có thể gặp các vấn đề về tim mạch, các bài tập vận động nhẹ như đi bộ, đạp xe chậm được chứng minh là có thể giúp cải thiện chức năng hệ tim mạch, giúp duy trì sức khỏe hệ tim mạch mà không gây quá tải.
Người mắc hội chứng Noonan có thể gặp một số khó khăn về vận động tinh và thô, một số bài tập có thể thiết kế giúp cải thiện kỹ năng vận động, giúp người bệnh tăng cường sự phối hợp trong vận động.
Bên cạnh các lợi ích về sức khỏe thể chất, các bài tập, đặc biệt là các hoạt động thể chất theo nhóm, có thể giúp người mắc hội chứng Noonan tự tin hơn, giảm căng thẳng và tăng kết nối xã hội.
Các bài tập vận động đúng cách giúp người mắc hội chứng Noonan cải thiện sức khỏe.
2. Một số bài tập tốt cho người mắc hội chứng Noonan
2.1 Bài tập thở sâu và thư giãn
Người bệnh ngồi thoải mái, hít sâu qua mũi, giữ hơi thở trong vài giây rồi từ từ thở ra qua miệng. Lặp lại 10-20 lần. Đây là bài tập có thể thực hiện đối với hầu hết người mắc hội chứng Noonan, giúp cải thiện chứng năng hô hấp, tuần hoàn và giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng.
2.2 Các bài tập hỗ trợ tim mạch
- Đạp xe: Người bệnh mắc hội chứng Noonan có thể đi bộ chậm hoặc đạp xe nhẹ nhàng 15-30 phút mỗi ngày giúp cải thiện tuần hoàn máu mà không gây áp lực quá lớn lên tim.
- Bơi lội: Người bệnh cũng có thể lựa chọn bơi lội nhẹ nhàng. Bơi lội một mặt giúp hỗ trợ cải thiện hệ tim mạch mặt khác lại là cách để giảm áp lực lên khớp.
- Yoga: Bên cạnh đó các bài tập yoga hoặc tập thái cực quyền cũng được chứng minh là giúp kiểm soát hơi thở, tốt cho hệ tim mạch và tăng cường sự linh hoạt. Người bệnh có thể thực hiện một số tư thế yoga nhẹ nhàng như tư thế em bé, tư thế cây cầu, tư thế ngồi thiền, tư thế con mèo - con bò…
Đi bộ chậm giúp người bệnh mắc hội chứng Noonan cải thiện sức khỏe tim mạch.
2.3 Các bài tập giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp
- Bài tập đứng lên từ ghế: Người bệnh ngồi trên ghế, từ từ đứng lên rồi từ từ ngồi xuống, lặp lại khoảng 10 lần.
- Bài tập nắm bóng: Người bệnh dùng tay bóp quả bóng cao su mềm để tăng cường sức của bàn tay.
Đây là các bài tập giúp người mắc hội chứng Noonan cải thiện tình trạng giảm trương lực cơ, tăng sức bền.
Bài tập nắm bóng giúp người mắc hội chứng Noonan tăng cường sức bền.
2.4 Bài tập kéo giãn cơ và thư giãn
Các bài tập này rất hữu ích trong việc giúp người bệnh mắc hội chứng Noonan cải thiện sự linh hoạt và thư giãn cơ bắp.
- Bài tập xoay nhẹ nhàng các khớp: Người bệnh vận động, nhẹ nhàng xoay cổ, khớp vai, cổ tay, hông, cổ chân.
- Bài tập kéo giãn cơ bắp chân: Đứng thẳng, tựa tay vào tường, một chân đưa ra sau, ấn gót chân xuống để kéo căng cơ.
- Bài tập kéo giãn cánh tay: Người bệnh đưa tay trái vắt ngang ngực sang bên phải, dùng tay phải giữ tay trái và kéo căng cơ vai; giữ tư thế từ 3-5 giây rồi đổi bên.
Cách thực hiện bài tập kéo giãn cánh tay.
2.5 Các bài tập tăng cường thăng bằng và phối hợp vận động
- Bài tập đứng trên một chân: Đứng trên một chân, giữ thăng bằng trong 10-15 giây, sau đó đổi chân.
- Chơi bóng nhẹ: Tung và bắt bóng chậm để luyện phản xạ.
- Bước ngang: Đứng thẳng, bước ngang từ từ sang hai bên.
Các bài tập này sẽ giúp người mắc hội chứng Noonan cải thiện khả năng vận động, rèn luyện khả năng di chuyển và hỗ trợ kiểm soát cơ thể.
Đứng trên một chân giúp người mắc hội chứng Noonan cải thiện khả năng giữ thăng bằng.
3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc hội chứng Noonan
Người mắc hội chứng Noonan nên kiểm tra sức khỏe và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện, đặc biệt là những người có dị tật tim bẩm sinh, rối loạn đông máu và bất thường về cột sống hoặc xương khớp. Người bệnh có thể thực hiện các bài kiểm tra thể chất để lượng giá và xác định bài tập phù hợp.
Tránh tập luyện quá sức: Người mắc hội chứng Noonan nên tập ở cường độ vừa phải, phù hợp với thể trạng của từng cá nhân, tránh những động tác mạnh có thể gây tăng áp lực lên hệ tim mạch hoặc chấn thương.
Trước khi tập vận động người bệnh cần khởi động trước với những động tác nhẹ nhàng và chú ý đề phòng các chấn thương do té ngã, va đập mạnh trong khi tập luyện.
Khi có các triệu chứng nặng của bệnh, cảm thấy mệt mỏi, sốt, các bất thường hệ tim mạch người mắc hội chứng Noonan không nên tập luyện mà nên nghỉ ngơi, chỉ tập luyện khi các triệu chứng đã ổn định và được bác sĩ cho phép.
Kết hợp việc tập luyện với chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.
Các bài tập không được sử dụng để thay thế các chỉ định điều trị y khoa.
Đối với người mắc các dị tật tim bẩm sinh cần đặc biệt lưu ý tránh các bài tập gây tăng nhịp tim nhanh và đột ngột, uống đủ nước, và dừng ngay các bài tập nếu có các dấu hiệu như chóng mặt, khó thở, đau tức ngực, tim đập nhanh.
Khi cảm thấy mệt hoặc có các dấu hiệu bất thường như khó thở, đau ngực, người bệnh nên dừng bài tập và nghỉ ngơi. Nếu các triệu chứng khó chịu trở nên nặng hơn cần báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Mời bạn xem tiếp video:
Nên đi bộ bao nhiêu km mỗi ngày để cơ thể khỏe đẹp? | SKĐS