Đó là chị Trương Thị Hồng Loan (SN 1974) và Đinh Thị Thu (SN 1972), hai thí sinh lớn tuổi nhất tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại Bình Định (cũ). Ở tuổi 50, các chị vẫn miệt mài theo đuổi giấc mơ tốt nghiệp THPT. Được biết, hai chị là giáo viên mầm non tại 2 Trường Mầm non Vĩnh Quang (xã Vĩnh Quang) và Trường Mầm non Vĩnh Hiệp (xã Vĩnh Thịnh), không dạy cùng trường nhưng là bạn nhiều năm, đã rủ nhau cùng dự thi tốt nghiệp THPT.
Sau buổi thi thứ 2, chị Trương Thị Hồng Loan (bìa trái) và Đinh Thị Thu ngồi trao đổi về bài thi. Ảnh: HỒ ĐIỂM
Thực hiện ước mơ còn dang dở
Điều gì khiến hai chị quyết định thi tốt nghiệp THPT khi đã ở tuổi trên 50?
- (Chị Thu tay mân mê tờ giấy báo danh, giọng chậm rãi). Tôi học bổ túc để hoàn thành chương trình lớp 12 (năm 2007), rồi tiếp tục học trung cấp mầm non và đi dạy từ năm 2010. Sau đó tôi từng thi đại học nhưng không đậu, rồi bận công việc, gia đình, cứ thế bỏ qua chuyện học hành của mình.
Nhiều năm đứng trước học trò, tôi vẫn thấy thiếu tự tin, vì chưa có được tấm bằng tốt nghiệp THPT trọn vẹn. Với nhiều người, đó chỉ là thủ tục, nhưng với tôi, nó là lời hứa với bản thân, là thực hiện ước mơ về con đường học vấn còn dang dở. Nghe nói kỳ thi năm nay có ý nghĩa đặc biệt, khi là kỳ thi cuối cùng áp dụng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2006, tôi tự nhủ nếu không bây giờ thì không bao giờ. Tôi muốn thành công ở lần này, hoàn thiện mơ ước, để sau này không phải tiếc nuối vì đã không dám làm.
(Chị Loan mỉm cười, nhẹ giọng góp chuyện). Thời điểm học Trung cấp Mầm non, tôi và chị Thu là bạn học. Vì vậy, sau này chị Thu rủ cùng đăng ký dự thi, tôi đồng ý ngay. Tôi cũng thấy mình nợ chính mình một lời tự hứa.
Quay lại ôn tập sau mấy chục năm nghỉ học, hẳn các chị có nhiều khó khăn…
- Khó hơn tôi tưởng rất nhiều. Đầu óc thì chậm, mắt thì mờ, sách vở giờ khác xưa lắm. Có hôm dạy trẻ về, lo cơm nước xong mới dám ngồi học, mệt rã rời. Nhiều đêm vừa xem tài liệu, vừa học vừa ngủ gục. Tuy vậy, gia đình luôn bên cạnh, chồng và các con luôn ủng hộ, động viên “Mẹ cố lên nhé!”. Nghe xong vừa thấy thương con, vừa thấy trách nhiệm. Tôi học không chỉ cho tôi mà còn cho con, để nó thấy mẹ mình không bỏ cuộc, để nó biết mẹ cũng biết nỗ lực đến cùng.
(Chị Loan gật đầu tán đồng với câu chuyện của bạn).
Động lực nào giúp hai chị vững vàng vượt qua kỳ thi?
- (Chị Loan ánh mắt sáng lên, giọng đầm ấm). Gia đình, đồng nghiệp, học trò. Có hôm đồng nghiệp đùa “Cô mà đỗ thì tụi em cũng phải noi gương”. Mấy đứa nhỏ thì ríu rít “Cô nhớ đỗ để liên hoan nhé”. Nghe vừa vui vừa thấy trách nhiệm.
Chị Trương Thị Hồng Loan yêu thương, hướng dẫn học trò tham gia nhiều hoạt động ở lớp. Ảnh: NVCC
Nhưng sâu xa hơn, thật lòng mình chính là tôi muốn tự hào với bản thân. Là giáo viên mầm non, hằng ngày tôi vẫn dạy các con lễ phép, cố gắng, chăm ngoan, thì mình cũng phải làm gương cho các con nữa. Mình mà bỏ cuộc giữa chừng thì sau này sao dám nói với học trò “Con phải cố lên”. Vậy nên tôi học, tôi thi, cũng là để giữ lời với chính mình, với những đứa trẻ tôi dạy mỗi ngày. Và có lẽ để không thẹn với lòng.
Truyền cảm hứng cho người trẻ
Các thí sinh trong phòng thi đón nhận hai chị như thế nào?
- Ban đầu các em nhìn tôi tò mò, có đứa thì thầm “Cô thi thật ạ?”. Sau đó, các em lại gần bắt chuyện, hỏi thăm chúng tôi ôn luyện bài vở tới đâu. Rời khỏi phòng thi, nhiều cháu lại gần, trò chuyện, nói “Cô giỏi quá. Tụi con nể lắm!”. Nghe mà thấy ấm áp, thấy mình được chấp nhận.
(Còn chị Thu cười khúc khích). Nghe tụi nhỏ gọi cô cô ngọt xớt, thấy cũng vui vui và tự nhiên không còn mặc cảm, e dè như lúc ban đầu.
Việc hai chị xuất hiện ở phòng thi đã là một điều đặc biệt...
- (Chị Thu ngồi lặng một hồi lâu, rồi chậm rãi nói). Không phải là bài thi hay kiến thức, mà là vượt qua mặc cảm… Tôi từng hỏi mình “Già thế này học để làm gì”, rồi lại nghĩ “Chắc thi cử tuổi này, người ta cười mình mất”. Nhưng rồi hiểu ra, chính mình trói mình bằng suy nghĩ đó. Khi dám bước đi, mọi thứ bỗng nhẹ đi. Học không phải để hơn người khác, mà để vượt qua rào cản tâm lý của chính mình.
Chị Đinh Thị Thu tổ chức nhiều hoạt động thú vị cùng học trò tại các buổi dạy ở Trường Mầm non Vĩnh Hiệp (xã Vĩnh Thịnh). Ảnh: NVCC
(Chị Loan đặt tay lên tay bạn, gật đầu). Đúng vậy. Bài thi lớn nhất chính là với bản thân. Chúng tôi thấy bản thân đã hoàn thành tốt bài thi của cuộc đời mình, dù kết quả thế nào cũng không hối tiếc.
Các chị muốn gửi gắm điều gì tới các bạn trẻ?
- Hãy học khi còn trẻ, đừng đợi tóc bạc mới hối tiếc. Nhưng cũng đừng bao giờ nghĩ đã muộn. Nếu còn muốn, còn tin, thì còn làm được. Đừng để ánh nhìn của người khác ngăn các em lại. Một khi dám bước ra khỏi vùng an toàn, các em sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn.
Việc gì cũng vậy, kể cả việc học luôn có khó khăn, mệt mỏi, nhưng đừng vì thế mà gục ngã. Kiến thức, tấm bằng không chỉ để kiếm việc, mà còn là niềm tự hào của chính mình, là tấm gương cho con cái sau này. Các em hãy cố gắng hết mình, đừng chờ đến lúc tóc bạc như cô mới hối hận, mới quay lại trường lớp. Đừng sợ sai, đừng sợ thi rớt, chỉ sợ mình không dám bước tiếp thôi!
***
Cuộc trò chuyện khép lại trong ánh nắng chiều vàng rực. Hai dáng người nhỏ nhắn, vai khoác túi xách, lẫn vào dòng sĩ tử trẻ tuổi rời điểm thi. Họ vừa vượt qua một kỳ thi, nhưng quan trọng hơn, họ đã vượt qua chính mình. Ở họ, chúng tôi thấy rõ rằng học tập không có tuổi và can đảm bắt đầu mới là thành công lớn nhất.
Xin cảm ơn hai chị!
HỒ THỊ ĐIỂM