Ngoại tình dễ bị phát hiện hơn trong thời đại số

Ngoại tình dễ bị phát hiện hơn trong thời đại số
5 giờ trướcBài gốc
Khoảnh khắc cặp đôi ngoại tình bị bắt gặp trong buổi biểu diễn của nhóm nhạc Coldplay tại Mỹ. Ảnh: Yahoo.
Sau buổi hòa nhạc của nhóm Coldplay tại sân vận động Gillette, Boston (Mỹ) 16/7, tâm điểm truyền thông quốc tế tập trung vào sự cố “kiss-cam” bắt lại khoảnh khắc thân mật giữa CEO Andy Byron của Công ty công nghệ Astronomer và Giám đốc nhân sự Kristin Cabot. Đoạn video này được đăng tải bởi đại diện nhóm nhạc Coldplay trên trang nghệ sĩ của họ vào ngày sau đó.
Sự việc đã khiến danh tiếng và đời sống cá nhân của vị CEO này bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn hết, nó cho thấy ngoại tình rất dễ bị lật tẩy trong thời đại số, nơi mọi người đều có thể chia sẻ khoảnh khắc lên mạng xã hội.
Ai cũng có thể là một thám tử điều tra
Từ một đoạn video bị máy quay chĩa vào ngẫu nhiên kể trên, câu chuyện của ông Byron trở thành minh chứng cho thực tế rằng trong thời đại số, không có bí mật nào là tuyệt đối. Cuốn sách Nội tình của ngoại tình của chuyên gia tâm lý Esther Perel từng chỉ ra rằng những vụ ngoại tình ngày nay không còn là chuyện riêng của hai người, chúng nhanh chóng bị bóc tách, truy vết và phân tích bởi cả một xã hội công nghệ.
“Không ai còn cần thuê thám tử chuyên nghiệp. Trong thời đại mà mỗi cá nhân mang trong túi mình một chiếc điện thoại thông minh, bất kỳ ai cũng có thể trở thành thám tử điều tra tình cảm", trích từ cuốn sách Nội tình của Ngoại tình.
Cuốn sách Nội tình của Ngoại tình. Ảnh: Netabooks.
Mọi người có thể lần ra dấu vết ngoại tình qua tin nhắn nhầm, hình ảnh lưu trữ trên đám mây, lịch sử giao dịch ngân hàng, thậm chí là ứng dụng định vị GPS. Một tiếng thở gấp gáp khi gọi điện, một cuộc giao dịch lạ tại nhà hàng vào giờ bất thường, hay một bức ảnh "lạc chủ" trong album ảnh gia đình. Tất cả đều là những bằng chứng số mang tính hủy diệt với các mối quan hệ.
Như tác giả Perel và các nhà trị liệu khác chỉ ra, trong một thế giới siêu kết nối, tình yêu có thể đến nhanh, nhưng cũng có thể tan vỡ tức thì khi những bằng chứng được phơi bày dưới ánh sáng màn hình.
Cảm giác đau đớn của người trong mối quan hệ bị phản bội là điều không thể tránh khỏi. Họ có thể lạc lối giữa hai "màn hình". Một là cuộc sống từng tin là thật, hai là sự thật mới vừa bị lộ ra.
Người ngoại tình có tâm lý như thế nào?
Dưới góc nhìn của nhà trị liệu Esther Perel, ngoại tình là một hiện tượng phức tạp, không thể thu gọn trong những đánh giá đạo đức đơn giản. Theo bà, một mối quan hệ vụng trộm thường chứa đựng ít nhất ba yếu tố: sự giấu giếm, phản ứng tình dục và vấn vương tình cảm.
Những yếu tố này là lăng kính hữu ích để ta nhìn sâu hơn vào các động cơ và trải nghiệm nội tâm của người trong cuộc. “Giấu giếm chính là bản chất cơ bản nhất, khiến chuyện ngoại tình trở nên kích thích bởi sự cấm đoán và lén lút”, trích từ cuốn sách Nội tình của Ngoại tình.
Tình dục, dù có thể không diễn ra theo nghĩa thể xác, vẫn hiện diện trong năng lượng và tưởng tượng, thậm chí một nụ hôn tưởng tượng cũng có thể tạo nên cảm giác hưng phấn không kém gì một lần ái ân. Yếu tố tình cảm, đôi khi mãnh liệt đến mức vượt qua những gì người đó từng cảm nhận trong cuộc hôn nhân chính thức.
Nhiều người miêu tả chuyện tình vụng trộm như một sự thức tỉnh, một luồng sinh khí mới khiến họ tin rằng nếu chối bỏ nó, họ đang phản bội chính mình.
Tác giả Esther Perel. Ảnh: Scott Barry Kaufman.
Tác giả Esther Perel không lý giải ngoại tình theo mô típ truyền thống: hoặc hôn nhân có vấn đề, hoặc cá nhân có khuyết điểm. Bà tin rằng đôi khi, ngoại tình không khởi phát từ sự bất ổn hôn nhân mà từ mong muốn sống thật hoặc sự thôi thúc khám phá bản thân đã bị chôn vùi trong mối quan hệ hàng ngày. Người ngoại tình có thể cảm thấy lần đầu được sống đúng với cảm xúc của mình, dẫu sự thật ấy phải được giấu kín.
Trong trải nghiệm làm việc với hàng trăm cặp đôi, bà Perel chứng kiến sự dối trá hiện diện dưới nhiều hình thức: nói dối để tự vệ, để bảo vệ người khác, thậm chí người bị phản bội cũng nói dối để không làm tổn thương người đã phản bội mình. Có người giữ bí mật suốt nhiều năm, thậm chí những người ngoài cuộc khi vô tình phát hiện sự thật cũng chọn im lặng. Do đó, sự thật về ngoại tình thường bị vùi lấp trong mạng lưới phức tạp của những lời không nói ra.
Nhà trị liệu Esther Perel khuyến khích nhìn nhận ngoại tình như một tín hiệu cần được thấu hiểu, không phải để biện minh mà để chữa lành. Bởi điều gây tổn thương không chỉ là hành vi phản bội mà là cú sốc tâm lý khi người ta phải đối diện với việc ký ức, hiện tại và tương lai bị bẻ gãy bởi sự thật.
Những người trong cuộc, dù là kẻ phản bội hay người bị phản bội, đều cần cơ hội để hiểu rõ động cơ, cảm xúc và tổn thương của chính mình, từ đó tìm cách hồi phục hoặc bước sang một chương mới trong đời sống tình cảm.
Đức Huy
Nguồn Znews : https://znews.vn/ngoai-tinh-de-bi-phat-hien-hon-trong-thoi-dai-so-post1569689.html