CÔ GIÁO GIÀ
Cô giáo già ngồi bên góc chợ quê
Chiếc mẹt mốc, chục trứng gà, nải chuối
Chiều vãn chợ, bóng người nghiêng qua vội
Cô vẫn ngồi mời người lạ, người quen.
- Bao nhiêu đây, xin bán hết cho em!
Mua làm quà đến thăm cô giáo cũ
Bốn chục năm hóa thành người biệt xứ
Về tìm cô, quên lối cũ đường vào.
- Chú ở đâu mà quý hóa biết bao!
Chẳng tính tiền, tôi gói luôn cho chú
Hơn nửa đời vẫn nhớ cô giáo cũ
Tình thẳm sâu như thế được mấy người?!
Tôi nhìn cô mái tóc trắng mây trời
Gầy guộc gói quả trứng gà, nải chuối
Thảng thốt gọi: - Cô ơi, đừng gói vội
Là em đây, học trò cũ cô mà!
Thuở chữ O tròn như quả trứng gà
Thuở chữ C lưng còng như quả chuối
Bài học đầu tiên vẫn không có tuổi
Nâng bước em trên mỗi nẻo đường xa.
Cô ngước lên, dùi dụi khóe mắt già
Tôi quỳ xuống bỗng khóc òa, nức nở:
- Cô giáo ơi, em thấy mình bé nhỏ
Trước đời cô bên góc chợ quê nghèo!
NGUYỄN TIẾN SỸ
Bài thơ Cô giáo già của tác giả Nguyễn Tiến Sỹ đã làm lòng tôi thổn thức, hòa điệu từ buổi đầu tiên khi đọc tác phẩm.
Tác phẩm là bài ca tri ân sâu sắc của người học trò cũ ngày về thăm cô giáo trong một tình huống thật nghiệt ngã: cô- trò trở thành kẻ bán người mua giữa chợ đời xuôi ngược để rồi họ nhận ra nhau trong tiếng khóc òa thổn thức.
Bài thơ mở đầu là hình ảnh cô giáo già ngồi bán hàng bên góc chợ quê. Một góc chợ nhỏ bình dị, đơn sơ nhưng lại chất chứa bao điều về cuộc sống.
Bằng cái nhìn thật chi tiết, nhà thơ Nguyễn Tiến Sỹ đã khắc họa khung cảnh thân thương, gần gũi nhưng đồng thời cũng gợi lên nét vất vả, tảo tần mà cô giáo phải trải qua trong cuộc sống. Cô giáo ngồi đó, mời người lạ người quen với “chiếc mẹt mốc”, “chục trứng gà”, “nải chuối” giữa dòng người tấp nập, đua chen mà dường như cô vẫn cô đơn trong bóng chiều như một bức tranh nhuốm màu xưa cũ:
Cô giáo già ngồi bên góc chợ quê
Chiếc mẹt mốc, chục trứng gà, nải chuối
Chiều vãn chợ, bóng người nghiêng qua vội
Cô vẫn ngồi mời người lạ, người quen.
Chậm rãi đọc, ta nhận ra cái hay của khổ thơ đầu không phải chỉ là những nét tả thực mà ẩn chứa phía sau ấy là cả một nỗi niềm và thân phận đời người. Người đọc nhận ra cô giáo không chỉ bán hàng mà còn như bán đi những tháng ngày thầm lặng của chính mình. Phía sau hình ảnh người phụ nữ bán mẹt hàng kia là cả một cuộc đời hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Đến khổ thơ thứ hai, sự xuất hiện của nhân vật trữ tình xưng “em” - người học trò cũ lại càng làm tăng thêm sự bồi hồi, xúc động. Câu chào mua của người học trò sau bốn mươi năm xa cách qua lời thoại đã góp phần đánh thức những tháng ngày xưa cũ. Anh trở về thăm cô giáo nhưng vì lâu quá nên quên lối cũ đường vào và tự nhận mình là “người biệt xứ”.
- Bao nhiêu đây, xin bán hết cho em!
Mua làm quà đến thăm cô giáo cũ
Bốn chục năm hóa thành người biệt xứ
Về tìm cô, quên lối cũ đường vào
Vẫn chưa nhận ra học trò cũ của mình, cô giáo già dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng với tấm lòng nhân hậu đã không quan tâm đến bạc tiền, sẵn sàng tặng cho người khách giàu ân nghĩa.
Câu hỏi tu từ “Tình thẳm sâu như chú được mấy người?” mang đầy suy tư và chiều sâu cảm xúc. Có lẽ cô giáo đang nghĩ đến chính mình, nghĩ đến bao người học trò nhỏ ngày xưa mình yêu thương, dạy dỗ.
Qua lời thoại mang đầy tình huống trớ trêu ấy, nhà thơ đã gợi lên sự tôn trọng và quý mến dành cho cô giáo, người dành cả cuộc đời hy sinh cho biết bao thế hệ học trò.
- Chú ở đâu mà quý hóa biết bao!
Chẳng tính tiền, tôi gói luôn cho chú
Hơn nửa đời vẫn nhớ cô giáo cũ
Tình thẳm sâu như thế được mấy người?!
Khoảnh khắc người học trò nhận ra cô giáo cũ có lẽ là chi tiết xúc động nhất trong bài thơ. Nhìn mái tóc cô ngả màu trắng mây trời, bàn tay cô gầy guộc gói trứng gà, nải chuối…
Chính thời gian quan sát thật kỹ những giây phút lắng đọng này, người học trò ngày nào mới nhận ra cô giáo của mình ngày xưa sau bốn mươi năm xa cách. Thời gian đã làm phôi phai những nét thanh xuân nhưng vẫn không sao xóa nhòa được từng cử chỉ thân quen, gần gũi ấy.
Những câu thơ bật thốt, nghẹn ngào như nỗi niềm sám hối, một lời xin lỗi muộn màng trước bao hy sinh, vất vả của đời cô mà người học trò cũ chưa từng biết đến.
Tôi nhìn cô mái tóc trắng mây trời
Gầy guộc gói quả trứng gà, nải chuối
Thảng thốt gọi: - Cô ơi, đừng gói vội
Là em đây, học trò cũ cô mà!
Sau phút giây thảng thốt nhận ra cô giáo cũ của mình, nhà thơ Nguyễn Tiến Sỹ đã dành khổ thơ thứ năm để hoài niệm về một thời thơ dại. Đây là khổ thơ bộc lộ sự biết ơn cụ thể và sâu sắc của tác giả đối với công lao dạy dỗ của cô giáo. Bằng khả năng liên tưởng sắc nét, nhà thơ sử dụng phép so sánh đầy gợi hình khi liên hệ “chữ O tròn” với “quả trứng gà” và chữ “C lưng còng” với hình ảnh quả chuối. Đó cũng chính là những món hàng hôm nay giữa chợ đời cô mời mọi người mua. Nhờ đó, hình tượng thơ tự nó đã tạo được kịch tính, gây xúc động, ý tứ bài thơ cũng được nâng lên sâu sắc hơn.
Thưở chữ O tròn như quả trứng gà
Thuở chữ C lưng còng như quả chuối
Bài học đầu tiên vẫn không có tuổi
Nâng bước em trên mỗi nẻo đường xa.
Khép lại bài thơ, dường như không nén được lòng mình, nhân vật trữ tình – người học trò cũ trong bài thơ đã quỳ xuống và nghẹn ngào bật khóc.
Đến đây, người đọc nhận ra dấu ấn tự sự trong tác phẩm thơ trữ tình đã thực sự dâng lên đến đỉnh điểm, đồng thời cũng thật độc đáo, vì tình huống ấy đã cuốn hút và làm xúc động hết thảy chúng ta.
Cô ngước lên, dùi dụi khóe mắt già
Tôi quỳ xuống bỗng khóc òa, nức nở:
- Cô giáo ơi, em thấy mình bé nhỏ
Trước đời cô bên góc chợ quê nghèo!
Nhìn tổng thể, bài thơ Cô giáo già sử dụng cấu trúc đối lập giữa cảnh đời thực tại và ký ức, giữa sự phôi phai của thời gian và lòng tri ân một cách tinh tế của nhà thơ. Nhờ đó, thi phẩm không những thật giàu cảm xúc mà càng làm tăng kịch tính, sức hấp dẫn lan tỏa qua từng câu thơ, ý thơ. Vì vậy, bài thơ vừa khắc họa bức chân dung cô giáo già, vừa giúp người đọc cảm nhận sâu sắc tình thầy trò thiêng liêng và bất diệt trong mỗi trái tim người.
TRẦN HUYỀN