Tác giả bên bức tượng chân dung Văn Cao trong không gian Bảo tàng Văn học Việt Nam
Văn Cao (15/ 11/ 1923 - 10/ 7/ 1995) là một cây đại thụ của nền văn học nghệ thuật nước nhà trong suốt thế kỷ XX. Ông thuộc lớp nghệ sĩ mở đường, đặt nền móng cho nhiều lĩnh vực nghệ thuật hiện đại của Việt Nam như âm nhạc, hội họa và thi ca.
Ngày nay nhìn lại những di sản của ông để lại, người ta thấy, nếu trong âm nhạc Văn Cao “sang trọng như một ông hoàng” (chữ dùng của Trịnh Công Sơn) thì trong hội họa ông cũng đã đóng góp không ít “ý tưởng” để xây đắp xây nên “con đường nghệ thuật Việt Nam hòa nhập thời đại, ngay từ thuở giao thời”.
Đặc biệt với thơ, Văn Cao là một trong những thi sĩ tiên phong rũ bỏ vần, làm những bài thơ ngắn theo thể tự do, thể hiện nhạc tính từ những khoảng lặng của tiết tấu, hiện đại hóa cấu tứ qua cách tổ chức kết cấu hình ảnh trong những bài thơ.
Với chủ ý đổi mới và sáng tạo nghệ thuật như thế mà đương thời Văn Cao đã không ngừng trăn trở: “Con thuyền đi qua/ để lại sóng/ đoàn tàu đi qua/ để lại tiếng/ đoàn người đi qua/ để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” (Không đề). Tư tưởng và ý thức đổi mới nghệ thuật ấy ta có thể thấy khá rõ trong bài thơ “Trôi” khi nhà thơ triết lý, cảnh tỉnh bạn đọc về sự hữu hạn của mọi vật và con người trên dòng thời gian vô hạn của vũ trụ bao la.
TRÔI
Tôi thả con thuyền giấy
con thuyền giấy trôi
tôi thả một bông hoa
bông hoa trôi
tôi thả một chiếc lá
chiếc lá trôi
tôi ôm em trong tay
em vẫn trôi
Bài thơ ngắn gọn, có bốn khổ, mỗi khổ có hai câu, không dấu câu, duy nhất có câu đầu viết hoa. Thoạt nhìn, tác phẩm khá ấn tượng về sự đổi mới trong cách trình bày hình thức. Bề ngoài ấy dễ làm người ta liên tưởng tới dòng nước, dòng thời gian liên tục tuôn chảy, trôi mãi… không ngừng. Đọc bài thơ lên ta thấy câu chữ không mượt mà, có vẻ gân guốc, trúc trắc. Tuy nhiên không phải vì thế mà bài thơ ít để lại ấn tượng về nhạc tính. Có thể thấy, với cách đọc chậm, liền mạch, ngắt nhịp ở cuối mỗi dòng thơ, bài thơ đã gợi lên trong lòng người đọc một âm điệu trầm lắng cùng với những chất chứa suy tư.
Đặc biệt với cách sáng tạo trong việc tổ chức, sắp xếp các hình ảnh để tạo thành một kết cấu vừa tương phản vừa tương đồng, nhà thơ đã cho người đọc thấy được những trải nghiệm cuộc đời và kín đáo gửi gắm đến người đọc một bức thông điệp đầy triết lý về cuộc sống với những mất còn của đời người trên dòng thời gian vô thủy vô chung để nhắc nhở con người ý thức về sự hữu hạn của cuộc sống hiện tại.
Đấy là thoạt nhìn, còn khi đọc sâu bài thơ, ta sẽ thấy thấm thía một cách thú vị về những dư ba của bức thông điệp được ẩn chứa đằng sau những câu chữ qua cách sắp xếp, tổ chức các từ ngữ, hình ảnh xoay quanh hai trục kết cấu tương phản và tương đồng. Ở trục kết cấu tương phản là những từ ngữ, các hình ảnh tương phản với nhau. Đó là, những hành động “thả” và “ôm”; thế giới sự vật: “con thuyền giấy”, “một bông hoa”, “một chiếc lá” và thế giới con người: “em”. Ở trục kết cấu tương đồng là hình ảnh giống nhau của sự vật và con người: cùng trôi theo dòng nước.
Như vậy với cách sắp xếp, tổ chức các từ ngữ, các hình ảnh theo hai trục kết cấu vừa tương phản vừa tương đồng với nhau như thế Văn Cao đã gợi lên trong người đọc những cái đối cực của con người trong vũ trụ mênh mông. Đó là cái tôi với cái phi tôi, giữa thả và trôi, giữa nội giới và ngoại giới, giữa mất và còn … Tất cả những đối cực này tuy khác nhau nhưng đều có một điểm chung giống nhau là phải tuôn theo quy luật vận động tự nhiên của dòng chảy vũ trụ (nước, thời gian).
Và, cùng với việc tổ chức kết cấu bài thơ theo cách vừa tương phản và vừa tương đồng với nhau như thế, nhà thơ còn sử dụng một loạt các biện pháp tu từ điệp ngữ (điệp cấu trúc “tôi thả …” và điệp từ “thuyền giấy”, “bông hoa”, “chiếc lá”, “trôi”), tương phản (“thả” và “ôm”), ẩn dụ (hình ảnh con thuyền giấy, bông hoa, chiếc lá, em… bị trôi) để gợi lên trong suy nghĩ của người đọc về những trải nghiệm cuộc đời của mình và một đúc rút ra cái quy luật triết lý nhân sinh của cuộc đời.
Với nghệ thuật điệp ngữ, nhất là hình ảnh “tôi thả” và “trôi”, nhà thơ không chỉ cho thấy sự mong manh, vô định của sự vật giữa dòng nước mênh mông mà còn nhấn mạnh cho người đọc thấy được sự day dứt, trăn trở đi tìm một lời đáp về sự “tồn tại” của nhà thơ trên hành trình trải nghiệm.
Có thể thấy trên hành trình trải nghiệm dặm dài của đời người ấy Văn Cao đã thả biết bao sự vật trên dòng nước với hy vọng được nhìn thấy nó đứng lại giữa dòng trôi, với thời gian. Nhưng tất cả hy vọng của nhà thơ rốt cục đều trở thành vô vọng. Không một sự vật nào có thể đứng lại được trên dòng nước, dòng thời gian. Tất cả đều bị dòng nước cuốn “trôi” về nơi cuối trời. Thả sự vật mất sự vật. Từ trải nghiệm sự vật nhà thơ rút kinh nghiệm với con người. Không thả nữa, Văn Cao “ôm em trong tay” (tức là giữ gìn cẩn thận, khổ thơ cuối của bài thơ “Trôi” trên Thi viện.net đăng là “tôi giữ chặt em”) nhưng kết quả “em vẫn trôi”.
Có thể thấy, với nghệ thuật tương phản này, ngoài việc đưa ra minh chứng để cho mọi người hiểu rõ được sức mạnh của dòng thời gian (quy luật tự nhiên) thì ta còn nhận ra một tình yêu, một sự yêu thương con người; trân trọng cái đẹp của nhà thơ. Với “em” nhà thơ không “thả” mà ôm chặt “trong tay” để nâng niu, giữ gìn một cách cẩn thận để hy vọng em sẽ còn mãi bên mình.
Có lẽ, tất cả những điều kể trên chưa phải là tầng nghĩa cuối cùng của bài thơ. Kết nối các khổ thơ, xuyên suốt bài thơ, người ta thấy các hình ảnh của sự vật và con người đều bị dòng nước, dòng thời gian cuốn “trôi”. Những hình ảnh “con thuyền giấy”, “một bông hoa”, “một chiếc lá” và “em” bị cuốn “trôi” kia là nghĩa tường minh bên ngoài.
Phải chăng ở lớp nghĩa hàm ẩn, thông nghệ thuật ẩn dụ, Văn Cao muốn nói với mọi người rằng: Mọi vật trên thế gian này không gì có thể tồn tại vĩnh hằng trước thời gian mênh mông. Vì vậy con người phải biết trân trọng thời gian hiện tại, trân trọng và yêu thương con người, thấy được ý nghĩa của cuộc sống và tình yêu trong phút giây hiện hữu.
Bởi thế, khổ thơ cuối cùng của bài thơ: “Tôi ôm em trong tay/ em vẫn trôi” ta thấy hình ảnh nhân vật trữ tình có gì như cuống quýt, níu giữ nhưng cuối cùng cũng đành bất lực. Lời thơ và âm điệu ở khổ kết bài thơ trầm lặng; ẩn một nỗi sầu về sự bất lực, một tâm trạng hụt hẫng. Đấy chính là nỗi buồn về sự bất khả giải của tâm hồn.
Bài thơ “Trôi” là tác phẩm thể hiện khá rõ phong cách thơ của Văn Cao. Tác phẩm không chỉ là một bài thơ mà còn thể hiện một bức tranh ngôn ngữ mang đậm sắc màu hội họa. Với tình yêu sự sống, sự nhạy cảm với cuộc đời và tài năng thi ca đầy sáng tạo, thi phẩm không chỉ là một lời phát biểu về quy luật của cuộc đời, về cái hữu hạn và vô hạn mà còn là một sự nhắc nhở, cảnh tỉnh người đời.
Trên thế gian này không có gì đứng ngoài quy luật của tự nhiên. Dòng thời gian bất tận của tự nhiên sẽ cuốn trôi tất cả mọi vật. Trên dòng thời gian ấy có khi cái con người càng níu giữ thì càng dễ mất. Bởi thế bài thơ như “một sự phản tỉnh vừa có ý nghĩa như một giá trị của hiện hữu lại vừa như một giá trị của hư vô.
Hiện hữu mà hư vô, hư vô mà hiện hữu” (Trần Hoài Anh) để gợi lên cái thân phận như cánh bèo bồng bềnh trôi trên dòng nước giữa đại dương mênh mông, gợi lên cái vô định của kiếp người. Cho nên đọc bài thơ ta thấy nó như một lời đối thoại về “cuộc sống và con người, về thân phận về ước vọng” (Đặng Tiến).
Có lẽ nhờ sự thức tỉnh này mà Văn Cao “vượt lên những tai ương, hoạn nạn, những cám dỗ để không đánh mất mình trong vũng lầy của lợi danh, dục vọng mà nhiều khi đó là nguyên nhân đẩy ta vào bi kịch” (Trần Hoài Anh). Có lẽ với Văn Cao, thơ cũng là đời; là một phẩm chất; là một ý thức cao đẹp trong nhân cách của những nghệ sĩ tài ba. Và chính những điều ấy đã làm cho tác phẩm của ông vẫn còn xanh mãi với thời gian và còn luôn được người đọc nhắc đến.
Đào Thị Thu Hiền