Bài toán môi trường về việc giảm thuế xe hybrid và tăng thuế xe bán tải

Bài toán môi trường về việc giảm thuế xe hybrid và tăng thuế xe bán tải
một ngày trướcBài gốc
Sáng 18-4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức hội thảo Tham vấn hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm hoàn thiện dự thảo Luật này. Trong đó, Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đề xuất giảm thuế xe hybrid, nhưng tăng thuế với xe bán tải lên 60%, gấp đôi hiện tại.
Ưu đãi Thuế TTĐB cho xe HEV và PHEV mang lại lợi ích gì?
Liên quan đến ngành ô tô, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) bày tỏ về mối quan tâm lớn của Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành mong muốn có chính sách thuế hài hòa lợi ích giữa đảm bảo thu ngân sách, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô và lợi ích của người tiêu dùng, cũng như bảo vệ môi trường.
VAMA phân tích với công nghệ kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện, xe HEV và PHEV tiết kiệm nhiên liệu như thế nào. Ảnh: TN
Theo đó, VAMA tiếp tục kiến nghị ưu đãi thuế TTĐB đối với xe hybrid điện. Cụ thể, ưu đãi cho xe hybrid điện không cần hệ thống nạp điện riêng (HEV) bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 100%). Đồng thời, ưu đãi cho xe hybrid điện nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng (PHEV) bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại (hiện tại là 70%).
Theo Luật thuế TTĐB không phân biệt xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (hay còn gọi là xe Hybrid) có hay không có hệ thống nạp điện ngoài. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có vướng mắc rất lớn, đó là chỉ có xe Hybrid có hệ thống nạp điện ngoài được hưởng ưu đãi về thuế TTĐB, trong khi xe Hybrid không có hệ thống nạp điện ngoài thì chưa được hưởng ưu đãi về thuế TTĐB.
Với công nghệ kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện, xe HEV và PHEV tiết kiệm nhiên liệu lần lượt là ~ 30% và ~50% so với xe động cơ đốt trong cùng loại, từ đó giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương ra môi trường.
Ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Truyền thông
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA)
Theo Nghiên cứu của Công ty TNHH và tư vấn KPMG, các xe Hybrid được sản xuất trong giai đoạn 2026-2030 có thể góp phần giảm hơn 2,6 triệu tấn lượng phát thải khí CO2, giúp tiết kiệm ngân sách để bù đắp lượng phát thải tương đương với 333 tỷ đồng tín chỉ cac-bon. Đồng thời, với ưu đãi như đề xuất của VAMA, sẽ tiết kiệm 28.000 tỷ đồng chi phí dầu thô nhập khẩu trong suốt vòng đời của một xe ô tô. Qua đó, giảm áp lực lên cán cân thương mại của Việt Nam.
Việc ưu đãi Thuế TTĐB cho xe HEV và PHEV mang lại lợi ích như đảm bảo an ninh năng lượng, duy trì môi trường đầu tư ổn định và thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành ô tô cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, mở rộng liên kết chuỗi cung ứng góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như cơ sở hạ tầng.
Đề xuất duy trì Thuế TTĐB với xe pick-up
Ông Quyết cũng đề xuất duy trì chính sách ổn định với dòng xe Pick-up chở hàng cabin kép; ủng hộ những phát biểu đề xuất của Quốc hội đó là đề nghị cân nhắc thực hiện ổn định chính sách, đi đôi với nghiên cứu một lộ trình thích hợp, giữ nguyên mức hiện tại cho năm đầu tiên kể từ khi Luật được thông qua và chia đều phần tăng trong ít nhất 3 năm tiếp theo để phù hợp đối với mặt hàng xe pickup chở hàng cabin kép.
VAMA cũng đề xuất giữ nguyên Thuế TTĐB đối với xe pick-up như hiện nay. Ảnh: TN
Xe pickup chở hàng là dòng xe đa dụng, chạy được trên nhiều địa hình với công năng chính là chở hàng, phù hợp cho kinh tế hộ gia đình, quy mô nhỏ, tiết kiệm chi phí kinh doanh và vận chuyển hàng hóa đơn giản trong thành phố dễ dàng, an toàn, tiếp cận những nơi mà xe tải khó có thể tới; tiết kiệm chi phí, giảm thiểu số lượng những xe chở hàng tự chế 3 bánh, 4 bánh không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn.
Theo thống kê của VAMA trong 5 năm, thị phần của xe pickup chở hàng cabin kép khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số xe ô tô tiêu thụ. Theo báo cáo của VAMA và KPMG về mua xe pick-up chở hàng cabin kép: Khách hàng cá nhân: 64%, cơ quan, doanh nghiệp: 36%. Khách hàng tỉnh thành chiếm trên 70%. Do đó, mục tiêu của chính sách tăng thuế TTĐB để điều tiết hạn chế sử dụng xe này tại các thành phố lớn là không phù hợp vì sẽ không công bằng cho 70% người tiêu dùng không sử dụng xe tại các thành phố lớn.
Do đó, ý nghĩa của đề xuất của VAMA nhằm ưu tiên ổn định chính sách, tránh tăng sốc làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của công nhân trong ngành ô tô, cũng như thực hiện cam kết các ưu đãi đầu tư của Chính phủ.
Ưu tiên ổn định chính sách, tránh xáo trộn, để nuôi dưỡng nguồn lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi. Đồng thời, duy trì chính sách thuế, phí hiện hành, giúp duy trì sản xuất lắp ráp trong nước, việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, việc giữ nguyên mức Thuế TTĐB đối với dòng xe này còn bảo đảm và củng cố niềm tin của nhà đầu tư về sự ổn định của chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
THY NHUNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/bai-toan-moi-truong-ve-viec-giam-thue-xe-hybrid-va-tang-thue-xe-ban-tai-post845093.html