Toán học luôn là môn học rèn luyện tư duy và khả năng suy luận của học sinh. Trên mạng xã hội, không ít lần các bài toán dạng mẹo hoặc có tình huống "lạ đời" đã thu hút sự chú ý và bàn luận sôi nổi từ cộng đồng mạng.
Nhiều bài toán tiểu học hiện nay khá thú vị. Ảnh minh họa
Mới đây, một bài toán tiểu học tiếp tục trở thành chủ đề khiến dân mạng xôn xao. Đề bài như sau: “Mỗi bữa gia đình Lan nấu hết 15kg gạo. Hỏi trong 1 tuần lễ, gia đình bạn Lan nấu hết bao nhiêu ki-lô-gam gạo, biết một ngày gia đình Lan nấu cơm hai lần?”
Dữ liệu bài toán "nhà Lan nấu hết 15kg gạo mỗi ngày" khiến dân tình thấy sai sai.
Ngay lập tức, chi tiết “15kg gạo mỗi bữa” khiến nhiều phụ huynh không khỏi ngạc nhiên, thậm chí… hoang mang.
Nhiều bình luận hài hước được để lại như: “Cả nhà tôi ăn cả tháng mới hết 10kg gạo, vậy mà Lan ăn một bữa 15kg thì chịu thật”, “Mỗi bữa là 15kg, vậy một ngày 30kg, một tuần 210kg – thương nhà Lan quá!”, hay “Nhà ai vậy, cho tôi địa chỉ để cung cấp gạo giá sỉ luôn”.
Trước đó, một bài toán khác cũng từng gây tranh cãi với dữ kiện “Nhà Lan cách trường 200km, Lan đạp xe 10 giờ tới nơi. Hỏi vận tốc của Lan?”.
Bài toán "nhà Lan cách trường 200km" cũng từng khiến dân mạng bàn luận rôm rả trước đó.
Mặc dù đề bài chỉ kiểm tra kỹ năng tính vận tốc, nhưng khoảng cách và thời gian di chuyển lại quá phi thực tế, khiến người đọc bật cười: “Lan là ai mà siêu đạp vậy?”
Có thể nói, những bài toán như thế này tuy có thể khiến người lớn “bối rối”, nhưng với học sinh, chúng vẫn là cơ hội để luyện kỹ năng tính toán cơ bản. Tuy nhiên, các nhà giáo dục cũng được nhắc khéo rằng, khi xây dựng đề bài, nên cân nhắc yếu tố thực tế để tránh gây hiểu lầm hoặc khiến học sinh cảm thấy quá xa rời cuộc sống.
Yến Nguyễn