Học sinh tiểu học vốn ngây thơ, hồn nhiên nên trong những bài tập làm văn, điều đó thể hiện rất rõ. Dù chỉ là những đề tài quen thuộc, gần gũi như tả người thân, kể kỷ niệm hay miêu tả loài vật yêu thích, nhưng với trí tưởng tượng phong phú và cách nhìn dí dỏm của trẻ thơ, các em đã tạo nên những bài văn khiến người lớn đọc xong phải bật cười. Bài văn dưới đây là một ví dụ điển hình.
Các bạn nhỏ tiểu học thi thoảng lại cho ra đời những bài văn cực hài hước. Ảnh minh họa
Theo đó, giáo viên ra đề bài "Hãy tả một người thân mà em biết". Trong phần bài làm, em học sinh chọn mẹ làm nhân vật chính.
Nguyên văn bài văn này được bạn nhỏ trình bày như sau:
"Mẹ em là người rất giản dị và yêu thương chồng con. Gần đây, mẹ muốn làm idol Tiktok. Thực ra, mẹ diễn xuất hơi đơ, còn hát thì dở tệ nên bố con em đều không ủng hộ ước mơ này lắm.
Hôm rồi, mẹ ngồi lướt Facebook thấy cô hoa hậu Thùy Tiên cầm điện thoại gì đẹp lắm, màu lóng la lóng lánh, mẹ cứ khen hoài luôn.
Tối qua, em trong nhà vệ sinh thì nghe mẹ alo cho bố: "Không mang về con "ốp pồ" mới tặng kèm loa với máy mát xa thì xem như chúng ta gặp nhưng không ở lại, thằng Bo tôi nuôi.
Em tin ước mơ làm Tiktoker của mẹ sẽ sớm thành hiện thực một ngày không xa".
Bài văn tả mẹ thích làm idol Tiktok khiến dân tình cười ngất.
Qua bài văn có thể thấy, dù còn mắc nhiều lỗi chính tả nhưng bài văn lại khiến nhiều người thích thú bởi sự thật thà, hài hước. Không ít phụ huynh khi đọc xong vừa cười “ngã ghế”, vừa giật mình vì... thấy đâu đó hình ảnh quen quen.
Ai cũng công nhận rằng vô cùng sinh động và mang đậm “hơi thở cuộc sống”. Những chi tiết như “bố không mang về thì xem như gặp nhưng không ở lại”, hay “thằng Bo tôi nuôi” cho thấy khả năng quan sát và tái hiện sự việc theo cách rất riêng của trẻ thơ.
Thật khó có thể tìm thấy sự giả tạo trong những bài văn như thế này – chỉ có sự hồn nhiên, thẳng thắn và đôi chút "vạch áo cho người xem lưng" khiến người lớn vừa cười, vừa suy ngẫm.
Từ những bài văn ngộ nghĩnh như thế, có thể thấy rằng điều quan trọng nhất khi học Tập làm văn ở bậc tiểu học không phải là câu chữ hoa mỹ hay cấu trúc phức tạp, mà là sự chân thật và khả năng quan sát cuộc sống xung quanh.
Thay vì ép trẻ viết theo khuôn mẫu, người lớn - đặc biệt là thầy cô và phụ huynh nên khuyến khích các em mạnh dạn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng chính giọng văn riêng. Chính sự tự nhiên ấy mới là nền tảng giúp các em nuôi dưỡng tình yêu với ngôn ngữ, phát triển khả năng biểu đạt và sáng tạo trong quá trình học tập lâu dài.
Yến Nguyễn