Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình" của Tổng Bí thư Tô Lâm mang một tầm nhìn chiến lược, đặt thanh niên vào vị trí trung tâm của sự phát triển quốc gia.
Với điểm nhấn về định hướng “Xây dựng lớp thanh niên xuất sắc về trí tuệ, vượt trội về thể chất và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, bài viết đã đặt ra những yêu cầu về đạo đức, lý tưởng, năng lực sáng tạo và khả năng hội nhập quốc tế cho đội ngũ đoàn viên, thanh niên - lực lượng nòng cốt trong hành trình phát triển đất nước thời đại mới.
Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập
Chia sẻ ý kiến về bài viết trên của Tổng Bí thư, Thạc sỹ Trần Đình Nuôi, Bí thư Chi đoàn Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, bài viết đặt ra yêu cầu quan trọng là thế hệ trẻ cần được giáo dục và đào tạo một cách toàn diện, kết hợp giữa phát triển trí tuệ và thể chất, để không những có khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực như khoa học, công nghệ mà còn có thể đối phó với các thách thức về sức khỏe trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng. Đây là nền tảng cơ bản để đảm bảo Việt Nam phát triển bền vững và vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập cao. Hơn nữa, việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế cũng sẽ là một lợi thế quan trọng, giúp thế hệ trẻ Việt Nam đứng vững trong môi trường toàn cầu và thể hiện được sự độc đáo, giá trị văn hóa riêng biệt của mình.
Trong bài viết, Tổng Bí thư giao cho thanh niên Việt Nam một trong những nhiệm vụ quan trọng: "Cần tự tin bước ra thế giới, mang theo hành trang là tri thức sâu rộng, thể chất khỏe mạnh và tâm hồn giàu bản sắc văn hóa Việt Nam”. Thạc sỹ Trần Đình Nuôi cho rằng, nhiệm vụ đó không chỉ là lời kêu gọi mà còn là chiến lược rõ ràng đối với thanh niên Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang đối mặt với những thách thức mang tính toàn cầu và quá trình hội nhập quốc tế.
Tri thức sâu rộng là nền tảng vững chắc để thanh niên có thể tự tin bước ra thế giới, cho phép thanh niên Việt Nam có khả năng nắm bắt, phân tích và ứng dụng những tiến bộ mới trong khoa học và công nghệ, đồng thời tham gia vào các cuộc cách mạng công nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là yếu tố then chốt để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, nơi sự đổi mới và sáng tạo là yếu tố quyết định.
Thể chất khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của thế hệ trẻ. Một trí tuệ sắc bén không thể hoạt động hiệu quả nếu không có sức khỏe tốt để duy trì năng lượng và khả năng làm việc trong suốt thời gian dài. Khi có sức khỏe tốt, thanh niên mới có thể đáp ứng những yêu cầu cao của môi trường toàn cầu hóa, tham gia vào các hoạt động quốc tế và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Thạc sỹ Trần Đình Nuôi khẳng định, tâm hồn giàu bản sắc văn hóa Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Bản sắc văn hóa là yếu tố không thể thiếu giúp thế hệ trẻ duy trì sự tự tin, bản lĩnh và khả năng định hình những giá trị riêng biệt của Việt Nam khi tham gia cộng đồng quốc tế. Việc xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa trong mỗi thanh niên là nhiệm vụ cá nhân và trách nhiệm quốc gia, bởi văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là sức mạnh mềm giúp đất nước khẳng định vị thế trong một thế giới đa dạng và đa chiều.
"Trong giai đoạn hiện nay, khoa học công nghệ là yếu tố then chốt đưa đất nước vươn mình, giúp đất nước tăng trưởng bền vững, tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, do đó, thế hệ trẻ cần thành thạo kỹ năng số, sử dụng phần mềm như Chat GPT, AI... Cùng với đó, đất nước đang đối mặt với những thách thức mới trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vì thế, thời gian tới, thế hệ trẻ nói chung và đoàn viên, thanh niên Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới nói riêng, cần trau dồi kiến thức và nền tảng vững chắc để tạo ra nhiều bài viết về nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước", Thạc sỹ Trần Đình Nuôi đề xuất.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: TTXVN phát
Cần có tư duy đổi mới và chấp nhận thử thách
Thạc sỹ Nguyễn Thị Khánh Trà, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trường Đại học Phenikaa cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, việc xây dựng một thế hệ trẻ toàn diện là điều kiện tiên quyết. Để đạt được mục tiêu đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh trong bài viết: "Chúng ta cần một thế hệ trẻ không chỉ giỏi về trí tuệ mà còn mạnh mẽ về thể chất, giàu lòng tự hào dân tộc và có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế". Đây là lời khẳng định về niềm tin của Đảng và Nhà nước vào tiềm năng, tiềm lực, vai trò của thanh niên, cũng là "kim chỉ nam" cho thế hệ trẻ đóng góp vào sự phát triển, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Với nhiệm vụ “Mọi thanh niên Việt Nam chủ động học tập, không ngừng phấn đấu để rèn luyện bản thân” được Tổng Bí thư nêu trong bài viết, Thạc sỹ Nguyễn Thị Khánh Trà cho rằng, trong thời đại kiến thức và kỹ năng trở thành yếu tố quyết định thành công, việc chủ động học tập không ngừng là không thể thiếu. Nếu không chủ động học tập và rèn luyện bản thân, thanh niên sẽ dễ bị tụt lại phía sau trong tiếp cận những cơ hội mới, làm giảm khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Quá trình không ngừng phấn đấu, rèn luyện bản thân không chỉ liên quan đến việc học tập mà còn là sự phát triển các phẩm chất đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống; giúp thanh niên trưởng thành hơn, có bản lĩnh và khả năng đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, giải quyết những vấn đề khó khăn của đất nước. Một thế hệ thanh niên không chỉ xuất sắc về trí tuệ mà còn vượt trội về thể chất, giàu bản sắc văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước bền vững trong tương lai.
Tổng Bí thư cũng truyền tải một thông điệp quan trọng trong bài viết là sự phát triển của từng cá nhân đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Bằng cách đầu tư vào việc học tập và rèn luyện bản thân, thanh niên Việt Nam đang xây dựng nền tảng vững vàng cho chính mình và cho đất nước.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Khánh Trà, thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và sinh viên Đại học Phenikaa nói riêng cần đặt ra những mục tiêu cụ thể, xác định học tập suốt đời là mục tiêu xuyên suốt. Thế hệ trẻ cần nắm vững kiến thức chuyên môn, phát triển tư duy sáng tạo, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề; nâng cao trình độ ngoại ngữ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, giao lưu và hợp tác quốc tế. Thế hệ trẻ cần làm chủ công nghệ, trang bị cho mình những kỹ năng số cần thiết, áp dụng công nghệ vào quá trình học tập và nghiên cứu. Việc đặt mục tiêu phát triển các kỹ năng mềm và năng lực lãnh đạo cũng rất cần thiết, giúp sinh viên trở thành những công dân toàn cầu linh hoạt và hiệu quả.
Thế hệ trẻ cần có tư duy đổi mới và sẵn sàng chấp nhận thử thách; tham gia và tìm kiếm các cơ hội phát triển thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tìm ra các giải pháp mới cho những vấn đề xã hội, qua đó phát triển các sản phẩm, dịch vụ có giá trị quốc tế.
Cùng với đó, mục tiêu vô cùng quan trọng đó là thế hệ trẻ cần rèn luyện phẩm chất đạo đức, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời học hỏi và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, rèn luyện tinh thần trách nhiệm và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng.
Diệu Thúy (TTXVN)