Bấm huyệt điều hòa âm dương hỗ trợ điều trị trầm cảm
Theo các thống kê, trầm cảm là nguyên nhân của hơn 50% các trường hợp tự sát. Đây cũng là tình trạng bệnh lý ngày càng phổ biến và không còn xa lạ. Trầm cảm thường biểu hiện bằng các triệu chứng khí sắc trầm buồn, mất hứng thú, không còn quan tâm đến các sở thích trước đây, mệt mỏi, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, mất cảm giác ngon miệng, thậm chí có thể dẫn đến việc có ý định và có hành vi tự sát.
Đông y truyền thống hết sức coi trọng tâm lý người bệnh trong điều trị bệnh tật. Theo Đông y, trầm cảm thuộc phạm vi của uất chứng. Đông y cho rằng uất chứng xuất hiện khi khí cơ uất trệ dẫn đến can mất chức năng sơ tiết, tỳ mất khả năng kiện vận, tâm không được nuôi dưỡng, gây mất cân bằng âm dương, khí huyết của tạng phủ.
Vì vậy, chứng này có thể do các thể can khí uất kết, khí uất hóa đàm, đàm khí uất kết, tâm thần không được nuôi dưỡng đầy đủ, tâm tỳ lưỡng hư, tâm thận âm hư; mỗi thể lại có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh riêng nhưng nguyên tắc điều trị chung không nằm ngoài điều hòa khí huyết, điều hòa tâm - can - tỳ, an thần định tâm.
Đông y có nhiều phương pháp để lập lại cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết của tạng phủ, trong đó có phương pháp bấm huyệt - là phương pháp kích thích huyệt đạo bằng ngón tay, bàn tay hoặc dụng cụ hỗ trợ. Thông qua bấm huyệt, khí huyết được điều hòa, âm dương lập lại cân bằng, công năng tạng phủ trở lại bình thường, qua đó mà bệnh tật tự sẽ được giải trừ.
Bấm huyệt có tác dụng điều hòa khí huyết hỗ trợ trị trầm cảm
Một số huyệt thường dùng trong điều trị trầm cảm
Huyệt thái xung
Vị trí: Nằm ở khoảng giữa xương bàn chân thứ nhất và thứ hai, phía trên khe ngón chân 1,5 thốn.
Tác dụng: Đây là huyệt có tác dụng rất tốt trong việc bình can, thanh can, giúp khí thông hành, qua đó giúp hòa khí huyết, giảm căng thẳng và điều trị các triệu chứng rối loạn tâm lý.
Huyệt nội quan
Vị trí: Trên mặt trong của cẳng tay, trên nếp gấp cổ tay 2 thốn giữa hai gân cơ gấp.
Tác dụng: Huyệt có tác dụng định tâm, an thần, lý khí, thanh nhiệt ở tâm bào, giảm lo âu, buồn nôn, cải thiện giấc ngủ và điều hòa tâm trạng.
Huyệt bách hội
Vị trí: Trên đỉnh đầu, giao điểm của đường thẳng giữa hai tai và đường giữa đầu. Đây là huyệt vị rất quan trọng trong Đông y, là nơi các kinh dương hội hợp.
Tác dụng: Huyệt bách hội có tác dụng khai khiếu, định thần, bình can tức phong, tiềm can dương, thăng dương, thanh thần chí. Đối với người mắc bệnh trầm cảm, bấm huyệt bách hội sẽ giúp kích thích tuần hoàn máu, giảm đau đầu, căng thẳng và cải thiện tinh thần.
Huyệt thần môn
Vị trí: Nằm ở mặt trong cổ tay, trên đường ngang của nếp gấp cổ tay, ở chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.
Tác dụng: Thần môn là huyệt có tác dụng thanh tâm nhiệt, an thần, điều khí nghịch, từ đó giúp người bệnh trầm cảm giảm căng thẳng, lo âu và mất ngủ.
Huyệt phong trì
Vị trí: Nằm ở phía sau đầu, dưới đáy hộp sọ, trong chỗ lõm giữa cơ thang và cơ ức đòn chũm.
Tác dụng: Phong trì là huyệt có tác dụng chính khu phong, giải biểu và thường được sử dụng để điều trị các bệnh ở não. Bấm phong trì giúp giảm đau đầu, chóng mặt, căng thẳng, và hỗ trợ lưu thông máu lên não cho người bệnh trầm cảm.
Huyệt ấn đường
Vị trí: Nằm giữa hai đầu lông mày, ngay trên sống mũi.
Tác dụng: Đây là huyệt giúp an định tâm thần rất hiệu quả. Thông qua việc day bấm huyệt ấn đường sẽ giúp người bệnh giảm căng thẳng, mệt mỏi, cải thiện tập trung và giúp thư giãn.
Vị trí huyệt ấn đường trên khuôn mặt.
Huyệt tam âm giao
Vị trí: Trên mặt trong cẳng chân, trên mắt cá chân trong 3 thốn. Tam âm giao là nơi giao hội của ba kinh âm ở chân là can, tỳ và thận.
Tác dụng: Bấm huyệt tam âm giao có tác dụng bổ âm, kiện tỳ, khu phong, điều huyết, sơ can, ích thận, từ đó giúp điều hòa ba kinh âm ở chân, cải thiện chức năng thần kinh và tuần hoàn, rất hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị trầm cảm.
Huyệt túc tam lý
Vị trí: Nằm ở mặt trước cẳng chân, dưới xương bánh chè 3 thốn, cách đường giữa xương chày khoảng 1 ngón tay.
Tác dụng: Đây là huyệt hiệu quả giúp người bệnh trầm cảm tăng cường sức khỏe tổng thể, điều hòa khí huyết, hỗ trợ giảm lo âu và mệt mỏi.
Cách xác định huyệt túc tam lý trên cơ thể.
Cách bấm huyệt hỗ trợ trị trầm cảm
Sau khi đã xác định được vị trí huyệt, dùng đầu ngón cái ấn vào từ từ và day nhẹ trong 1-2 phút mỗi huyệt, sau đó lại từ từ nhấc tay ra, người bệnh sẽ cảm nhận được cảm giác căng tức khi ấn vào huyệt và nhẹ nhàng, thoải mái hơn sau khi bấm huyệt.
Nên kiên trì thực hiện mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và trước khi đi ngủ, sau một thời gian, người bệnh có thể cảm nhận được tác dụng của bấm huyệt một cách rõ ràng hơn. Tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể lựa chọn các phương huyệt khác nhau dựa trên triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh bấm huyệt, Đông y còn có nhiều phương pháp khác giúp hỗ trợ bệnh nhân như dùng thuốc, khí công, thiền định… có thể kết hợp nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả cao nhất, tuy nhiên các phương pháp điều trị nên thực hiện dưới sự tư vấn của thầy thuốc.
Cùng với việc điều trị bằng các phương pháp như dùng thuốc, bấm huyệt… việc điều trị bằng liệu pháp tâm lý cũng rất quan trọng, nên tránh các sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến người bệnh đồng thời cố gắng hỗ trợ để người bệnh sớm lấy lại niềm tin trong cuộc sống.
Mời bạn xem tiếp video:
Nguyên nhân nào khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở giới trẻ? | SKĐS