Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của bệnh viện này đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi D.B (18 tháng tuổi, Yên Bái) và G.K (16 tháng tuổi, Thái Nguyên) vào viện. Qua khai thác gia đình cho thấy cả hai trẻ đều uống nhầm dầu đựng trong những chai, lọ được gia đình sang chiết nhưng không dán nhãn và để trong tầm hoạt động của trẻ.
Sau khi gia đình phát hiện đã lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu ban đầu. Sau đó các trẻ được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi TW.
Tại đây, trẻ được điều trị thở máy chống suy hô hấp, sử dụng kháng sinh, thuốc chống viêm và theo dõi sát các chỉ số sinh tồn. Sau 5 ngày điều trị tích cực, tình trạng 2 bệnh nhi đã tiến triển tốt, tuy nhiên, vẫn cần được theo dõi các biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh nhi ngộ độc vì uống nhầm dầu thắp hương đang được thở máy và chăm sóc tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi TW.
Tình trạng trẻ uống nhầm dầu đựng trong các chai lọ không dán nhãn mác đã xảy ra không ít lần dù các chuyên gia y tế, các bệnh viện đã thường xuyên cảnh báo.
Hậu quả của việc này gây ra cũng rất khó lường, có thể khiến trẻ ngộ độc tiêu hóa, rối loạn nhiều chức năng cơ quan trong cơ thể, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng sặc dầu vào phổi gây hoại tử, xẹp phổi, nhiễm khuẩn dẫn đến suy hô hấp đe dọa tính mạng và có thể để lại di chứng nặng nề lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ uống nhầm dầu thắp, gia đình không được cho uống nước, uống sữa và móc họng để trẻ nôn, mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, cấp cứu và điều trị phù hợp.
Điều quan trọng nhất để tránh tai nạn uống nhầm dầu thắp: các gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, không nên dự trữ dầu trong nhà; nếu cần phải dự trữ, không đựng dầu trong chai, vật dụng dễ nhầm lẫn như chai đựng nước uống, cốc, bát; cần phải để dầu thắp ở nơi tránh tầm tay trẻ em: để trên cao, trong tủ có khóa…
Thái Bình/ Ảnh: BVCC