Ngày 23-1, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết mới đây bệnh viện tiếp nhận ca ngộ độc mật cá trắm là bé trai 6 tuổi (ở Sơn La).
Gia đình bệnh nhi cho biết 2 tuần gần đây, trẻ bị viêm phổi điều trị tại bệnh viện huyện. Sau khi nghe lời mách rằng uống mật cá trắm có thể chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, gia đình đã tự cho cháu bé uống.
Một bệnh nhi đang được thở máy và chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Vài phút sau khi uống mật cá trắm, trẻ có biểu hiện tím tái, suy hô hấp, tim chậm. Trẻ được cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương rồi vận chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo các bác sĩ, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, ngừng thở, ngừng tim. Mặc dù đã được cấp cứu có tim trở lại, nhưng do tình trạng bệnh nhi quá nặng nên đã không qua khỏi.
Các bác sĩ cũng cho biết thêm ngộ độc do nuốt mật cá trắm khá phổ biến, nhưng thường gặp ở người lớn.
Nhiều người nghĩ mật cá trắm to rất tốt cho sức khỏe, thậm chí có tác dụng chữa bệnh nên ăn mật cá. Bên trong các loại mật cá thuộc họ cá chép như cá mè, cá trôi, cá trắm hay kể cả các loại cá tầm đều có chứa một loại độc tố nguy hiểm là 5α-cyprinol.
Độc tố này bền vững với nhiệt, giữ độc tính khi nấu chín nên kể cả khi nấu chín ăn vào vẫn sẽ gây ngộ độc.
Khi nuốt vào dạ dày, chất độc này gây tổn thương, gây viêm, loét đường tiêu hóa, gây đau bụng, nôn và tiêu chảy. Sau đó nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan… Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận cấp, suy gan cấp, suy đa tạng, hôn mê và có thể tử vong.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết ngoài trường hợp bệnh nhi nói trên, những ngày cận Tết, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp trẻ 18 tháng tuổi (ở Yên Bái) và trẻ 16 tháng tuổi (ở Thái Nguyên) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, hôn mê và suy giảm tri giác do uống nhầm dầu thắp đèn bàn thờ.
Hiện, sức khỏe 2 bệnh nhi đã tiến triển tốt hơn, tuy nhiên vẫn cần theo dõi các biến chứng có thể xảy ra.
N.Dung