Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev ký thỏa thuận lịch sử chấm dứt tranh chấp biên giới, tại Khujand ngày 31/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Việc giải quyết các vấn đề biên giới giữa ba nước là kết quả của nhiều năm làm việc miệt mài, đối thoại chân thành và hợp tác dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. Sự kiện ngày 31/3 mở ra triển vọng hoàn toàn mới cho sự phát triển quan hệ đối tác toàn diện, góp phần tăng cường lòng tin, tình hữu nghị giữa nhân dân ba nước và nâng cao chất lượng cuộc sống. Mang ý nghĩa biểu tượng là việc thỏa thuận được ký vào Ngày Quốc tế Navruz, một ngày lễ đánh dấu sự xuất hiện của mùa Xuân và năm mới theo lịch thiên văn tại các quốc gia Trung Á và một số quốc gia khác.
Ba tổng thống còn ký Tuyên bố Khujand về tình hữu nghị vĩnh cửu, khánh thành Khu phức hợp hữu nghị tại biên giới ba nước. Công trình này được xây dựng như một tượng đài cho tình hữu nghị của nhân dân Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan.
Trước lễ ký lịch sử này, nhà lãnh đạo Tajikistan Emomali Rahmon còn hội đàm riêng với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarpov, sau đó hai bên cũng ký một biên bản ghi nhớ, lần này là về việc trao đổi văn kiện phê chuẩn một số hiệp ước. Trong số đó có những vấn đề về biên giới quốc gia, cũng như “Về việc đảm bảo tiếp cận các cơ sở quản lý nước và năng lượng” và “Về việc xây dựng và sử dụng đường cao tốc, việc bố trí và sử dụng các giao lộ đường cao tốc”.
Ngoài ra, hai tổng thống còn khởi công đường dây truyền tải điện trong khuôn khổ dự án CASA-1000.
Phát biểu sau lễ ký, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarpov đã nhắc lại câu ngạn ngữ dân gian: "Một người hàng xóm gần tốt hơn một người họ hàng xa", thể hiện quyết tâm hướng tới tương lai và tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển hợp tác nhiều mặt với các quốc gia anh em ở Trung Á
Có thể nói sự kiện lớn này bắt đầu từ ngày 13/3, Kyrgyzstan và Tajikistan đã ký được Hiệp ước về biên giới quốc gia, chấm dứt tranh chấp biên giới lâu đời giữa hai nước. Thỏa thuận mới về điểm giao nhau của biên giới ba nước cộng hòa trên thực tế đã ghi nhận việc giải quyết cuối cùng vấn đề biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan sau gần 23 năm đàm phán.
Thỏa thuận Khujand được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững, đồng thời tăng vị thế quốc tế của toàn bộ khu vực, cũng như có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của Thung lũng Fergana, một trong những khu vực đông dân và có nền kinh tế năng động nhất ở Trung Á. Đây là nơi sinh sống của hơn 16,5 triệu người, chiếm 20% tổng dân số của 5 quốc gia (tính cả Turkmenistan và Kazakhstan). Mật độ dân số trong thung lũng là khoảng 200 người trên một km vuông, cao gấp 12 lần so với mật độ trung bình của Trung Á.
Do điều kiện địa lý, Thung lũng Fergana là điểm nóng tranh chấp lãnh thổ giữa các nước láng giềng trong khu vực suốt 3 thập niên qua. Ở vùng đất khô cằn luôn khan hiếm nước này của Trung Á, Fergana nổi bật là vùng đất màu mỡ, nơi có hai nguồn nước cùng lúc: sông Naryn và sông Karadarya bắt nguồn từ Kyrgyzstan, gặp nhau tại Fergana, Uzbekistan, tạo thành con sông dài thứ hai ở Trung Á, sông Syr Darya, chảy về phía Tây Nam qua Tajikistan.
Việc giải quyết các tranh chấp biên giới ở Fergana còn phức tạp thêm do có tới 8 vùng lãnh thổ tách biệt khỏi đất mẹ, nơi vùng lãnh thổ của một quốc gia lại bị bao quanh hoàn toàn bởi lãnh thổ quốc gia khác. Sáu trong số đó nằm trên lãnh thổ Kyrgyzstan và 2 vùng nằm trong Uzbekistan. Đây là vấn đề lịch sử để lại khi đường biên giới từ thời Liên Xô sử dụng bản đồ từ những năm 1920, không tính đến đặc điểm địa lý và dân tộc.
Trong những năm Xô Viết, hòa bình trong khu vực được duy trì thông qua các thỏa thuận đã ký về phân chia tài nguyên, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, các thỏa thuận này đã bị hủy bỏ. Các quốc gia Trung Á đối mặt với vấn đề phân chia tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến gia tăng xung đột và bất đồng về lãnh thổ.
Tranh chấp lâu đời về tài sản và lãnh thổ xung quanh khu vực biên giới Tajikistan-Uzbekistan chỉ được giải quyết tích cực vào năm 2018 với việc ký kết một thỏa thuận tương ứng về việc phân định các phần riêng lẻ của biên giới quốc gia sau khi ông Shavkat Mirziyoyev được bầu làm Tổng thống Uzbekistan.
Các cuộc đàm phán về tranh chấp biên giới giữa Kyrgyzstan và Uzbekistan bắt đầu được tiến hành năm 2016. Tháng 11/2022, Kyrgyzstan và Uzbekistan đã ký một thỏa thuận lịch sử về biên giới nhà nước, chấm dứt các vấn đề gây tranh cãi. Tháng 1/2023, người đứng đầu hai nước đã hoàn tất quá trình phân định biên giới Kyrgyzstan-Uzbekistan bằng cách trao đổi các văn kiện phê chuẩn.
Việc giải quyết tranh chấp biên giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế, phát triển kết nối giao thông và hợp tác công nghiệp. Uzbekistan là quốc gia duy nhất có chung đường biên giới với tất cả các nước trong khu vực, nay đã hoàn toàn thống nhất về vấn đề biên giới với Kazakhstan và đã phân định biên giới với Turkmenistan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Việc đơn giản hóa thủ tục qua biên giới dự kiến sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh doanh, thương mại xuyên biên giới và mở rộng cơ hội lao động di cư.
Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ mở ra triển vọng mới cho các dự án cơ sở hạ tầng chung, bao gồm hiện đại hóa hành lang giao thông, thành lập các trung tâm hậu cần và phát triển các khu thương mại biên giới và khu công nghiệp. Đổi lại, bước tiến này sẽ góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế, tăng trưởng đầu tư và tạo ra việc làm mới, điều đặc biệt quan trọng đối với Thung lũng Fergana đang phát triển năng động.
Đồng thời, trong những năm gần đây các nước Trung Á đã vượt ra ngoài hoạt động thương mại truyền thống, mở rộng hợp tác công nghiệp, các dự án đầu tư chung và sản xuất có giá trị gia tăng cao. Điều này dẫn đến việc hình thành một thị trường khu vực thống nhất, một hệ thống giao thông và năng lượng tích hợp, cũng như các tuyến hậu cần mới.
Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Uzbekistan với Kyrgyzstan và Tajikistan đã tăng gấp mười lần. Gần một nửa khối lượng này đến từ các vùng biên giới. Tới đây các bên đề xuất tạo ra một nền tảng giao dịch ba bên, tổ chức triển lãm và hội chợ thường xuyên về các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng Trung Á đã hoàn toàn thay đổi nhận thức về mình theo hướng tích cực chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, có liên quan đến việc Trung Á đã bắt đầu đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc định hình chương trình nghị sự toàn cầu với tư cách là một tác nhân có trách nhiệm và có thể dự đoán được trong quan hệ quốc tế. Ngay sau Hội nghị Khujand, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Á với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan.
Do đó, hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Khujand không chỉ là sự tiếp nối hợp lý của tiến trình tăng cường hợp tác khu vực, củng cố đoàn kết nội vùng vì phát triển, mà còn là tín hiệu quan trọng gửi đến toàn thế giới rằng Trung Á sẵn sàng giải quyết các vấn đề phức tạp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và các thỏa thuận chung.
Tâm Hằng (PV TTXVN tại Trung Á)