Bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết Marx

Bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết Marx
5 giờ trướcBài gốc
Học thuyết khoa học và cách mạng của Marx được hình thành và phát triển trong bối cảnh hiện thực của châu Âu từ giữa thế kỷ 19. Sự hình thành và phát triển học thuyết của Marx dựa trên sự kế thừa tất cả những gì tinh túy nhất mà nhân loại đã sáng tạo ra trong lĩnh vực nhận thức tự nhiên và đời sống xã hội, đặc biệt là trên những thành tựu của triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng-phê phán Pháp.
Karl Marx. Ảnh: diendandoanhnghiep.vn
Những công trình khoa học đồ sộ và có giá trị trường tồn mà Marx để lại cho nhân loại, đó là: “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegel” (1843), “Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844”, “Luận cương về Feuerbach” (1845), “Sự khốn cùng của triết học” (1847), “Ngày 18 tháng sương mù của Louis Bonaparte (1852)”, “Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học” (1859), Bộ “Tư bản” (tập I, 1867)... Marx có một tình bạn, tình đồng chí vĩ đại với Friedrich Engels và hai người đã viết chung nhiều tác phẩm tiêu biểu, trong đó có: “Gia đình thần thánh” (1845), “Hệ tư tưởng Đức” (1845-1846), “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848)...
Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và lý luận về giá trị thặng dư-hòn đá tảng học thuyết kinh tế của Marx, ông đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa.
Sự ra đời của học thuyết Marx đã “chấm dứt thời kỳ mò mẫm trong bóng tối” của hàng triệu triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột của chế độ tư bản chủ nghĩa để tìm con đường tự giải phóng cho mình.
Marx không chỉ là nhà tư tưởng và lý luận thiên tài mà trước hết, Marx là nhà cách mạng vĩ đại. Trước phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động đang sục sôi ở châu Âu, Marx ra sức thâm nhập trong thực tiễn những cuộc đấu tranh đó. Năm 1864, tại thành phố London (Anh), Quốc tế thứ nhất được thành lập. Marx trở thành lãnh đạo chủ chốt của tổ chức cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân này, được giao soạn thảo Tuyên ngôn và Điều lệ. Tuyên ngôn kết thúc bằng khẩu hiệu: Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!
Trong những năm tháng hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi, Marx đã cùng với những người đồng sự chí cốt của mình đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân, chống bọn vô chính phủ và đề ra những sách lược cách mạng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động.
Ở Marx, nhà khoa học và nhà cách mạng hòa quyện trong nhân cách cao cả của ông. Marx nghiên cứu khoa học, hình thành học thuyết Marx đã trở thành vũ khí lý luận và tư tưởng sắc bén để “giải phẫu” xã hội tư bản chủ nghĩa; đồng thời nhằm mục đích phục vụ con người, phục vụ nhân loại, phục vụ cho cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột và bất công do chế độ tư bản chủ nghĩa gây ra. Đó là bản chất nhân văn của học thuyết Marx. Từ thực tiễn đấu tranh của các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức trong xã hội tư bản đương thời đã hun đúc phẩm chất trong ông là một nhà khoa học lỗi lạc, thôi thúc ông nghiên cứu và công bố nhiều công trình khoa học có giá trị “vượt thời đại”.
Khái quát những thành tựu khoa học mà Marx cống hiến cho giai cấp vô sản và nhân loại, Friedrich Engels đánh giá: “Trên hành tinh của chúng ta, Charles Darwin đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ. Marx đã phát hiện ra quy luật cơ bản chi phối sự vận động và phát triển của lịch sử loài người... Nhưng không phải chỉ có thế thôi. Marx cũng tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra...”.
Vladimir Ilyich Lenin khẳng định: “Học thuyết Marx là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản”.
Marx là một nhà khoa học vĩ đại, nhà tư tưởng thiên tài, nhưng chúng ta cần thấy rằng, ông vẫn bị quy định bởi chính những điều kiện lịch sử cụ thể đương thời. Do đó, không thể đòi hỏi Marx phải tiên lượng được hết, suy nghĩ và giải quyết thay cho các thế hệ sau những vấn đề chưa hề đặt ra trong thời đại của ông. Marx và Engels nhiều lần khẳng định, học thuyết của các ông không phải là cái đã xong xuôi, bất biến, “không phải là giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”.
Hiện nay, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, biến động và khó lường. Các thế lực thù địch và phần tử cơ hội liên tục công kích, chống phá, phủ nhận học thuyết Marx. Thực tế có một số luận điểm, quan niệm của Marx trước đây đúng, nhưng nay không còn phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Song không phải vì thế mà học thuyết Marx giảm đi giá trị và ý nghĩa thời đại. Bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết không chỉ trường tồn trong thế kỷ 21 mà còn mãi trường tồn với lịch sử phát triển nhân loại.
Với tinh thần khoa học và khách quan, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi để tiếp tục phát triển, vận dụng sáng tạo học thuyết Marx trong xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển của đất nước Việt Nam trong thế kỷ 21. Mỗi cán bộ, đảng viên có sứ mệnh tiếp tục lan tỏa học thuyết Marx trên tinh thần của một học thuyết khoa học, cách mạng và phát triển, học thuyết cải tạo và thay đổi thế giới, học thuyết giải phóng con người với đầy đủ bản chất nhân văn, nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.
Giá trị bền vững, ý nghĩa thời đại và sức sống trường tồn của học thuyết Marx chính là cơ sở để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta khẳng định xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa, trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã xác định, là hoàn toàn đúng đắn và có cơ sở khoa học.
Đại tá NGUYỄN ĐỨC THẮNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ban-chat-khoa-hoc-va-cach-mang-cua-hoc-thuyet-marx-826929