Bạn đời hay nhắc người yêu cũ, ứng xử thế nào?

Bạn đời hay nhắc người yêu cũ, ứng xử thế nào?
6 giờ trướcBài gốc
Dù muốn hay không, ai cũng có quá khứ và chuyện tình cũ đôi khi để lại những ký ức sâu đậm. Một số người hay vô tình nhắc đến người ấy như một phản xạ. Có thể, trong thâm tâm, họ không thực sự còn tình cảm, nhưng họ vẫn giữ những ấn tượng tốt đẹp và khi không hài lòng với điều gì ở hiện tại, họ dễ mang ra để đối chiếu.
Nguyên nhân khác là vì những kỳ vọng chưa được đáp ứng. Một số người vợ hoặc chồng cảm thấy thất vọng ở bạn đời, ví dụ bạn đời hiện tại không lãng mạn, không quan tâm chu đáo như người yêu cũ từng làm. Dần dần, họ dễ bộc lộ sự so sánh, thậm chí nói ra thành lời như một cách nhắc nhở người kia thay đổi.
Ngoài ra, một vài người dùng cách so sánh như vũ khí gây áp lực, mong bạn đời sẽ cạnh tranh và hoàn thiện hơn, mà không biết rằng cách này thường phản tác dụng.
Ảnh minh họa/ Nguồn internet
Những vết thương khó nói thành lời
Không ai muốn bị đặt lên bàn cân với quá khứ của người khác. Cảm giác mình chỉ là người thay thế hoặc không bằng người cũ có thể khiến lòng tự trọng tổn thương sâu sắc. Người bị so sánh dễ rơi vào mặc cảm, tủi thân, thậm chí tự hỏi: “Liệu mình có thật sự quan trọng?”.
Nhiều người chọn cách im lặng, nhưng sự tổn thương sẽ âm ỉ tích tụ, đến một lúc bùng phát thành mâu thuẫn lớn. Khi đó, lời xin lỗi có thể không đủ để hàn gắn vết nứt.
Làm sao để ứng xử khéo léo?
Giữ bình tĩnh, tránh cãi vã ngay lập tức
Nghe những lời so sánh có thể khiến bạn nóng giận, nhưng phản ứng bùng nổ thường chỉ khiến đối phương thủ thế, tranh cãi trở nên căng thẳng hơn. Hãy hít thở sâu, kiềm chế và chọn cách im lặng tạm thời nếu cần.
Thẳng thắn chia sẻ cảm xúc
Khi đã bình tĩnh, hãy tìm thời điểm thích hợp để trò chuyện. Tránh trách móc gay gắt hay đổ lỗi. Thay vào đó, hãy chia sẻ cảm xúc thật: “Khi anh/ em nhắc đến người cũ như vậy, em cảm thấy buồn và không được tôn trọng. Em mong chúng ta có thể tập trung cho hiện tại, để quá khứ ngủ yên”.
Khoa học giao tiếp chỉ ra, việc nói rõ cảm xúc và nhu cầu thực sự sẽ giúp đối phương hiểu và dễ thay đổi hơn là trách mắng.
Đặt ra ranh giới tôn trọng
Nếu chuyện nhắc người cũ lặp lại nhiều lần, cả hai nên thống nhất với nhau ranh giới: Không nên so sánh hoặc nhắc chuyện cũ vào lúc nóng giận. Hãy khẳng định rõ ràng: “Chúng ta là vợ chồng, em/anh không phải bản sao của bất kỳ ai”.
Khi nguyên nhân không chỉ nằm ở người hay so sánh
Đôi khi, việc so sánh không chỉ đến từ thói quen hay vô ý thức, mà có thể phát sinh từ những mâu thuẫn khác trong hôn nhân: thiếu quan tâm, thiếu kết nối, chưa lắng nghe nhau. Hãy nhìn lại xem có điều gì ở mối quan hệ hiện tại cần được hâm nóng.
Dành nhiều thời gian chia sẻ, nói chuyện nhẹ nhàng về sở thích, ước mơ, những điều nhỏ nhặt trong ngày.
Làm mới không khí vợ chồng bằng những buổi hẹn hò riêng, những điều bất ngờ nho nhỏ.
Thẳng thắn chia sẻ mong muốn của nhau về cách cư xử, cách thể hiện yêu thương.
Khi nào cần tìm người thứ ba đáng tin cậy?
Nếu mọi nỗ lực trao đổi đều không hiệu quả, tình trạng so sánh vẫn lặp lại, bạn có thể cân nhắc tìm đến chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình. Một buổi trò chuyện có định hướng sẽ giúp hai người nhìn rõ vấn đề gốc rễ, học cách lắng nghe nhau, điều mà đôi khi những cuộc tranh cãi tại nhà không làm được.
Lời nhắc cho người hay so sánh
Nếu bạn là người hay lỡ miệng so sánh bạn đời với người cũ, hãy tự hỏi: Việc nhắc quá khứ có thật sự giải quyết được điều gì? Mỗi người đều khác biệt, ai cũng có ưu và nhược điểm. Việc trân trọng những điểm tốt của bạn đời hiện tại và nói lời động viên, ghi nhận thường xuyên sẽ tốt hơn nhiều lần so với việc lôi chuyện cũ ra để phán xét.
Quá khứ có thể đẹp, nhưng không nên trở thành bóng ma ám ảnh hôn nhân hiện tại. Hạnh phúc gia đình được vun đắp bằng sự tôn trọng, thấu hiểu và tập trung cho hiện tại. Nếu vợ chồng biết buông bỏ những so sánh, cùng nhau nhìn về phía trước, tổ ấm sẽ luôn là chốn bình yên đúng nghĩa.
Trương Hiền
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/ban-doi-hay-nhac-nguoi-yeu-cu-ung-xu-the-nao-post1554162.html