Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc đặc biệt để thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước.
Theo chương trình, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức; quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện kế hoạch hành động về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hằng năm; xây dựng nền tảng số, công cụ số để thực hiện đo lường trực tuyến mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số. Cùng với đó, chú trọng biểu dương, tôn vinh, khen thưởng khích lệ, động viên kịp thời bằng nhiều hình thức đa dạng cho các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong chuyển đổi số; trân trọng từng phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc, dù nhỏ nhất...
Chính phủ sẽ có các giải pháp đột phá trong đào tạo và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Chính phủ sẽ khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện quy định pháp luật để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực trên môi trường số; sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ (2013) và các luật có liên quan trong dự án xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung các chính sách tháo gỡ điểm nghẽn và hoàn thiện Luật Công nghiệp công nghệ số; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để thu hút, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 triển khai ít nhất 5 dự án, chương trình trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, nhà máy thông minh, đô thị thông minh. Hoạt động đầu tư, mua, thuê sản phẩm, dịch vụ số sẽ được ưu đãi về thuế. Ngân sách nhà nước được dùng để xây dựng nền tảng số quy mô quốc gia, vùng và sử dụng chung cho nhiều cơ quan, tổ chức. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ; hoàn thiện hành lang pháp lý đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ số.
Để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM, thu hút, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi theo các ngành này. Hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên sẽ được đầu tư nâng cấp; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở đại học; cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên, học viên các ngành STEM phục vụ phát triển công nghệ chiến lược; triển khai chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ tài năng trong các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ then chốt. Một số trường đại học tập trung đào tạo chuyên sâu về AI và công nghệ chiến lược. Đại học công lập sẽ được áp dụng mức ưu đãi cao nhất về tỷ lệ vay lại các dự án ODA và các dự án vốn vay ưu đãi khác hỗ trợ đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực công nghệ chiến lược.
Chính sách ưu đãi thuế, cơ chế tài chính cũng được sửa đổi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghệ số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong đào tạo nhân lực số. Chính phủ cũng xây dựng cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, tổng công trình sư trong và ngoài nước.
Các cơ quan trong hệ thống chính trị sẽ tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh được khuyến khích đầu tư cho chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đề án hình thành doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn sẽ được xây dựng để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược và an toàn an ninh mạng...
Hùng Quân