Thông tin trên do ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) thông tin tại Hội thảo tham vấn chuyên môn một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới sáng 17/7. Hội thảo do Bộ GDĐT phối hợp với UNESCO tổ chức.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.Đ.
Ông Đức cho hay, ngày 16/6, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 Điều. Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lớn không chỉ đối với toàn bộ đội ngũ nhà giáo, với ngành Giáo dục mà còn có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội ban hành đạo luật riêng quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo; cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo – lực lượng then chốt của sự nghiệp giáo dục.
Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh 5 điểm nổi bật đáng chú ý trong quy định tại Luật Nhà giáo gồm: khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; một số chính sách đãi ngộ, hỗ trợ, thu hút tốt hơn đối với nhà giáo; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ – nâng cao chất lượng giáo dục; tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đ.Đ.
Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật Nhà giáo kể từ ngày 1/1/2026, ông Đức cho hay, Bộ GDĐT tham mưu, trình Chính phủ ban hành 3 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư.
3 nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà giáo; nghị định quy định chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo; nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức ngành Giáo dục.
12 thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, thẩm quyền tuyển dụng, chức danh tương đương, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng nghiên cứu, xây dựng các Thông tư quy định về chế độ làm việc, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, việc hoàn thành số lượng văn bản nêu trên trong thời hạn 6 tháng với nguồn lực hạn chế về đội ngũ nhân sự thực hiện là một trong những khó khăn, thách thức lớn đối với Bộ GDĐT. Đồng thời, việc thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, cùng với sự thay đổi trong hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương, quản lý đội ngũ viên chức... tác động lớn đến các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, đòi hỏi quá trình xây dựng phải liên tục cập nhật, bảo đảm tính đồng bộ với những thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, tại thời điểm hiện nay, Bộ GDĐT đang đồng thời triển khai sửa đổi, bổ sung cùng lúc 3 Luật gồm: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Trong 3 Luật nêu trên, các vấn đề về toàn bộ nhân sự giáo dục trong trường học, bao gồm nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên được quan tâm, sửa đổi bổ sung để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Nhà giáo, đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới.
Nguyễn Hoài