Ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ là dấu ấn của Quốc hội khóa XV

Ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ là dấu ấn của Quốc hội khóa XV
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 5 phần, 11 chương và 176 điều.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp.
Đề xuất giao Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên (Điều 28), xin phép Quốc hội giao Bộ Công an là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN.
Về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH); đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ.
Liên quan đến thẩm quyền áp dụng biện pháp XLCH (Điều 53), UBTVQH nhận thấy, trường hợp vụ án có liên quan đến bồi thường thiệt hại và các bên đồng thuận việc giải quyết bồi thường thì việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp XLCH như dự thảo Luật (cũng là kế thừa quy định của BLHS hiện hành) sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp NCTN có đủ điều kiện luật định sẽ sớm được áp dụng biện pháp XLCH thay vì quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng, vừa kéo dài thời hạn, vừa phát sinh thủ tục tố tụng.
Tòa án nhân dân tối cao đề nghị quy định theo hướng: trường hợp vụ án phát sinh tranh chấp về bồi thường thiệt hại hoặc phát sinh vấn đề tịch thu tài sản thì giao cho Tòa án thẩm quyền quyết định cả việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.
Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 117), tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng quy định như Điều 103 BLHS hiện hành về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng đúng như Báo cáo tổng kết đã nêu. Việc sửa đổi như khoản 2 và khoản 3 Điều 117 dự thảo Luật đã khắc phục được sự thiếu công bằng nêu trên.
Tuy nhiên, về mức tổng hợp hình phạt chung đề xuất chỉnh lý theo hướng: không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm (mà không chỉ áp dụng với 05 tội như dự thảo Luật). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định như vậy vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa NCTN phạm 01 tội với NCTN phạm nhiều tội; vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của BLHS; vừa khắc phục được bất cập trong quy định của BLHS về tổng hợp hình phạt; vừa không phát sinh những mâu thuẫn mới trong tổng hợp hình phạt. Trên cơ sở đó, đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý quy định về tổng hợp hình phạt như khoản 2 và khoản 3 Điều 117 dự thảo Luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Liên quan đến việc tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội (Điều 140), đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật phải tách riêng vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết. UBTVQH nêu rõ: Nhằm thể chế hóa các yêu cầu của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, thực thi đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều chính sách và quy định chuyên biệt, thân thiện và nhân văn hơn dành cho NCTN… Để thực hiện được đầy đủ các chính sách nhân văn này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC đều thống nhất việc tách vụ án trong trường hợp vụ án có bị can là NCTN và người trưởng thành.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về thời điểm tách vụ án trong giai đoạn điều tra, Bộ Công an đề nghị quy định khi xét thấy đã làm rõ hành vi phạm tội của NCTN và các tình tiết có liên quan; TANDTC đề nghị không quy định cụ thể thời điểm tách vụ án trong Luật và nên giao cho liên ngành tư pháp trung ương quy định chi tiết để bao quát các trường hợp trong thực tiễn giải quyết án.
Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và các cơ quan hữu quan, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật phải tách vụ án có NCTN phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Không phải trường hợp nào cũng phải tách vụ án hình sự nói riêng?
Tại phần thảo luận về dự thảo Luật sau đó, góp ý vào dự thảo, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất giao cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng giáo dục quốc gia về tư pháp người chưa thành niên thì giao cho cơ quan công an.
Về biện pháp xử lý giáo dục, trường giáo dưỡng theo Điều 52, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ rất đồng tình theo giải trình, vì ý kiến cho rằng việc biện pháp giáo dưỡng tại trường giáo dưỡng theo quy định của Điều 96 của Bộ luật Hình sự rất phù hợp trong tình hình thực tiễn của đất nước ta hiện nay để làm sao đối với những trường hợp các em phạm tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng không phải bị giam giữ.
"Vì nếu bị giam giữ trong thời gian cơ quan điều tra truy tố, xét xử có thể từ 9 đến 12 tháng sau đó mới chuyển đi tôi nghĩ rằng các em đã bị tạm giam. Cho nên, từ lúc đầu nếu nằm trong phạm vi áp dụng cho phép chuyển hướng tôi nghĩ rằng nên chuyển hướng, không nên để xét xử chúng ta mới chuyển hướng tôi nghĩ rằng sẽ không phù hợp, vì mục đích là lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên và đảm bảo khi xử lý chuyển hướng như vậy các em, các cháu có đủ điều kiện để học hành và được giáo dục của gia đình. Tôi nghĩ rằng các em phạm tội sẽ được ăn năn hối cải hơn, tốt hơn và tôi rất thống nhất", ông Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận.
Về tách vụ án hình sự của người chưa thành niên phạm tội Điều 140, tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, rất nhiều đại biểu có ý kiến và tôi cho rằng không phải trường hợp nào cũng phải tách vụ án hình sự nói riêng và chỉ nên tách khi có những điều kiện nhất định. Vì khi tất cả các vụ việc được tách ra sẽ phát sinh thêm nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết và gây lãng phí về nhân lực, gây lãng phí về thời gian, kinh phí và sẽ quá tải cho các ngành làm công tác tố tụng.
Theo đại biểu Hoàn, cùng một vụ án có thể phải mở nhiều phiên tòa khác nhau có thể và các cháu trẻ vị thành niên này sẽ phải tham gia vào nhiều quy trình tố tụng. Hoặc, một số trường hợp việc tách vụ án chưa chắc đã dẫn đến việc có lợi hơn cho người chưa thành niên mà có khi còn dẫn đến bất lợi hơn.
"Ví dụ, trường hợp một người chưa thành niên phạm tội nhưng phạm tội đó cùng với người đã thành niên thì người chưa thành niên phạm tội riêng lẻ, đồng thời lại cùng phạm tội với người đã thành niên, như vậy nếu như chúng ta tách vụ án ra thì người chưa thành niên sẽ tham gia nhiều phiên xử khác nhau. Với quy định như hiện nay thì người chưa thành niên sẽ bị tổng hợp hình phạt của các bản án, nếu như nhập vụ án lại thì người chưa thành niên chỉ thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên và mức hình phạt sẽ nhẹ hơn", ông Hoàn nói.
Mặt khác, theo đại biểu Đoàn Hải Dương, ở khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định là cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
"Nếu xét đến việc để có lợi hơn cho người chưa thành niên thì hiện nay tôi được biết đối với các vụ án có người chưa thành niên phạm tội thì viện kiểm sát vẫn cử các kiểm soát viên chuyên sâu về các vụ án người chưa thành niên phạm tội, tòa án cũng cử thành phần hội thẩm nhân dân là các giáo viên, người tham gia công tác đoàn để hiểu về tâm lý giáo dục bị cáo là người chưa thành niên trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử cũng vẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đối với người chưa thành niên phạm tội nên quyền lợi của các bị cáo về cơ bản đều được thực hiện và có sự ưu tiên", ông Hoàn nhấn mạnh.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình thảo luận dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, nhiều ĐBQH đã nhận định việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ không chỉ là thành tựu nổi bật đối với lĩnh vực cải cách tư pháp của Việt Nam mà còn là dấu ấn của Quốc hội khóa XV.
"UBTVQH sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo UBTVQH xem xét, thảo luận vào thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quốc Trần
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ban-hanh-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-se-la-dau-an-cua-quoc-hoi-khoa-xv-post318088.html