Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đóng góp Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đóng góp Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh
Tại Khoản 1, Điều 1 điều chỉnh cụm từ: “... các loại hình sở hữu ...” thành “...các hình thức sở hữu...” cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản liên quan. Tại Khoản 5, Điều 4 đề xuất bỏ cụm từ “hình sự” trước cụm từ “và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Nếu giữ cụm từ “hình sự” đề xuất bổ sung thêm cụm từ “xử lý vi phạm” sau cụm từ “giải quyết tranh chấp”. Hoàn chỉnh như sau: “Quyền sở hữu đối với di sản văn hóa được xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm theo quy định của luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Còn tại Khoản 5, Điều 22 đề xuất cân nhắc cụm từ “di tích hỗn hợp”, bởi vì các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đặc biệt là những công trình kiến trúc lâu đời như chùa hoặc các di tích có giá trị lịch sử hàng trăm năm, sử dụng từ “hỗn hợp” là không phù hợp. Có thể điều chỉnh cụm từ “di tích hỗn hợp” thành “di sản lịch sử, văn hóa”, hoặc điều chỉnh thành cụm từ khác cho phù hợp, nhằm phản ánh đúng giá trị của di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo.
Tại Khoản 1, Điều 35 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định đúng nhưng chưa đủ. Theo Điều 24, 27 của Luật Đầu tư công về trình tự, thủ tục để lập dự án, ngoài việc phù hợp với quy hoạch và đảm bảo kinh phí đầu tư, còn phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo nhóm A, B, C thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Do đó, đề nghị cụ thể hóa theo quy định của Luật Đầu tư công và văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết, để đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu quả khi luật được ban hành.
Tại Khoản 4, Điều 35 đề xuất xem lại thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bởi theo quy định tại Điều 17, Luật Đầu tư công thì: “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý; HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương…”. Do đó, cần rà soát nhằm đảm bảo đúng thẩm quyền, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật khác.
Tại Khoản 1, Điều 76 đề xuất bổ sung cụm từ: “trên nền tảng số”, bởi sẽ giúp bảo tàng cập nhật xu hướng truyền thông hiện đại nhằm nâng cao trải nghiệm của công chúng, đồng thời phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn. Tại Khoản 1, Điều 77 đề xuất bổ sung nội dung quy định: “tổ chức các hoạt động thương mại điện tử cung cấp các sản phẩm liên quan đến bảo tàng”, nhằm cung cấp các sản phẩm lưu niệm, tài liệu liên quan... làm phong phú thêm hoạt động dịch vụ của bảo tàng, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả, bền vững.
Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh còn đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhanh chóng ban hành mới các quy định, hướng dẫn ngay sau khi luật được thông qua nhằm giúp hoạt động quản lý và chuyên môn được kịp thời, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.
N.A
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-an-giang-dong-gop-luat-di-san-van-hoa-sua-doi--a407989.html