Bổ sung quy định về thẩm quyền giao mặt nước, khu vực biển tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới

Bổ sung quy định về thẩm quyền giao mặt nước, khu vực biển tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới
3 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long
Kiến nghị này được đại biểu dẫn chứng từ thực tiễn từ chính dự báo về những khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh trong việc giao mặt nước, khu vực biển tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho các tổ chức, cá nhân khai thác.
Theo đại biểu, thực hiện Luật Thủy sản; Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Quy hoạch không gian biển Quốc gia thì việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã được quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10.2.2021.
Trong đó, UBND cấp tỉnh có biển có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 6 hải lý; UBND cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng biển 3 hải lý. Phạm vi ngoài 6 hải lý sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.
Tuy nhiên, những khu vực mặt nước, khu vực biển thuộc Di sản thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long là Di sản văn hóa được xác lập thuộc sở hữu toàn dân theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật này và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10.2.2021. Điều này, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền giao mặt nước, khu vực biển tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho các tổ chức, cá nhân khai thác. ”Do đó, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di tích quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ di sản.
Đối với các địa phương có biển, việc giao mặt nước đã tạo tiền đề vững chắc, giúp người dân "an cư lạc nghiệp". Ảnh: Nguyễn Thành
Liên quan đến quy định về di tích, di sản liên tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: tại khoản 4, Điều 32 dự thảo có quy định "người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 2 tỉnh trở lên" và tại Điều 33 cũng xác định tương đối rõ về nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích.
Mặc dù vậy, thực tế tại các địa phương có di tích, di sản liên tỉnh đang áp dụng các biện pháp quản lý di sản khác nhau. Có địa phương quy định chặt song cũng có địa phương nới lỏng hơn về tiêu chí, tiêu chuẩn tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội ở di tích, di sản. Điều này, dẫn đến việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển việc đăng ký từ địa phương này, sang địa phương khác để được cơ chế quản lý thuận tiện hơn. "Như vậy, di tích, di sản là đối tượng phải chịu những bất cập đó trước tiên; tiếp đến là việc di chuyển đến nơi dễ dàng được chấp nhận tiêu chí quản lý thấp hơn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan và đảm bảo an ninh, an toàn", nữ ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Nhấn mạnh thêm rằng những bất cập này vẫn chưa có biện pháp, cơ chế để xử lý, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, bổ sung thêm một điểm tại khoản 4, Điều 32 về các biện pháp quản lý, sử dụng di tích cụ thể của người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích nêu tại Điều 33 của Luật này đối với di tích nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, nếu có tác động về kinh tế, xã hội và môi trường đến khu vực bảo vệ nằm trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cùng di tích thì phải có sự đánh giá tác động và thống nhất giữa 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong trường hợp 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thống nhất về biện pháp quản lý, sử dụng di tích thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn thống nhất bảo đảm việc quản lý di tích theo nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nêu tại các khoản 4,6,8 Điều 6 Luật này.
Trong nội dung phát biểu của mình, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị bỏ quy định tại điểm n, khoản 2, điều 94 về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch “phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Thay vào đó, nên quy định trong dự luật về trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trong thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đối với quy định tại Điều 97 về Thanh tra di sản Văn hóa, đại biểu nhấn mạnh, cần cân nhắc vì pháp luật về Thanh tra không quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành có chức năng “kiểm tra”.
Mạnh Tuân
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bo-sung-quy-dinh-ve-tham-quyen-giao-mat-nuoc-khu-vuc-bien-tai-khu-vuc-di-san-thien-nhien-the-gioi-post394120.html