Cần quy định cụ thể về xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích

Cần quy định cụ thể về xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Bảo đảm nguyên trạng không gian của các yếu tố gốc cấu thành di tích
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa.
Về sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích, một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng công trình, nhà ở; chỉ cho cải tạo, sửa chữa trên cơ sở phải giữ được nguyên trạng về mặt bằng, không gian, không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh. (Ảnh: QH)
Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng trong khu vực bảo vệ I của di tích chỉ được sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích; sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng nhà ở riêng lẻ đã có và phải bảo đảm nguyên trạng về mặt bằng, không gian của các yếu tố gốc cấu thành di tích.
Đối với khu vực bảo vệ II, cho phép sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích; nhà ở riêng lẻ; công trình kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng công trình chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia; của người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh, di tích thuộc danh mục kiểm kê của tỉnh…
Đáng quan tâm, dự thảo Luật quy định lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, như: Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...
Toàn cảnh Kỳ họp. (Ảnh: QH)
Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…
Bổ sung nội dung về liên kết hợp tác với hoạt động du lịch
Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn tỉnh Nam Định) góp ý nội dung về bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Theo dự thảo Luật, bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia không được sử dụng vì mục đích lợi nhuận.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị xem xét lại quy định này, vì phát triển kinh tế là khai thác tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do đó, khi đưa các bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để trưng bày cho khách tham quan, chiêm ngưỡng có thu phí là phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng thảo luận tại nghị trường. (Ảnh: QH)
Về thực tế, khi bảo tàng, phòng trưng bày có trưng bày bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mở cửa có bán vé tham quan là hoạt động có thể có lợi nhuận sẽ bị cấm. Vậy bảo tàng, phòng trưng bày phải cất những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia này đi, kéo theo khách sẽ không đến nữa hoặc đến ít đi vì không có đối tượng để tham quan.
Từ đó kéo theo hệ quả là bảo tàng sẽ không phát huy được vai trò của mình, không có hoặc là không tăng được nguồn thu, ảnh hưởng đến sự tồn tại và tăng trưởng của mình…Vì vậy, ông Dũng đề nghị không nên quy định không được sử dụng bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vì mục đích lợi nhuận như dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, về hoạt động phát huy giá trị di tích, dự thảo Luật chỉ quy định về việc tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích.
Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa đầy đủ, vì hoạt động này cần có sự tham gia của một số thành phần kinh tế với nhiều hình thức khác như hợp tác công tư, liên doanh liên kết. Vì vậy, cần bổ sung nội dung về liên kết hợp tác hoặc hợp tác công tư đối với hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn tỉnh Quảng Nam). (Ảnh: QH)
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn tỉnh Quảng Nam) cho rằng dự thảo Luật quy định việc sửa đổi, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích phải thực hiện theo quy định về quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể cho nhà ở riêng lẻ của người dân. Theo đại biểu, việc đưa nhà ở của người dân vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án sẽ gây nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và kinh phí, có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của chủ di tích. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích.
Quan tâm đến hoạt động thu hồi, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn tỉnh Cần Thơ) cho rằng hiện nay, nhiều địa phương chưa có đủ điều kiện nguồn lực về tài chính cũng như kinh nghiệm để thực hiện, xác định giá trị thu hồi, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc nước ngoài về nước.
Vì vậy, cần quy định theo hướng khi phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc thu hồi, mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia về nước…
Phương Thảo
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/can-quy-dinh-cu-the-ve-xay-dung-cai-tao-nha-o-rieng-le-trong-khu-vuc-bao-ve-di-tich-179548.html