Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết hợp lối đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, chỉ sau 2 ngày đêm làm công tác chuẩn bị chiến đấu, Quân đoàn 1 cùng bộ đội địa phương đã tiến công dũng mãnh, tiêu diệt và bắt hàng toàn bộ sư đoàn 5 ngụy, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, như: Căn cứ Phú Lợi, Lai Khê, Bến Cát, Bộ Tổng tham mưu ngụy; giải phóng hoàn toàn tỉnh Thủ Dầu Một, phần lớn tỉnh Gia Định, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên một hướng chiến dịch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Tiếng súng từ Bình Mỹ, Bình Cơ
Về xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên hôm nay, dấu tích chiến tranh xưa không còn nhiều nhưng với những người lính Quân đoàn 1, Tiểu đoàn Phú Lợi trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh từ hướng phía Bắc này thì mãi không quên. Khi Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT), nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng trở về thăm chiến trường xưa sau tròn 50 năm thì bao ký ức về một thời hào hùng lại tràn về. Vùng đất này, ông cùng đồng đội đã có mặt trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975.
Ông kể, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 1 nhận nhiệm vụ từ bàn đạp Sông Bé tấn công từ phía Bắc Sài Gòn, bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên; ngăn chặn Sư đoàn 5 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa rút về nội đô và vô hiệu hóa đơn vị này; tấn công đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, các bộ tư lệnh binh chủng ở quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định; tổ chức một lực lượng tấn công hợp điểm với các quân đoàn khác tại Dinh Độc Lập. Trong chiến dịch này, Trung đoàn 48 được tăng cường xe tăng, pháo binh có nhiệm vụ làm mũi thọc sâu cơ giới của binh đoàn đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Trong đó, Tiểu đoàn 1 do ông chỉ huy có vinh dự dẫn đầu mũi thọc sâu.
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (ngoài cùng, bên trái) cùng chỉ huy Sư đoàn 312 và Ban Chỉ huy Trung đoàn 165 hội ý ngay sau chiến thắng căn cứ Phú Lợi chiều 30-4-1975
Và theo lời Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Như Hoạt, Bình Mỹ, Bình Cơ là 2 “ấp chiến lược” án ngữ phía Đông - Bắc TX.Thủ Dầu Một. Nó như một cửa ngõ để đại quân ta tiến vào giải phóng Thủ Dầu Một và tiến công vào giải phóng Sài Gòn từ phía Tây Bắc. Do án ngữ ở vị trí quan trọng nên địch đã xây dựng ở Bình Mỹ 3 đồn hình tam giác kiên cố, trong đó đồn ở ấp 2 là sở chỉ huy tiểu đoàn địch. Tại đây, địch điều Tiểu đoàn Bảo an 306, một đơn vị mạnh về phòng thủ. Ở mỗi đồn, chúng đều bố trí một đại đội với quân số, vũ khí đầy đủ.
Với phương châm: “Táo bạo, thọc sâu đánh nhanh các mục tiêu theo kế hoạch”, đêm 25-4-1975, các đơn vị của Quân đoàn 1 đã tập trung ở bàu Cá Trê (thuộc huyện Bắc Tân Uyên ngày nay), chờ lực lượng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đánh phá 2 “ấp chiến lược” Bình Mỹ, Bình Cơ. Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng đồng loạt nổ súng tiến công Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại hướng Bắc và Đông Bắc, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt một số trận địa pháo địch, làm chủ đoạn đường số 16, bao vây căn cứ Phú Lợi, chiếm khu phía Bắc TX.Thủ Dầu Một, chặn Sư đoàn 5 ngụy không cho về Sài Gòn.
Trước đó, tại hội nghị bàn phương án tác chiến mở cửa Bình Mỹ, Bình Cơ giữa Bộ Tư lệnh Sư đoàn 312 và Ban Chỉ huy tiền phương Tỉnh đội Thủ Dầu Một thì sư đoàn sẽ tăng cường cho Tiểu đoàn Phú Lợi 2 một đại đội bộ binh và 2 khẩu đội ca nông 85 nòng dài. Nhưng sau khi thảo luận, thấy khả năng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 có thể một mình giải quyết trận đánh nhanh gọn nên việc đánh Bình Mỹ, Bình Cơ giao cho Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đảm nhiệm. Sư đoàn chỉ tăng cường 2 khẩu ca nông 85 và 3 khẩu cối 120 ly. Đại đội 5 được giao nhiệm vụ đánh đồn ấp 1 - Bình Mỹ; Đại đội 6 đánh đồn ấp 2 - cũng là Sở Chỉ huy Tiểu đoàn Bảo an 306; Đại đội 7 tiến công đồn ấp 3 - Bình Cơ. Các đại đội đều có du kích xã phối hợp tác chiến.
Đến 18 giờ ngày 26-4, đội hình bộ binh và xe tăng của Sư đoàn 312 đã nhích dần lên chỉ cách Bình Mỹ 1km chờ mở thông cửa là tiến quân. Đến 19 giờ, khẩu ca nông 85 nòng dài và 3 khẩu cối 120 nhả đạn dữ dội vào sở chỉ huy địch ở đồn ấp 2 Bình Mỹ làm các lô cốt địch ngã sập. Cùng lúc các đại đội 5, 6, 7 đồng loạt xung phong. Trước uy lực của pháo bắn thẳng, cối hạng nặng và khí thế xung phong áp đảo của các chiến sĩ, cả Tiểu đoàn Bảo an 306 ở 3 đồn không chịu nổi đã bỏ chạy, nhiều tên hạ súng đầu hàng. Tên tiểu đoàn trưởng bỏ mạng ngay từ loạt pháo 85 đầu tiên.
Nhắc lại sự kiện này, ông tự hào kể, ngày 29-4-1975, ông vinh dự trực tiếp ngồi trên xe tăng chỉ huy đơn vị tiến công tiêu diệt Chi khu quân sự Tân Uyên để mở thông đường tiến về Sài Gòn cho binh đoàn. Trong trận đánh này, ông đã bị thương nặng và được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Trận chiến san bằng cứ điểm thép
Theo lời kể Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, khi ấy ông mang quân hàm Đại úy, Phó Chính ủy Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 trực tiếp tham gia giải phóng Sài Gòn từ hướng Bắc - hướng chiến trường tỉnh Thủ Dầu Một.
Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN: “Thị xã Thủ Dầu Một được giải phóng. Trung đoàn 165 chúng tôi được lệnh ở lại tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp quản. Hơn 10 ngày sau, Ủy ban Hành chính tỉnh Thủ Dầu Một tổ chức mừng chiến thắng. Cán bộ cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc cùng các lực lượng địa phương, đơn vị đóng quân xung quanh địa bàn được mời dự sự kiện long trọng này. Từ đó về sau, tôi cũng được mời dự nhiều lần tương tự, thậm chí còn long trọng hơn, nhưng buổi mừng chiến thắng năm 1975 mãi là ấn tượng khó quên đối với tôi!”.
Ông kể, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ khó nhất là bao vây tiêu diệt địch tại căn cứ Phú Lợi. Bởi nơi đây có tiểu đoàn bảo an và cảnh sát ngụy với hơn 300 quân cố thủ. Căn cứ này do thực dân Pháp xây dựng, được Mỹ củng cố lại thành đại bản doanh của Sư đoàn Bộ binh số 1 Mỹ, là nơi xuất phát của những cuộc hành quân bình định, bắn giết đồng bào ta ở miền Đông Nam bộ. Tháng 4-1970, Mỹ bàn giao căn cứ này cho Sư đoàn 5 ngụy tiếp quản. Tại đây, chúng chia thành 7 khu, xung quanh đặt chướng ngại vật nhiều tầng, nhiều lớp với các bãi mìn, hào chống tăng, chống bộ binh và hàng chục lớp rào thép gai.
Ngày 26-4-1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 312 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 165 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 bao vây, tiến công cụm căn cứ Phú Lợi, sau đó phát triển, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một. Lúc đó, Phú Lợi là căn cứ quan trọng vào loại bậc nhất của địch trên tuyến phòng thủ Bắc Sài Gòn, án ngữ trục đường giao thông huyết mạch: Đường 13 từ Bình Long - Phước Long đi Bình Dương đến Sài Gòn và đường 8 từ Tân Uyên đến Bình Dương đi Củ Chi và khống chế các trục đường 13, 14 đi Sài Gòn.
Theo kế hoạch, 0 giờ ngày 29-4-1975, ta nổ súng tiến công. Nhưng do chuẩn bị gấp, lượng thuốc nổ phá rào và mìn định hướng chưa kịp chuyển đến, nên để các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị và theo đề nghị của chỉ huy Sư đoàn 312, Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định lui giờ nổ súng sang rạng sáng 30-4. Trực tiếp Phó Tư lệnh Sư đoàn là đồng chí Nguyễn Kiệm (sau này là Trung tướng, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng) sang bờ Bắc sông Bé để đôn đốc đoàn xe chở thuốc nổ vào gấp cho Trung đoàn 165.
Khoảng 4 giờ sáng 30-4- 1975, pháo binh của ta bắn mãnh liệt vào căn cứ Phú Lợi. Sau đó, các loại hỏa lực đi cùng cũng dồn dập đánh vào khu vực tiền duyên, chi viện cho bộ binh mở cửa. 5 giờ 5 phút, Tư lệnh Sư đoàn 312 Nguyễn Chuông lệnh cho Trung đoàn 165 nổ súng. Lực lượng của ta tiến công áp đảo nên trên cả hai hướng, quân địch trong căn cứ không tổ chức phản kích được. Các mũi thọc sâu đều có du kích, giao liên địa phương dẫn đường... Trong lúc trận chiến đấu diễn ra quyết liệt thì chiến sĩ Lê Xuân Sanh cùng tổ cắm cờ của Đại đội 9, Tiểu đoàn 4 nhanh chóng vận động về phía cột cờ ở trung tâm căn cứ. Lá cờ giải phóng được kéo lên, đúng 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 165 đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Phú Lợi.
Phát huy thắng lợi, Tiểu đoàn 5 (là dự bị của trung đoàn) do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thức và Chính trị viên Nguyễn Thanh Nhàn dẫn đầu, phối hợp với Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 địa phương Phú Lợi tiếp tục hướng vào trung tâm TX.Thủ Dầu Một, đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. Các đơn vị phát triển tiến công, nhanh chóng giải phóng thị xã, bắt toàn bộ ngụy quyền, trong đó có Đại tá, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Của...
Còn tiếp...
THU THẢO