Băn khoăn câu chuyện thủ khoa

Băn khoăn câu chuyện thủ khoa
2 ngày trướcBài gốc
Áp lực “con nhà người ta”
Sau kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thông tin về các thí sinh đạt thành tích nổi trội được truyền thông đưa tin liên tục. Từ bí quyết học tập của thí sinh tới nhận xét của thầy cô giáo, chia sẻ của các bậc phụ huynh có con đạt điểm cao trong các kỳ thi này đều được các cơ quan báo chí, truyền thông khai thác mạnh mẽ ở mọi góc độ.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội. Ảnh: Phương Lan
Nhiều trang mạng xã hội cũng chạy đua để thu hút “view” bằng cách đào sâu về đời tư, gia cảnh của các thí sinh này còn khán giả, độc giả vì tò mò, vì hâm mộ mà theo dõi, bình luận. Những học sinh mới vừa tốt nghiệp THCS hoặc tốt nghiệp THPT chỉ 15 - 18 tuổi nhận được cơn mưa lời khen nhưng cũng không thiếu những hoài nghi, thắc mắc, thậm chí những lời nói ác ý về hoàn cảnh gia đình các em – điều này có lẽ không phải là trải nghiệm đáng quý, đáng trân trọng.
TS Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhìn nhận, việc tôn vinh quá đà sẽ khiến chính những học sinh này phải chịu áp lực lớn sau đó. Các em có thể trở thành nạn nhân của sự ghen tị, hiềm khích hoặc bị ảo tưởng về bản thân, rất nguy hại về sau. TS Lê Đông Phương chỉ ra rằng, một số bài báo tôn vinh học sinh đạt điểm cao nhất ở một số tổ hợp lại nhầm lẫn thành thủ khoa của 5 - 7 khối thi là không chính xác. “Sau thủ khoa toàn quốc, toàn tỉnh, thủ khoa môn, tới đây sẽ có thủ khoa ngành, thủ khoa đầu vào, đầu ra của trường đại học… Xin hãy để trẻ em là trẻ em” - chuyên gia này tâm tư.
Từ góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Mạnh Hà đặt câu hỏi rằng việc “tung hô” quá mức về các thủ khoa có đang vô tình tạo ra những áp lực không đáng có cho các em học sinh khác và cả phụ huynh? Khi một vài cá nhân được coi là “hình mẫu lý tưởng” duy nhất, nhiều học sinh có thể cảm thấy mình chưa đủ giỏi, chưa đủ cố gắng. Phụ huynh cũng dễ so sánh con mình với những thủ khoa, đôi khi kèm theo những lời chê bai vô tình gây tổn thương. Thành tích cao không hề dễ dàng đạt được với tất cả mọi người, và việc này có thể khiến các em cảm thấy lạc lõng, áp lực không cần thiết.
Là một nhà báo đồng thời cũng là một người mẹ có con vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, biên tập viên (BTV) Hoàng Trang (Đài Truyền hình Việt Nam) chia sẻ việc đưa tin về các thủ khoa là cần thiết để lan tỏa nỗ lực học tập của các bạn học sinh xuất sắc như một cách để biểu dương tinh thần học. Nhưng về phía gia đình, BTV Hoàng Trang mong các phụ huynh sẽ không mang quan điểm ”con nhà người ta” để áp vào con mình, dẫn đến áp lực không đáng có cho các con. “Sức con học tới đâu thì động viên để con nỗ lực, quan trọng nhất là theo đuổi đam mê. Giúp con nhận ra đam mê để kiên trì theo đuổi mới là điều các phụ huynh nên làm, nên đồng hành” – chị Trang bày tỏ.
Mọi tiến bộ, dù nhỏ nhất, đều đáng được ghi nhận
Nhiều năm làm công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhìn nhận thành công không chỉ là điểm số. Thành công trong học tập phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không chỉ riêng trí thông minh bẩm sinh hay nỗ lực cá nhân, hoàn cảnh gia đình với sự hỗ trợ, định hướng, điều kiện kinh tế gồm khả năng tiếp cận tài liệu, khóa học… mà còn chịu sự tác động của cơ sở vật chất, cụ thể là môi trường học tập tốt. Vì vậy, việc chỉ nhìn vào điểm số có thể bỏ qua bức tranh toàn cảnh về sự cố gắng và những yếu tố khách quan khác.
Chuyên gia này đề xuất thay vì “tung hô” - ca ngợi thủ khoa như những hình mẫu hoàn hảo với điểm số cao, dễ tạo áp lực cho các học sinh khác, hãy “đồng hành” - công nhận nỗ lực của mọi học sinh, kể cả những em đạt điểm trung bình, hiểu rằng họ có những khó khăn và mục tiêu riêng.
Bên cạnh việc đồng hành, chuyên gia này cho rằng cần một cách tiếp cận nhân văn hơn. Ông lấy ví dụ hành trình của một học sinh từ 2-3 điểm lên 5-6 điểm cũng là một kỳ tích thầm lặng, đáng trân trọng không kém những nỗ lực của các thủ khoa với những điểm 10.
“Khi báo chí không chỉ ca ngợi thủ khoa mà còn kể những câu chuyện nỗ lực đời thường, chúng ta không làm giảm giá trị của người giỏi, mà ngược lại, tạo thêm nguồn cảm hứng đa dạng và khuyến khích phụ huynh nhìn nhận sự trưởng thành của con trẻ một cách nhân văn hơn” – PGS.TS Phạm Mạnh Hà nêu quan điểm.
Thực tế đang có một sự chênh lệch đáng kể về số lượng các bài báo, sản phẩm truyền thông đưa tin về các thủ khoa so với những tác phẩm báo chí về những học sinh vượt khó. Ngoài lý do là các câu chuyện thủ khoa dễ “hút view”, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhìn nhận đề tài này thuận lợi cho báo chí khai thác thông tin hơn so với việc tìm kiếm và xác minh những trường hợp học sinh vượt khó, nhất là những học sinh vượt khó đạt thành tích lớn mới dễ được chú ý trong khi những nỗ lực thầm lặng khác thường bị bỏ qua. Với quan điểm mọi sự tiến bộ, dù là nhỏ nhất, đều đáng được ghi nhận, chuyên gia tâm lý này nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh và mọi người: “Mỗi học sinh đều có giá trị và tiềm năng riêng. Hãy cho các em một môi trường giáo dục nơi mọi cá nhân đều được tôn trọng, khích lệ để phát triển theo cách tốt nhất”.
Hàn Minh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ban-khoan-cau-chuyen-thu-khoa-10311114.html