Băn khoăn khi UBND cấp xã được quyết định khu vực bỏ phiếu bầu cử

Băn khoăn khi UBND cấp xã được quyết định khu vực bỏ phiếu bầu cử
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 12-5, góp ý tại phiên họp tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, TS. Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH (đoàn Hà Nam), cho rằng dự thảo Luật đã có bước điều chỉnh tích cực nhằm nâng cao chất lượng đại biểu, song cần thêm những sửa đổi mạnh mẽ, sát thực tiễn hơn.
Quy định tối thiểu 40% đại biểu chuyên trách từ vòng ứng cử
Theo đó, ông Trần Văn Khải kiến nghị bổ sung ba nội dung quan trọng vào dự luật.
Thứ nhất, cần quy định rõ tỉ lệ tối thiểu đại biểu chuyên trách ngay từ vòng ứng cử – chẳng hạn ít nhất 40% tổng số ĐBQH. Việc này nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, dành toàn thời gian cho hoạt động nghị trường; đồng thời thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW là giảm dần đại biểu kiêm nhiệm trong khối hành pháp, tư pháp.
TS. Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH. Ảnh: QH
Thứ hai, nâng tiêu chuẩn và siết chặt quy trình sàng lọc ứng viên. “Phải quy định rõ về phẩm chất, năng lực, và cả các trường hợp không đủ điều kiện ứng cử. Hiệp thương phải thực chất, lấy ý kiến cử tri phải minh bạch và kịp thời loại bỏ những người không đủ uy tín” - ông Khải nhấn mạnh.
Thứ ba, cần có chính sách trẻ hóa đội ngũ đại biểu. Tỉ lệ ĐBQH dưới 40 tuổi của khóa XV chỉ là 9,4%. Theo ông Khải, việc tăng cường đại biểu trẻ sẽ góp phần nâng tính đại diện, mang đến những tiếng nói mới, phản ánh tốt hơn tâm tư của cử tri trẻ và các tầng lớp năng động trong xã hội.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các đề xuất sửa luật lần này hoàn toàn có cơ sở. Cụ thể, về mặt chính trị, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2022 đã đặt ra yêu cầu nâng chất lượng đại biểu, tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu kiêm nhiệm. Trước đó, Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 cũng chỉ rõ “cơ cấu đại biểu dân cử chưa phù hợp, chất lượng còn hạn chế”.
Về mặt pháp lý, Hiến pháp 2013 xác định QH là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tuy Luật Tổ chức QH đã quy định ít nhất 40% ĐBQH là chuyên trách nhưng Luật Bầu cử hiện hành chưa có cơ chế bảo đảm thực thi tỉ lệ này.
Về thực tiễn, kết quả bầu cử QH khóa XV cho thấy 99,8% đại biểu có trình độ đại học trở lên nhưng chỉ 38,67% là chuyên trách. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này đã có 3 đại biểu bị bãi nhiệm, 9 đại biểu xin thôi nhiệm vụ vì nhiều lý do, trong đó có vi phạm pháp luật.
“Từ những con số và thực trạng trên, có thể thấy chất lượng và cơ cấu đại biểu vẫn còn những bất cập. Cử tri cần những người ‘đủ đức, đủ tài’, xứng đáng là đại diện của dân. Việc sửa luật lần này cần tạo được cơ sở pháp lý vững chắc để đáp ứng kỳ vọng đó” - ông Khải nói.
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH
Nới rộng khoảng cách số thành viên các ủy ban bầu cử
Ở một khía cạnh khác, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) bày tỏ đồng tình với việc đa dạng các hình thức vận động bầu cử. Cụ thể, Điều 65, 66 dự luật quy định người ứng cử “gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến”.
Quy định này theo ông Ngân sẽ tạo thuận lợi cho các ĐB khi vận động tranh cử, tiếp xúc cử tri ở những vùng xa, những địa phương có địa giới hành chính rộng.
Ông Ngân cũng đề nghị cân nhắc số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử. Hiện nay, với 34 tỉnh, thành mới hình thành sau sắp xếp, dân số có độ chênh lệch lớn giữa các địa phương. Chẳng hạn, dân số của TP.HCM mới khoảng 13,8 triệu người nhưng một số địa phương khác chỉ 1-2 triệu. Như vậy, số lượng các thành viên trong Ủy ban bầu cử phải cho độ co giãn lớn để các địa phương có thể tính toán số lượng phù hợp với thực tiễn.
“Hệ số co giãn nên được điều chỉnh từ 21-31 hiện nay lên 21-39”– ông Ngân đề xuất.
Hay với Ủy ban bầu cử cấp xã, phường, ông Trần Hoàng Ngân cũng đề xuất tăng độ co giãn từ 9-11 lên 9-17 nhằm tương thích với những địa bàn có dân số đông, địa bàn rộng.
“Lần bầu cử này, những quy định liên quan đến thời gian được rút ngắn rất nhiều nên cần có lực lượng tham gia Ủy ban bầu cử đủ lớn để đảm bảo công tác bầu cử diễn ra hiệu quả” – ĐB Ngân nói.
ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: QH
Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TP.HCM) cho hay cấp xã sau sắp xếp có quy mô rất lớn, đảm trách chức năng, nhiệm vụ của cả cấp huyện và cấp xã hiện nay. Do vậy, cần cân nhắc, xem xét, củng cố nhân sự của các ban bầu cử, bảo đảm tính bao quát.
Cũng theo ông Hoàng, luật hiện hành quy định UBND xã xác định khu vực bỏ phiếu và báo cáo UBND huyện phê duyệt, tuy nhiên dự thảo luật lần này đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, việc xác định khu vực bầu cử do UBND xã quyết định, trường hợp cần thiết sẽ do UBND cấp tỉnh điều chỉnh theo khu vực bỏ phiếu.
Tuy nhiên, ĐB Hoàng băn khoăn khu vực bỏ phiếu không chỉ liên quan đến thực hiện quyền của cử tri đi bỏ phiếu mà còn là việc bảo đảm an toàn khu vực bỏ phiếu, kết quả bỏ phiếu, công bố kết quả bỏ phiếu… “Nếu khoán cho cấp xã thực hiện điều này, tôi thấy còn nhiều băn khoăn” – theo ông Nguyễn Minh Hoàng.
Góp ý thêm nội dung này sau đó, ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) đề nghị cần làm rõ hơn “trường hợp cần thiết” là như thế nào. “Cần ghi rõ với những địa bàn hành chính phức tạp, xa xôi, hẻo lánh, khu vực biên giới, hải đảo… thì sẽ có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thực thi trong quá trình thực hiện tổ chức bầu cử” – ông Đức đề xuất.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/ban-khoan-khi-ubnd-cap-xa-duoc-quyet-dinh-khu-vuc-bo-phieu-bau-cu-post849380.html