Nhiều Chủ tịch UBND tỉnh và huyện bị kiện nhưng không đến tòa

Nhiều Chủ tịch UBND tỉnh và huyện bị kiện nhưng không đến tòa
5 giờ trướcBài gốc
Số liệu trên được nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cung cấp tại buổi thảo luận tổ chiều nay (12/5) về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Theo ông Chính, thực tế chỉ có hơn 1.000 trường hợp người bị kiện tham gia phiên tòa, hơn 900 vụ không có sự tham gia của người bị kiện, mà phần lớn người bị kiện là chủ tịch UBND.
"Những số liệu trên cho thấy việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của UBND, đặc biệt là chủ tịch UBND chưa chuyển biến tích cực", ông Chính thẳng thắn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tòa án chậm giải quyết hoặc không thể giải quyết vụ án.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại tổ chiều nay.
Ông Chính phân tích, Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính rất bất cập. Trước đây, chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho trưởng hoặc phó phòng thì theo Điều 60 chỉ được phép ủy quyền cho phó chủ tịch UBND, trong khi đó phó chủ tịch khó tham gia đầy đủ các phiên tòa dẫn đến án không giải quyết được. Nội dung này cần phải sửa đổi trong luật để khắc phục.
Một bất cập khác theo đại biểu là quy trình tố tụng hành chính phức tạp, dù tòa án chỉ có chức năng xác định quyết định hành chính là đúng hay sai, nhưng trên thực tế lại phải thực hiện hàng loạt thủ tục như định giá tài sản, xác định quyền thừa kế.
Điều này khiến việc giải quyết án hành chính rất khó khăn, từ đó dẫn đến số lượng án tố tụng hành chính được giải quyết thấp hơn nhiều so với các loại án khác. Do vậy, Ban soạn thảo cần tập trung sửa đổi thêm một số điều trong Luật Tố tụng hành chính để bảo đảm hoạt động tố tụng hiệu quả, khắc phục các khó khăn, tăng cường niềm tin của nhân dân và bảo vệ đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Quan tâm đến bộ máy tòa án sau khi sắp xếp, đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay, dự thảo sắp xếp lại hệ thống tòa án theo mô hình 3 cấp, bỏ TAND cấp huyện, thành lập TAND khu vực trên cơ sở gộp các TAND cấp huyện. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định biện pháp đảm bảo tòa án sau sáp nhập vẫn "gần dân, sát dân" như yêu cầu đặt ra.
Vị đại biểu đặt ra tình huống, người dân ở huyện không đặt trụ sở TAND khu vực có thể phải di chuyển xa hơn để tham gia tố tụng, gây bất tiện. Việc thiếu tòa án cấp huyện có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận công lý của người dân địa phương nếu không có cơ chế hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nhiệm vụ của TAND cấp tỉnh sẽ tăng lên vì phải xét xử sơ thẩm án nghiêm trọng, phúc thẩm án khu vực... đòi hỏi số lượng thẩm phán tỉnh phải tương xứng.
Từ những yếu tố trên, ông Khải đề nghị bổ sung điều khoản yêu cầu TAND khu vực mở văn phòng hoặc điểm xét xử tại các địa bàn không đặt trụ sở chính, hoặc tổ chức các phiên tòa lưu động định kỳ tại huyện, quận trực thuộc. Quy định này sẽ đảm bảo người dân địa phương vẫn giải quyết vụ việc thuận tiện tại nơi cư trú.
Hà Cường
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/nhieu-chu-tich-ubnd-tinh-va-huyen-bi-kien-nhung-khong-den-toa-ar942861.html