Luật sư Phan Thụy Khanh
*Luật sư Phan Thụy Khanh – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:
Hiện nay, hiểu biết pháp luật của người dân đã được nâng cao đáng kể, tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn còn khá mơ hồ về các quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của mình trong các giao dịch phổ biến hoặc trong các quan hệ dân sự gần gũi như hôn nhân gia đình. Để tránh các tranh chấp không đáng có, người dân nên tìm hiểu các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề mà mình đang quan tâm. anh Quốc có thể tham khảo nội dung trả lời của Luật sư như dưới đây.
Thứ nhất, cha mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom và chăm sóc con sau ly hôn không?
Theo khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, “sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở."
Theo đó, việc thăm nom con không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cha mẹ không trực tiếp nuôi con, và không một ai được cản trở, trừ trường hợp quyền thăm nom này bị hạn chế theo quyết định của Tòa án.
Khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 một lần nữa khẳng định nguyên tắc ‘không ai được cản trở’ khi chỉ rõ rằng: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Luật pháp đã quy định rõ như vậy, trong các bản án hoặc quyết định giải quyết ly hôn của Tòa án cũng thường có nội dung “Bên không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền thăm nom, chăm sóc con theo quy định” nhưng thực tế, không ít người lầm tưởng hoặc cố tình nghĩ rằng khi được Tòa án giao quyền trực tiếp nuôi con thì họ sẽ có toàn quyền quyết định mọi việc liên quan đến con, còn người không trực tiếp nuôi con thì không có bất kỳ quyền hay nghĩa vụ nào. Điều này dẫn đến việc họ cho rằng mình có thể tùy ý cho phép hoặc cản trở đối phương thăm nom, chăm sóc con; dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, tình cảm của đứa trẻ và tình cảm gia đình.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu anh Quốc không bị hạn chế quyền thăm nom theo quyết định của Tòa án thì anh hoàn toàn có quyền thăm nom con sau ly hôn và vợ cũ của anh hay bất cứ ai cũng không được tự ý ngăn cản.
Thứ hai, khi nào thì cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên?
Nhằm đảm bảo lợi ích mọi mặt cũng như sự phát triển lành mạnh của con, quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, được hướng dẫn bởi Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nếu:
Bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên với lỗi cố ý.
Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Trường hợp này được hiểu là cha mẹ đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con hoặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của con.
Phá tán tài sản của con: là hành vi mua, bán, tặng cho, hủy hoại hoặc hành vi khác làm thiệt hại đến tài sản của con mà không vì lợi ích của con.
Có lối sống đồi trụy: là lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội như: kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Nếu cha, mẹ có hành vi thuộc một trong những trường hợp trên, Tòa án có thể ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 1 đến 5 năm.
Xét trong trường hợp của anh Quốc, nếu anh có một trong các hành vi nói trên, vợ cũ anh có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của anh đối với con chung. Ngược lại, nếu có bằng chứng cho thấy vợ cũ anh có những hành vi này, anh cũng có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của vợ đối với con chung. Khi đó, quyền trực tiếp nuôi con sẽ được Tòa án xem xét giao cho anh nếu như anh đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con (Điều 87 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Thứ ba, cần phải làm gì nếu bị ngăn cản thăm nom, chăm sóc con?
Trường hợp vợ cũ tiếp tục ngăn cản thăm nom con, anh Quốc có thể thực hiện các bước sau để bảo vệ quyền lợi của mình:
Bước 1: Trao đổi, thương lượng trực tiếp
Anh Quốc có thể trao đổi, giải thích các quy định pháp luật như nêu trên cho vợ cũ của anh được rõ; lưu ý đây là quyền được pháp luật bảo vệ và được ghi rõ trong bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án.
Việc thương lượng nên được ưu tiên thực hiện bởi giải pháp này tối ưu về chi phí, thời gian cũng như công sức bỏ ra để giải quyết vấn đề. Đồng thời, việc tháo gỡ vướng mắc của các bên trong hòa bình cũng sẽ giúp con chung tránh khỏi những tổn thương tâm lý không cần thiết.
Bước 2: Gửi đơn phản ánh đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
Do vợ cũ anh đã có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc của anh đối với con trong khi anh không bị hạn chế quyền thăm nom theo quyết định của Tòa án, nên đây có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ theo Điều 56, khoản 2 Điều 68 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi này có thể bị phạt lên đến 10.000.000 đồng.
Như vậy, trong trường hợp thương lượng không thành, anh có thể nộp đơn phản ánh cùng các tài liệu có liên quan chứng minh việc bị cản trở (ví dụ: lập vi bằng các hành vi cản trở quyền thăm nom của vợ cũ) đến các cơ quan, tổ chức như: Ủy ban nhân dân, Hội liên hiệp phụ nữ ở địa phương nơi vợ cũ và con chung đang sinh sống để được hỗ trợ xem xét và xử lý. Sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền có thể giúp người vợ hiểu ra vấn đề, giúp anh được tiếp tục quyền thăm nom con mà vẫn hạn chế được việc lãng phí các nguồn lực khi chưa thực sự cần thiết.
Bước 3: Khởi kiện tại Tòa án
Nếu các phương án trên không hiệu quả, anh Quốc có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Mặc dù theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, hành vi cản trở thăm nom con không phải là căn cứ trực tiếp để giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, tuy nhiên, quyền thăm nom con sau ly hôn đối với người không trực tiếp nuôi con là quyền được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp này, để củng cố cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, anh Quốc cần có các bằng chứng khác chứng minh rằng vợ cũ của anh hiện đã không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; đồng thời chứng minh anh có đủ điều kiện tốt hơn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con. Ngoài ra, vì con chung đã được 8 tuổi, nên việc thay đổi này cũng sẽ cần phải xem xét thêm nguyện vọng của con trong quá trình Tòa án giải quyết.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425