Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam).
Cần nâng cao tiêu chuẩn ứng cử viên
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Góp ý vào dự án luật, TS. Trần Văn Khải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi một số điều nhằm nâng cao chất lượng đại biểu.
Theo đó, Khoản 3 Điều 8 quy định ít nhất 35% người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ; tương tự, danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã cũng phải có tối thiểu 35% nữ. Theo ông Khải, quy định này sẽ góp phần tăng tỷ lệ nữ trúng cử, bảo đảm tính đại diện về giới.
Bên cạnh đó, dự thảo Điều 9 yêu cầu khi xây dựng đề án bầu cử Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã phải dự kiến cơ cấu thành phần hợp lý, có đại diện các tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế và chú trọng đại biểu dân tộc thiểu số phù hợp đặc điểm địa phương. Điều này nhằm bảo đảm đội ngũ đại biểu Hội đồng nhân dân được chọn từ nhiều thành phần, phản ánh đầy đủ các tầng lớp nhân dân.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, ông Khải kiến nghị cần quy định tỷ lệ đại biểu chuyên trách tối thiểu. Theo đó, bổ sung điều khoản bảo đảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ngay từ khâu ứng cử (thí dụ ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phân tích, việc này sẽ giúp tăng số đại biểu chuyên nghiệp, dành toàn thời gian cho công tác Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời giảm hợp lý đại biểu kiêm nhiệm ở cơ quan hành pháp, tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Ngoài ra, cần nâng cao tiêu chuẩn và sàng lọc ứng viên qua việc quy định rõ tiêu chuẩn ứng cử viên (về phẩm chất, trình độ) và các trường hợp không được ứng cử để sàng lọc từ đầu. Ông Khải nhấn mạnh, quy trình hiệp thương, lấy ý kiến cử tri cần minh bạch, chặt chẽ hơn, kịp thời loại bỏ những ứng viên không đủ uy tín, không xứng đáng đại diện cho dân.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Hà Nam cũng kiến nghị trẻ hóa thành phần đại biểu bằng việc chú trọng cơ cấu để tăng tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi. Theo ông Khải, hiện chỉ 9,4% đại biểu Quốc hội khóa XV là người dưới 40 tuổi. Do vậy, cần nâng các tỷ lệ này nhằm bảo đảm cơ quan dân cử có tính đại diện đa dạng, phản ánh tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân.
Ngoài ra, đại biểu cũng phân tích, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định ít nhất 40% đại biểu Quốc hội là đại biểu chuyên trách, nhưng Luật Bầu cử chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện tỷ lệ này. Do đó, cần bổ sung quy định tương ứng trong Luật Bầu cử để đồng bộ với luật hiện hành, đồng thời cụ thể hóa tiêu chuẩn đại biểu trong quy trình bầu cử.
Dẫn kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV (2021), ông Khải cho biết, có 99,8% đại biểu có trình độ đại học trở lên (78,55% trên đại học), song chỉ 38,67% đại biểu Quốc hội là chuyên trách; đại biểu ngoài Đảng chiếm 2,8%, đại biểu dưới 40 tuổi 9,4%. Đặc biệt, đã có 3 đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, 9 đại biểu Quốc hội được cho thôi nhiệm vụ trong nhiệm kỳ này vì vi phạm hoặc lý do khác.
“Những con số trên cho thấy chất lượng và cơ cấu đại biểu vẫn còn bất cập; cử tri mong muốn đại biểu phải ‘đủ đức, đủ tài’. Do đó, các đề xuất sửa đổi Luật Bầu cử nêu trên là có cơ sở, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả”, ông Khải nói.
Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào bầu cử
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội).
Bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng kiến nghị, dự thảo cần có quy định ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động bầu cử.
Nữ đại biểu lấy thí dụ về việc tổ chức Hội nghị hiệp thương có thể kết hợp trực tuyến và trực tiếp; Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú có thể tiến hành lấy phiếu hộ gia đình hoặc kết hợp trực tuyến; có thể sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để xác định danh sách cử tri và niêm yết công khai danh sách cử tri…
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn tỉnh Thái Bình) bày tỏ nhất trí với việc bổ sung hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến và giao Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc căn cứ vào điều kiện thực tiễn để quyết định.
Đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình).
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, hình thức này áp dụng với việc bầu cử đại biểu Quốc hội là phù hợp hơn; còn đối với việc áp dụng hình thức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến khi vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thì nên xem xét, cân nhắc kỹ.
Lý giải cho đề xuất này, ông An cho rằng, địa bàn cấp xã kể cả khi thực hiện sáp nhập như hiện nay nhìn chung hẹp, nhỏ, với việc quy định như trên có thể dẫn đến tốn kém khi tổ chức.
Góp ý cụ thể về dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu (quy định tại Điều 7 Luật hiện hành), đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị nghiên cứu tăng số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương từ có ít nhất 3 đại biểu lên có ít nhất 5 đại biểu.
Đại biểu Vân lý giải, theo đề án sáp nhập tỉnh, thành phố, số lượng tỉnh, thành phố trên cả nước dự kiến giảm khoảng 50% (34 đơn vị cấp tỉnh), trong khi đó tổng số đại biểu Quốc hội được bầu cơ bản không thay đổi (không quá 500 người). Do vậy, việc giữ nguyên số lượng đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương với địa bàn rộng sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh).
Cho ý kiến về hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ 2, lần thứ 3 ở Trung ương (Điều 38, Điều 43, Điều 48 Luật hiện hành 2015), đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi chủ thể tổ chức hội nghiệp hiệp thương ở Trương ương theo hướng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ 2 ở Trung ương, riêng hội nghị hiệp thương lần thứ 3 ở Trung ương vẫn do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
“Việc quy định như trên nhằm đơn giản hóa về mặt thủ tục đối với hội nghị hiệp thương, quy trình thực hiện được nhanh gọn hơn, đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian mà vẫn bảo đảm tính dân chủ, đại diện của các cơ quan, tổ chức cũng như sự lãnh đạo của Đảng”, đại biểu Vân nêu quan điểm.
Phân tích thêm, nữ đại biểu cho biết, hiện tại, các cơ quan Mặt trận Tổ quốc đang được sắp xếp, tinh gọn, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới sẽ bao gồm đại diện các tổ chức chính trị-xã hội; vị trí, vai trò sẽ được nâng lên. Việc giao Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thực hiện vẫn bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ, đại diện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương.
Ở hội nghị hiệp thương lần thứ 3 về việc lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính kế thừa theo quy định của luật hiện hành và bảo đảm tính dân chủ rộng rãi, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, nên tiếp tục quy định Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ này.
TRUNG HƯNG (Ảnh: Media Quốc hội)