Giảm thời gian thực hiện một số bước nhưng phải chặt chẽ, công khai, dân chủ

Giảm thời gian thực hiện một số bước nhưng phải chặt chẽ, công khai, dân chủ
5 giờ trướcBài gốc
Bám sát nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Đa số ĐBQH tại Tổ 10 đều tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật phải bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, yêu cầu xây dựng dự án Luật này là cần bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đáp ứng các yêu cầu, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 10 chiều 12/5. Ảnh: Hồ Long
Đồng thời, hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.
Một số ý kiến ĐBQH bày tỏ tán thành với việc lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến HĐND cấp huyện; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử xuống còn 42 ngày; bổ sung thành phần đại diện Đoàn ĐBQH tham gia làm Ủy viên Ủy ban bầu cử ở tỉnh.
Quan tâm tới hình thức vận động bầu cử, ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình) nhất trí việc bổ sung hình thức vận động bầu cử thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến và giao Ban thường trực Ủy ban MTTQ căn cứ vào điều kiện thực tiễn để quyết định.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị, hình thức này áp dụng với việc bầu cử ĐBQH là phù hợp hơn; còn đối với việc áp dụng hình thức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến khi vận động bầu cử đại biểu HĐND cấp xã, thì nên xem xét, cân nhắc kỹ.
Lý giải cho đề xuất này, đại biểu Nguyễn Văn An cho rằng, địa bàn cấp xã, kể cả khi thực hiện sáp nhập, thì nhìn chung là hẹp, nhỏ, do đó với quy định này có thể dẫn đến tốn kém khi tổ chức.
ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Mặt khác, theo khoản 3, Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, một trong những tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là “Cư trú hoặc công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình là đại biểu HĐND”, nghĩa là cũng sinh sống hoặc công tác trong đơn vị hành chính cấp xã.
Xây dựng điều riêng về chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân
Góp ý với dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân và khai thác, sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Theo đại biểu, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo như hiện nay, thì dữ liệu có thể xem như một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng. Vì vậy, rất cần có hành lang pháp lý cho hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu minh bạch, công khai, cũng như phải bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi thu thập, khai thác, mua bán, sử dụng dữ liệu cá nhân trái phép.
Đại biểu cũng nêu rõ, thể chế hóa các quy định về dữ liệu cá nhân là vấn đề tương đối mới, không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các quốc gia; các quan hệ xã hội liên quan đến dữ liệu cá nhân có tính biến động cao, phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Vì vậy, đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị, cơ quan chủ trì cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm các quy định mang tính nguyên tắc, khái quát được các vấn đề lớn, chính sách chung, tránh đi vào các vấn đề quy trình, kỹ thuật, nghiệp vụ quá chi tiết, bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật. Đặc biệt, cần hạn chế làm phát sinh thủ tục hành chính, "giấy phép con" liên quan đến hoạt động xử lý và tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đánh giá cao dự thảo Luật đã có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị và kinh doanh dịch vụ quảng cáo, song để quy định có tính bao quát đầy đủ hơn, đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc mở rộng phạm vi theo hướng, “Việc thu thập dữ liệu cá nhân thông qua việc theo dõi website, ứng dụng báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số có kết nối Internet chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu".
ĐBQH Lê Quang Đạo (Phú Yên) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long
Về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung chủ thể “người giám hộ" cho trẻ em, bên cạnh chủ thể “người đại diện theo pháp luật” của trẻ em để phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm sự tương thích của dự thảo Luật với một số luật có liên quan như: Luật Dữ liệu; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dược; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Đồng thời, chỉnh lý một số thuật ngữ, diễn đạt chưa thực sự phù hợp với tính chất của văn bản quy phạm pháp luật, như: “kho ứng dụng di động”, “nghe lén, nghe trộm", "cookies"...
Đại biểu Phạm Nam Tiến cũng đề nghị xây dựng điều khoản riêng về chính sách của Nhà nước đối với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/giam-thoi-gian-thuc-hien-mot-so-buoc-nhung-phai-chat-che-cong-khai-dan-chu-10372196.html