Sàng lọc ứng viên ngay từ đầu
Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định ít nhất 40% tổng số ĐBQH là đại biểu chuyên trách ngay từ khâu ứng cử.
ĐBQH Trần Văn Khải (Ảnh: Media Quốc hội).
"Điều này nhằm tăng số đại biểu chuyên nghiệp, dành toàn thời gian cho công tác Quốc hội, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, giảm hợp lý đại biểu kiêm nhiệm ở cơ quan hành pháp, tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 27", ông Khải cho hay.
Về việc nâng cao tiêu chuẩn và sàng lọc ứng viên, đại biểu cho rằng cần quy định rõ tiêu chuẩn ứng cử viên (về phẩm chất, trình độ) và các trường hợp không được ứng cử để sàng lọc từ đầu.
Quy trình hiệp thương, lấy ý kiến cử tri cần minh bạch, chặt chẽ hơn, kịp thời loại bỏ những ứng viên không đủ uy tín, không xứng đáng đại diện cho dân.
"Chúng ta cần chú trọng cơ cấu để tăng tỉ lệ đại biểu trẻ tuổi. Hiện chỉ 9,4% ĐBQH khóa XV là người dưới 40 tuổi. Vì thế, cần nâng các tỉ lệ này nhằm bảo đảm cơ quan dân cử có tính đại diện đa dạng, phản ánh tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân", ông Khải nói.
Nêu ý kiến, ĐBQH Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) cho biết, cấp xã là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động bầu cử, chịu trách nhiệm điều hành, kiểm tra, giám sát.
ĐBQH Sùng A Lềnh (Ảnh: Media Quốc hội).
Trong điều kiện hiện nay đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, với đặc thù địa bàn rộng, dân số đông, tại các điểm bỏ phiếu cấp xã khối lượng công việc bầu cử hết sức nặng nề.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh theo hướng tăng số lượng thành viên ủy ban bầu cử cấp xã từ 11-19 thành viên (thay vì 9 – 15 người như dự thảo), tùy theo quy mô địa bàn, số lượng cử tri và yêu cầu thực tiễn của từng địa phương để đáp ứng yêu cầu khi triển khai công tác bầu cử.
Ngoài ra, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung yêu cầu cụ thể hơn về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, phẩm chất đạo đức của đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt là nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh và các trường hợp tự ứng cử theo hướng quy định có ít nhất 5 năm kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước, đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Ứng dụng công nghệ trong hoạt động bầu cử
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (đoàn Tp.Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh các địa phương tinh gọn bộ máy với chính quyền 2 cấp, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính cần được áp dụng và quy định trong dự thảo Luật.
Cụ thể, các địa phương tổ chức hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú có thể áp dụng cả hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Bà Thủy cho rằng, việc lập danh sách cử tri có thể sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để xác định danh sách cử tri một cách nhanh chóng, không phải làm cách thủ công như mọi khi.
Cùng với đó, việc niêm yết danh sách người ứng cử cũng có thể làm trên môi trường trực tuyến khi ứng dụng chuyển đổi số, thay vì dán công khai ở các bảng tin như trước đây.
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy.
Theo ĐBQH Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) bầu cử là một trong các lĩnh vực cần hiện đại hóa để phù hợp với Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đặc biệt trong triển khai công tác bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Lấy ví dụ, trong kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV năm 2021, Bộ Nội vụ đã triển khai phần mềm tổng hợp kết quả tại tổ bầu cử và đơn vị bầu cử trên toàn quốc, giúp rút ngắn thời gian tổng hợp từ vài ngày xuống còn vài giờ, đồng thời, tăng đáng kể tính minh bạch, kịp thời của kết quả bầu cử.
Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động bầu cử, đặc biệt trong công tác kiểm phiếu, tổng hợp kết quả bầu cử để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thời gian, kinh phí.
ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn Tp.Hà Nội) quan tâm đến quy định về khu vực bỏ phiếu. Cụ thể, dự thảo Luật đề nghị chỉnh sửa quy định về nội dung này từ UBND cấp xã xác định và UBND cấp huyện phê chuẩn chuyển sang UBND cấp xã xác định, UBND cấp tỉnh điều chỉnh.
Đại biểu cho rằng, việc bầu cử chỉ diễn ra 5 năm/lần, việc phê chuẩn khu vực bỏ phiếu là nội dung quan trọng.
"Trước đây, chúng ta giao cho cấp trên phê chuẩn, hiện nay vẫn nên để UBND cấp tỉnh phê chuẩn để bảo đảm việc xác định khu vực bỏ phiếu chính xác", ông Thịnh nói.
Với đề nghị tăng số lượng thành viên Ủy ban bầu cử, ông Thịnh đồng ý tăng từ 9 - 11 thành 9 - 15 thành viên do các xã không thay đổi về quy mô, số lượng này là phù hợp.
Liên quan quy định tham gia Ủy ban bầu cử, dự thảo Luật đã đề xuất đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tham gia Ủy viên Ủy ban bầu cử của tỉnh. Đây là nội dung mới, có sự tham gia của đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Về thời hạn giải quyết khiếu nại, dự thảo Luật quy định giảm thời hạn tiếp nhận từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, ông Thịnh cho rằng sự điều chỉnh giảm là phù hợp vì khiếu nại về kết quả bầu cử thường xác định được ngay.
Tuy nhiên, cũng tính thêm yếu tố với các trường hợp khiếu nại kéo dài thì bổ sung quy định theo cách kéo dài.
Hoàng Thị Bích