Băn khoăn về tên gọi 'kỳ họp bất thường'

Băn khoăn về tên gọi 'kỳ họp bất thường'
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 12/2, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về tên gọi "kỳ họp bất thường" của Quốc hội như thời gian qua.
Tham gia thảo luận, ĐBQH Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) cho biết, chúng ta tiến hành các kỳ họp ngoài kỳ họp thường lệ cho tới nay là kỳ họp thứ 9 và các nội dung của các kỳ họp đã trải qua đều là các chuyên đề như: Chuyên đề về tổ chức cán bộ, chuyên đề về lập pháp, giám sát, chuyên đề về tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, đến kỳ họp này vẫn sử dụng từ là "họp bất thường".
ĐBQH Lê Xuân Thân (Ảnh: Media Quốc hội).
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản 3 Điều 90 hoặc một đoạn của khoản 2 Điều 90 luật hiện hành quy định là "Ngoài trường hợp họp thường lệ và bất thường quy định tại khoản 2 điều này, Quốc hội có thể họp chuyên đề theo triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội".
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Tp.Hà Nội) đánh giá cao khi các kỳ họp bất thường thời gian qua đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng "gọi là kỳ họp bất thường nghe hơi căng". Do đó, ông cũng kiến nghị xem xét về tên gọi, có thể quy định là "kỳ họp không thường kỳ".
ĐBQH Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk) cho hay, liên quan đến tên gọi của "kỳ họp bất thường" không chỉ có các đại biểu Quốc hội băn khoăn mà qua tiếp xúc cử tri nhiều cử tri cũng băn khoăn về tên gọi này.
ĐBQH Ngô Trung Thành (Ảnh: Media Quốc hội).
Hiến pháp quy định Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Như vậy, Hiến pháp quy định ngoài 2 kỳ họp thì Quốc hội họp bất thường, Hiến pháp không quy định tên gọi cụ thể là "kỳ họp bất thường".
Do vậy, ông Thành kiến nghị bên cạnh quy định đối với 2 kỳ họp thường lệ thì Quốc hội có thể họp các kỳ họp không thường lệ, thậm chí có thể đánh số thứ tự kỳ họp.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, nhiệm kỳ này Quốc hội tiến hành 9 kỳ họp không thường kỳ xử lý những vấn đề rốt ráo, quan trọng của đất nước nhằm giải phóng nguồn lực trong phát triển đất nước và những nhiệm vụ khác.
"Cái gì bất thường nhiều cũng thành bình thường. Nếu có thể đổi tên từ "bất thường" thành chuyên đề thì nhẹ nhàng, để mỗi khi họp trở thành công việc bình thường của Quốc hội trong giải quyết vấn đề quan trọng của đất nước", ông Mai nói.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho rằng tên gọi "kỳ họp bất thường" thể hiện được ý nghĩa của phiên họp, có nghĩa phiên họp đang giải quyết các điểm nghẽn.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Ảnh: Media Quốc hội).
"Hiện nay "điểm nghẽn của điểm nghẽn" là thể chế. Gọi "bất thường" để giải quyết những vấn đề thực sự không thể chờ đến kỳ họp thường kỳ mới làm được và nhắc nhở rằng vấn đề về thể chế còn nhiều điều cần nghiên cứu, chất lượng phải được nâng lên.
"Vấn đề đưa ra phải giải quyết và giải quyết sớm, ngay và gấp, các cơ quan làm ngày, làm đêm. Tôi thấy không có gì đáng phải suy nghĩ ở từ "kỳ họp bất thường" này. Còn hy vọng của cử tri và đại biểu là ngày càng giảm bớt kỳ họp bất thường, vì khi đó hệ thống pháp luật đã cơ bản hoàn thiện", đại biểu Hạ cho hay.
Giải trình, làm rõ ý kiến các ĐBQH nêu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết như một số đề xuất, nếu dự thảo luật quy định về kỳ họp không thường kỳ hay kỳ họp chuyên đề thì không vướng quy định của Hiến pháp hiện nay.
Ông Tùng cho biết ban soạn thảo ghi nhận các ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu làm rõ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Hoàng Thị Bích
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ban-khoan-ve-ten-goi-ky-hop-bat-thuong-204250212200923363.htm