ĐB Quốc hội: để thực hiện phân cấp, phân quyền, cần tăng quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội

ĐB Quốc hội: để thực hiện phân cấp, phân quyền, cần tăng quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội
4 giờ trướcBài gốc
Ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết nhanh gọn hơn
Bày tỏ quan điểm về việc hoàn thiện sửa đổi luật lần này, trong đó có việc sắp xếp lại các tổ chức bộ máy của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) tán thành với chủ trương phân định rõ thẩm quyền giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước khác.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) tán thành với chủ trương phân định rõ thẩm quyền giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước khác
Tuy nhiên, theo đại biểu, để thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, cần mạnh dạn tăng quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều này có thể bao gồm việc bổ sung quyền hạn, như trong các dự án quan trọng quốc gia, những vấn đề liên quan đến ngân sách, diện tích đất rừng phòng hộ, những quyết định đã được Quốc hội quy định từ trước.
“Nếu chủ trương đầu tư các dự án đã có, Quốc hội đã quyết định rồi, thì những việc tăng thêm này có thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng cũng cần mạnh dạn ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết nhanh gọn hơn” - đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ nêu quan điểm.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho hay, Quốc hội cần có cơ chế để đánh giá lại các quyết sách quan trọng, để đảm bảo rằng các quyết định không chỉ mang lại lợi ích quốc gia mà còn tránh những thiệt hại về chi phí. Theo đó, nên có một điều khoản quy định rõ ràng về trách nhiệm và cơ chế kiểm soát đối với các quyết định quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác của Quốc hội, đồng thời giúp kiểm soát và đánh giá chính xác các quyết định của cơ quan quyền lực Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) thảo luận ở hội trường
Băn khoăn về tên gọi “kỳ họp bất thường”
Hoan nghênh việc Quốc hội tiến hành các kỳ họp không thường kỳ để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, “gọi là kỳ họp bất thường nghe hơi căng”, đại biểu đồng tình quan điểm nên gọi “kỳ họp không thường kỳ”.
“Với Quốc hội thì khi nào Nhân dân cần, đất nước cần thì họp. Họp hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm thời gian” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành thảo luận ở hội trường
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành chia sẻ, không chỉ đại biểu Quốc hội mà nhiều cử tri cũng băn khoăn với tên gọi “kỳ họp bất thường”. Hiến pháp quy định Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ và các điều kiện để họp bất thường chứ không quy định tên gọi cụ thể là “kỳ họp bất thường”.
“Do vậy, lần này sửa luật là dịp để cụ thể hóa, quy định bên cạnh 2 kỳ họp thường lệ thì Quốc hội họp các kỳ không thường lệ, thậm chí có thể đặt tên số thứ tự kỳ họp. Kỳ này nên giải quyết dứt điểm tên gọi” – đại biểu Ngô Trung Thành nêu quan điểm.
Bày tỏ đồng tình cao với các đại biểu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai khẳng định nhiệm kỳ này Quốc hội tiến hành 9 kỳ họp không thường kỳ đã giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng, góp phần giải phóng nguồn lực của đất nước.
“Cái gì bất thường nhiều cũng thành bình thường. Nếu có thể đổi tên từ “bất thường” thành chuyên đề thì nhẹ nhàng, để mỗi khi họp trở thành công việc bình thường của Quốc hội trong giải quyết vấn đề quan trọng của đất nước”- theo đại biểu Dương Khắc Mai.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Huy Thái kiến nghị xem xét tên gọi phù hợp hơn hoặc bổ sung quy định tên gọi “kỳ họp chuyên đề”.
Hồng Thái
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/db-quoc-hoi-de-thuc-hien-phan-cap-phan-quyen-can-tang-quyen-cho-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi.html