Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 12/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Đã bám sát quan điểm chỉ đạo về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật
Thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Đắk Lắk và Hậu Giang về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu tán thành việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội như đã nêu trong Tờ trình.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13.
Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, các đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi này cần tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Liên quan đến dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực, nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định.
Dự thảo Luật đã bám sát quan điểm chỉ đạo về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Luật chỉ quy định vấn thuộc thẩm quyền Quốc hội, bỏ tư duy không quản được thì cấm; chuyển thẩm quyền quyết định Chương trình lập pháp hằng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật của cơ quan trình; tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến Chương trình lập pháp…
Bộ trưởng, Trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật
Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trình tại Kỳ họp này giảm 101 điều là nhờ rút các quy định liên quan đến nghị định, thông tư ra khỏi Luật theo đúng quan điểm những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sau này Chính phủ sẽ quy định; qua đó tạo thuận lợi cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế, xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 13.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Kinh tế - xã hội diễn biến thường xuyên, việc điều hành vừa qua có những vướng mắc do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, chúng ta sửa Luật này sẽ là trụ cột cho việc xây dựng các luật mới cũng như sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm đúng thẩm quyền.
Nêu thực tế, trước đây có những dự luật cơ quan trình mới chỉ đáp ứng được 50-60% yêu cầu đã chuyển sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khiến các cơ quan của Quốc hội hết sức vất vả; có những dự luật, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội ngồi họp 7- 8 cuộc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tới đây phải tăng cường vai trò của cơ quan trình luật.
“Nhiều lần tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp của Thường vụ, tôi nói Bộ trưởng, Trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật của cơ quan mình, không thể giao cho Thứ trưởng, không thể giao Vụ trưởng...” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình, đổi mới căn bản quy trình lập chương trình xây dựng pháp luật để bảo đảm sự linh hoạt, kịp thời phản ứng chính sách. Luật sửa đổi tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi chương trình lập pháp hằng năm để giao cho Chính phủ hoặc cơ quan trình chịu trách nhiệm nghiên cứu, thông qua chính sách làm cơ sở cho việc quy phạm hóa văn bản luật trước khi trình Quốc hội. Cùng với đó, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình lập pháp hằng năm theo nguyên tắc chỉ đưa vào chương trình những dự án được Chính phủ hoặc cơ quan trình xây dựng bảo đảm chất lượng.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí định hướng đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng nhưng chỉ quy định chung theo hướng tại kỳ họp sẽ thảo luận các vấn đề có ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng một vấn đề cần quan tâm là phải xác định rõ hồ sơ, trình tự thủ tục như thế nào giữa việc ban hành thông qua trong 1 kỳ họp hay 2 kỳ họp.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong năm nay cũng như nhiệm kỳ sau…
Vũ Cảnh