Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường

Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường
5 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết kỳ họp bất thường lần này có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội XIV của Đảng; bầu cử ĐBQH Khóa 16 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Các ĐBQH tham dự Kỳ họp
Quốc hội dự kiến làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12/2 đến ngày 19/2, kể cả ngày Thứ Bảy. Trong thời gian diễn ra, Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"; giảm đầu mối, xóa bỏ cấp trung gian, phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo hiến định, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Ngay sau phiên khai mạc, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, các đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi này cần tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Các ĐBQH Lâm Đồng tham gia thảo luận tại tổ tại Kỳ họp bất thường
Liên quan đến Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các ĐBQH đánh giá cao việc Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực, nỗ lực, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị Hồ sơ Dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định.
Dự thảo Luật đã bám sát quan điểm chỉ đạo về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng: Luật chỉ quy định vấn thuộc thẩm quyền Quốc hội, bỏ tư duy không quản được thì cấm; chuyển thẩm quyền quyết định chương trình lập pháp hàng năm từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định về việc chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án luật của cơ quan trình; tách quy trình chính sách ra khỏi quy trình lập dự kiến chương trình lập pháp…
Tại Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) được bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương, 101 điều so với Luật năm 2015). Số điều giảm đi, rút khỏi luật là những quy định về nghị định, thông tư, thực hiện theo đúng quan điểm mới về xây dựng pháp luật là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quy định, còn Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, thông tư để chủ động điều hành.
Quang cảnh Kỳ họp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hướng tới là phải tăng cường vai trò của cơ quan trình; cơ quan trình phải chịu trách nhiệm đến cùng.
"Trước đây, cơ quan trình làm 50 - 60% rồi đưa sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải vào cuộc rất vất vả. Có luật, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội phải ngồi 7 - 8 cuộc. Tôi đã nhắc nhở trong các cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng bộ trưởng, trưởng ngành phải chịu trách nhiệm đến cùng trong xây dựng luật; không thể giao cho thứ trưởng, vụ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
* ĐBQH Đoàn Lâm Đồng đã tích cực tham gia thảo luận tại tổ về các dự án luật.
Đại biểu Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phụ trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia góp ý thảo luận về dự án luật
Đại biểu Lâm Văn Đoan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, Phụ trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tán thành các nội dung sửa đổi và báo cáo thẩm tra của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tuy nhiên, lần đầu tiên luật sử dụng từ "tham vấn", cần tiếp tục làm rõ tính chất, nội hàm, khái niệm.
Về Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có nhiều nội dung mới, đại biểu Lâm Văn Đoan bày tỏ băn khoăn về việc cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo của các lãnh đạo Đảng chưa được cụ thể, cần phân định rõ về thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, cần rõ ràng, minh bạch hơn. Khoản 4 Điều 61 quy định thẩm quyền Chủ tịch nước, cân nhắc thêm thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thể hiện vị trí, vai trò, đối tượng trên.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội góp ý thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Tạo - Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội góp ý về Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, bày tỏ băn khoăn vấn đề trách nhiệm xin ý kiến của các cơ quan Đảng như thế nào, cần quy định rõ chế định xin ý kiến. Luật lần này giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản, cần cụ thể hóa về giải thích luật tại khoản 2 Điều 72 của Hiến pháp vào Điều 59 đối với UBTVQH.
Về trách nhiệm của Quốc hội cần phân định quyền hạn các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đề nghị chuyển chức năng tôn giáo của Ủy ban văn hóa giáo dục sang Ủy ban Dân tộc tôn giáo, đề nghị nên duy trì như cũ, giao cho Ủy ban Văn hóa Giáo dục vì đặc điểm tôn giáo ở nước ta rất phức tạp.
ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Lâm Đồng Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội góp ý về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Về khái niệm "tham vấn chính sách" lần đầu tiên đưa vào văn bản pháp luật nhưng phạm vi đưa vào là khá hẹp, ví dụ như tại khoản 3 Điều 2 giới hạn cơ quan nhà nước, người được đưa tham vấn phải là chuyên gia, nhà khoa học, người có chuyên môn sâu, nên cần mở rộng khái niệm. Cơ quan chủ trì tham vấn chính sách thì nên quy định cơ quan nào xây dựng phải là cơ quan chủ trì.
Mối quan hệ giữa quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật: Công đoạn xây dựng chính sách quy định rất rõ, quy trình chặt chẽ thì sau này quy trình soạn thảo sẽ gọn gàng hơn. Tuy nhiên, băn khoăn việc một chính sách có thể chia ra nhiều chính sách, việc xác định phạm vi chính sách quá lớn, không biết được kết quả xây dựng chính sách đến đâu mà giảm tải quy trình soạn thảo văn bản Quy phạm pháp luật đi thì chất lượng sẽ giảm, cần thảo luận kỹ hơn.
Tại Khoản 1 Điều 43 quy định thẩm quyền Chủ tịch nước công bố luật, pháp lệnh theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định thời gian 5 ngày, tuy nhiên theo Hiến pháp là 10 ngày, đề nghị xem xét.
Về Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật tổ chức Quốc hội: Khoản 2 Điều 5 quy định làm luật, sửa đổi luật, liên quan đến quyền công dân thì quy định cụ thể, liên quan đến quản lý nhà nước thì chung chung. Nếu phân định như vậy thì tính khái quát chưa đủ, chưa thực tế, cần nghiên cứu sâu, kỹ hơn, bao quát hơn.
NGUYỆT THU
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/chinh-tri/202502/quoc-hoi-khoa-xv-khai-mac-ky-hop-bat-thuong-d1b650b/