Nêu quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, việc sửa đổi luật thể hiện tinh thần mới trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng ngắn ngọn nhưng vẫn đầy đủ, là mô hình mẫu hình để xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Về việc tổ chức các kỳ họp bất thường, các đại biểu cho rằng, nội dung của các kỳ họp bất thường đều là các nội dung chuyên đề nhưng vẫn sử dụng cụm từ "kỳ họp bất thường" là chưa phù hợp. Qua nghiên cứu, đại biểu cho biết, theo quy định, ngoài 2 kỳ họp thường kỳ trong năm có thể tổ chức các cuộc họp chuyên đề về pháp luật, về tổ chức cán bộ… Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 90 nội dung: ngoài kỳ họp thường lệ và bất thường, Quốc hội có thể họp chuyên đề theo triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp và hoạt động thực tiễn của Quốc hội khi cần giải quyết nhanh, hiệu quả, kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu.
Quan tâm đến quy định về việc Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, khoản 1 Điều 88 quy định Quốc hội có thể thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc báo cáo, dự án khác hoặc điều tra làm rõ về một vấn đề cụ thể khi xét thấy cần thiết. Tuy nhiên, quy định này chưa nêu rõ tiêu chí nào để xác định "cần thiết", có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng hoặc khó triển khai trong thực tế. Chưa có quy định về thời gian tối đa hoạt động của Ủy ban lâm thời, dễ dẫn đến kéo dài không cần thiết.
Do đó, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 88 theo hướng quy định rõ hơn tiêu chí và điều kiện thành lập Ủy ban lâm thời. Cụ thể, dự thảo Luật cần quy định Ủy ban lâm thời được Quốc hội thành lập khi có yêu cầu cấp thiết, phục vụ thẩm tra các dự án luật, nghị quyết có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý hoặc cần điều tra một vấn đề nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quyền lợi của công dân. Đồng thời, bổ sung thời hạn hoạt động tối đa của Ủy ban lâm thời theo hướng “Thời gian hoạt động của Ủy ban lâm thời không quá 12 tháng, trừ trường hợp Quốc hội quyết định gia hạn do tính chất phức tạp của vụ việc”.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu.
Đại biểu cũng đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 88 để bổ sung cơ chế phản ứng nhanh theo hướng bổ sung quy định là “Ngoài việc thành lập theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đề xuất thành lập Ủy ban lâm thời trong các tình huống cấp bách để điều tra các vấn đề nghiêm trọng có ảnh hưởng lớn đến quốc gia. Quyết định này phải được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất”.
Ngoài ra, đại biểu đề xuất cân nhắc bổ sung vào Điều 89 quyền hạn của Ủy ban lâm thời: Ủy ban lâm thời có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung điều tra. Ủy ban lâm thời có quyền triệu tập các cá nhân, tổ chức liên quan để làm việc, yêu cầu giải trình. Khi cần thiết, Ủy ban lâm thời có thể đề xuất Quốc hội tạm đình chỉ công tác của cán bộ có liên quan trong quá trình điều tra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm hợp tác với Ủy ban lâm thời. Việc từ chối cung cấp thông tin hoặc không hợp tác phải được báo cáo Quốc hội và có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu.
Về cơ cấu của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, có ý kiến cho rằng, việc thành lập các Tiểu ban chuyên môn là cần thiết. Thực tế hoạt động Đại biểu chuyên trách cho thấy, hoạt động của các Tiểu ban hay Thường trực Tiểu ban hoặc các Nhóm Nghiên cứu là rất hiệu quả. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hợp nhất, sáp nhập nhiều Ủy ban hiện nay có hơn 70 thành viên, Thường trực Ủy ban có tới 20 thành viên, với phạm vi chức năng, nhiệm vụ rất rộng. Khi đó, càng cần thiết phải thành lập các tiểu ban chuyên môn sâu, có sự huy động trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học bên ngoài Quốc hội. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm, việc bỏ thiết chế này cần được tổng kết, đánh giá toàn diện, đề nghị Quốc hội xem xét kế thừa quy định về Tiểu ban như quy định của Luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình.
Thay mặt Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan tới quy định về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước (Điều 5); đổi mới cách thức quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; vấn đề thành lập tiểu ban; tên gọi Kỳ họp bất thường; Ủy ban lâm thời... Trong đó, về việc phân định thẩm quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh việc quy định như dự thảo là cần thiết và phù hợp, đáp ứng yêu cầu và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.
Liên quan tới quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; còn việc thành lập từng Ủy ban cụ thể do Quốc hội quyết định căn cứ vào chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước trong từng thời kỳ nhằm bảo đảm tính ổn định, lâu dài của Luật...
Thiên An