Không chỉ bó hẹp ở khu vực thành thị, những năm gần đây, với hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân ngày càng nâng cao, hàng loạt chuỗi cửa hàng tự chọn, siêu thị mini xuất hiện “nở rộ”, tràn về khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, giúp người tiêu dùng có thêm kênh mua sắm hàng hóa, đồng thời, thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.
Các cửa hàng tiện ích tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) phát triển nở rộ, góp phần đưa tiêu dùng hiện đại về với vùng nông thôn. Ảnh: Đức Chung
Vài năm trở lại đây, nhờ hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trên địa bàn xã Quang Sơn (Lập Thạch) mua bán và giao thương hàng hóa.
Dọc theo tuyến đường về trung tâm xã, các loại hình thương mại, dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng, phong phú từ chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đến tạp hóa tự chọn...
Nằm ngay tuyến đường trục chính của xã, Trung tâm mua sắm Thành Linh có diện tích mặt bằng lên tới 1.500 m2 của gia đình chị Lê Thị Thùy Linh thu hút khá nhiều người dân đến mua sắm.
Theo chia sẻ của chị Linh, nhận thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa với xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng của người dân trên địa bàn xã và các địa phương lân cận ngày càng tăng cao, gia đình đã đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm với hàng nghìn mặt hàng được bày bán từ văn phòng phẩm cho tới các loại thực phẩm thiết yếu và tích hợp nhiều hình thức thanh toán hiện đại. Được khách hàng tin tưởng, lựa chọn, hoạt động của trung tâm mua sắm đã nhanh chóng đi vào ổn định, đang tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương.
Mặc dù chịu sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu, đơn vị bán lẻ, song, với phương châm "Giá luôn luôn rẻ", mặt hàng phong phú, đa dạng, mở cửa linh hoạt, chuỗi siêu thị mini mang thương hiệu Tata Mart của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Nhật Quỳnh, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) rất thành công, chinh phục nhiều người tiêu dùng không chỉ ở khu vực thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên mà còn ở nhiều vùng quê.
Được biết, bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đa dạng các sản phẩm, tại tất cả các cửa hàng đều cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu, tạo sự tiện lợi khi mua sắm cho người tiêu dùng nông thôn.
Với doanh thu tăng lên qua 7 năm, đơn vị này đã và đang tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng lên 14 cửa hàng phân bổ ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, ứng dụng các phương thức thanh toán hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm tiện ích của người tiêu dùng.
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, chuỗi cửa hàng trên địa bàn tỉnh phát triển hiện đại theo đúng quy hoạch, góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Đặc biệt là tại các khu vực nông thôn - thị trường đầy tiềm năng khi cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư hiện đại từ các chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, làng văn hóa kiểu mẫu cùng thu nhập của người dân được tăng lên đáng kể đã tạo sức hút cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư hệ thống chuỗi cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 76 chuỗi cửa hàng tự chọn Winmart+, 14 cửa hàng Tatamart... và nhiều loại hình mua bán tự phục vụ khác được mở ra ở các địa phương trong tỉnh.
Với nhiều chương trình khuyến mãi, hàng hóa phong phú, nhiều chủng loại cùng chất lượng kinh doanh dịch vụ ngày càng được cải thiện, tận tâm, chuyên nghiệp, việc phát triển kênh bán lẻ hiện đại ở nông thôn không chỉ giúp các doanh nghiệp, đơn vị gia tăng thị phần, doanh thu mà còn thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ ở các khu vực này ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống ngày càng cao của người dân.
Tuy nhiên, để có thể trụ vững và khai phá tiềm năng, nâng cao sức cạnh tranh ở các vùng nông thôn không phải là điều dễ dàng khi ở nhiều địa phương, thói quen mua sắm truyền thống ở các chợ, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ vẫn khá phổ biến.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đầu tư kênh bán lẻ hiện đại cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dân, vị trí, địa điểm cửa hàng, siêu thị để lựa chọn mặt hàng kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, vừa giúp tối ưu hóa chi phí, vừa thu lợi nhuận.
Đồng thời luôn đảm bảo nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, chất lượng sản phẩm đi kèm giá thành, phát triển các dịch vụ, tiện ích... tạo sự tiện lợi khi mua sắm cho người tiêu dùng nông thôn, xây dựng các miền quê văn minh, hiện đại, đáng sống.
Nguyễn Hường