Từ “vùng trũng” trở thành trọng tâm
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn vào năm 2025 đã đạt 6,7 triệu đồng/tháng. Với hơn 60 triệu dân sinh sống tại nông thôn, chiếm khoảng 65% dân số cả nước, khu vực này đang nổi lên như một động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Phương, CEO WinCommerce (thuộc Masan Group) - đơn vị sở hữu WinMart/WinMart+, ước tính thị trường bán lẻ nông thôn có giá trị tới 50 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện còn ít nhà bán lẻ chuyên nghiệp tham gia vào thị trường này do thu nhập và chi tiêu của người dân nông thôn còn thấp. Đó là lý do mà khu vực này đang cần một mô hình bán lẻ mới mẻ và hiệu quả.
Nhu cầu tại khu vực nông thôn không còn dừng lại ở các mặt hàng thiết yếu, mà đang mở rộng sang thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm gia dụng, chăm sóc cá nhân và cả dịch vụ tiện ích. Đáng chú ý, hơn 80% doanh số bán lẻ thực phẩm tại nông thôn là nhóm thực phẩm tươi sống, đây là mặt hàng đang được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua tại các điểm bán hiện đại.
Theo báo cáo của Nielsen, người tiêu dùng nông thôn ngày càng ưu tiên sản phẩm có thương hiệu rõ ràng và chất lượng đảm bảo, không chỉ tập trung vào giá rẻ. Các chuỗi bán lẻ có thể tận dụng điều này bằng cách cung cấp thực phẩm tươi sống với nguồn gốc minh bạch để tạo lợi thế với các chợ dân sinh truyền thống.
Những thay đổi về thu nhập, hành vi tiêu dùng và cơ sở hạ tầng đang biến khu vực nông thôn trở thành trọng tâm trong chiến lược mở rộng của ngành bán lẻ. Thay vì chỉ tập trung ở đô thị lớn với chi phí cao và mức độ cạnh tranh gay gắt, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng về nông thôn - nơi dư địa phát triển còn lớn và ít bị chi phối bởi các mô hình hiện đại.
Một tên tuổi khác cũng đang từng bước tiếp cận thị trường nông thôn là Bách Hóa Xanh. Đơn vị này chọn cách tiếp cận thận trọng hơn. Vào cuối năm ngoái, sau năm đầu có lãi, Bách Hóa Xanh đã mở rộng ra miền Trung với 15 cửa hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Các cửa hàng được đặt gần chợ để thu hút khách quen mua sắm truyền thống. Trước đó, Bách Hóa Xanh cũng hiện diện tại địa bàn các huyện miền Tây.
Cùng hướng đến khu vực nông thôn, Saigon Co.op lại chọn cách đi riêng biệt. Doanh nghiệp cho biết, họ tập trung phát triển cửa hàng mới ở tuyến huyện, vùng ngoại thị như dự án Co.opmart Chợ Mới (An Giang) và SenseMarket - Co.opmart Cái Bè (Đồng Tháp), hướng đến mục tiêu 900 điểm bán.
Bài toán tiếp cận người tiêu dùng mới
Trong số các mô hình bán lẻ đang được triển khai tại khu vực nông thôn, minimart (cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ) đang chứng minh sự phù hợp và hiệu quả. Với diện tích dao động khoảng 100-500m², tập trung vào 3.000-4.000 mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống và sản phẩm tiêu dùng nhanh, minimart đáp ứng tốt thói quen mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng nông thôn vốn quen di chuyển bằng xe máy và ưu tiên sự tiện lợi, gần nhà.
Theo dữ liệu từ chứng khoán Vietcap, giai đoạn 2016-2023, mô hình minimart ghi nhận mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 45%, vượt xa mức trung bình 11% của toàn ngành bán lẻ thực phẩm hiện đại. Sự linh hoạt về quy mô đầu tư, khả năng tiếp cận nhanh với cộng đồng dân cư và thiết kế tối ưu cho không gian nông thôn là những yếu tố giúp mô hình này tăng trưởng mạnh.
Từ năm 2024 đến nửa đầu năm 2025, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai mô hình minimart tại nông thôn, với tốc độ mở mới trung bình là 2 cửa hàng mỗi ngày tại các huyện, thị trấn và xã vùng ven. Có chuỗi bán lẻ đạt trên 1.500 cửa hàng vùng nông thôn chỉ sau chưa đầy 6 tháng đầu năm 2025, vượt 80% kế hoạch năm và cho thấy lợi nhuận ngay trong quý II.
Cùng với đó, chuyển đổi số cũng đang là yếu tố giúp tăng tốc hoạt động bán lẻ ở khu vực nông thôn. Các nền tảng bán hàng trực tuyến, chương trình khuyến mãi qua ứng dụng, phương thức thanh toán không tiền mặt, livestream bán hàng… đang dần phổ biến, kể cả tại các huyện, xã.
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến đạt doanh thu 25 tỷ USD vào năm 2025, với sự đóng góp lớn từ các khu vực nông thôn. Các chuỗi bán lẻ cần tận dụng xu hướng này bằng cách triển khai mua hàng online, giao tận nơi.
Việt Nam đang có gần 60 triệu người tiêu dùng nông thôn - một con số đủ sức hấp dẫn để tạo nên cuộc đua chiến lược mới trong ngành bán lẻ. Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh mô hình minimart, kết hợp số hóa và mở rộng hệ thống vào các vùng xa không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh, mà còn góp phần hiện đại hóa thói quen tiêu dùng tại nông thôn. Tuy còn nhiều rào cản về logistics, hạ tầng và dữ liệu, nhưng nếu được tháo gỡ đồng bộ, thị trường nông thôn sẽ là động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn 2025-2030, thay vì chỉ là “phần còn lại” trong chiến lược bán lẻ như trước đây.
Thái Thu