Bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn - TP.HCM: Cần giải pháp đột phá từ Trung ương

Bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn - TP.HCM: Cần giải pháp đột phá từ Trung ương
13 giờ trướcBài gốc
50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM luôn khẳng định vị thế trung tâm đổi mới và đầu tàu kinh tế của cả nước. Thu ngân sách của thành phố chiếm 1/3 của cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vai trò "đầu tàu" của TP.HCM đang có dấu hiệu suy giảm và dường như đang bị kìm nén sự sáng tạo, đột phá. Vậy làm thế nào để khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo của TPHCM trong giai đoạn đổi mới tiếp theo? Bài cuối trong loạt bài "Khơi dậy bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn - TP.HCM" sẽ phân tích rõ hơn.
Đầu tàu mất động lực vì thể chế
Kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM luôn giữ vị trí chiến lược trong phát triển đất nước. Điều này được thể hiện qua các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, từ Nghị quyết số 01 năm 1982 đến Nghị quyết số 20 năm 2002, Nghị quyết số 16 năm 2012 và mới đây nhất là Nghị quyết 31 ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
TP.HCM phải là thành phố lớn nhất, đầu tàu, động lực dẫn dắt kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học, đổi mới sáng tạo, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới…. đó là trách nhiệm, sứ mệnh của lịch sử.
Và 50 năm qua, TP.HCM vẫn luôn dẫn đầu về đóng góp kinh tế cho cả nước, nhưng so với sự phát triển chung, vai trò đầu tàu của thành phố đang suy giảm.
Theo chuyên gia kinh tế -Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, trong giai đoạn đầu đổi mới, các sáng kiến đều xuất phát từ TP.HCM, nhưng hiện nay điều này không còn nữa. Động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố đang yếu dần.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đang yếu dần
Khoảng 15 năm trước, khi thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đã từng đặt vấn đề, nếu TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ không làm được, cả nước không làm được.
Thực tế đến nay, TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ chưa thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng này, và cả nước cũng vậy. Nguyên nhân là do thành phố đã mất đi tính năng động, sáng tạo, mất đi cái dám nghĩ, dám làm.
"Rõ ràng, thể chế đang kìm hãm sự đổi mới sáng tạo. Thể chế đang kìm hãm cách nghĩ khác, cách làm khác để đưa TP.HCM đi lên. Lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân TP.HCM hiểu, điều gì đang "kìm" vùng này, nên chưa thể bứt phá lên được", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung phân tích.
Từ rào cản thể chế đến nỗi lo của cán bộ
Vùng đất của đổi mới sáng tạo, nhưng tinh thần này của TP.HCM đang chững lại, trùng xuống. Nguyên nhân của rất nhiều nguyên nhân, đó là những “rung lắc” về công tác cán bộ khiến cho TP.HCM từ lãnh đạo đến người dân, doanh nghiệp không dám nghĩ khác, làm khác.
Bộ Chính trị có Kết luận số 14, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chính phủ có Nghị định số 73 năm 2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, nhưng thực tế triển khai vẫn chưa “khôi phục” được tinh thần của Thành phố.
TP.HCM đang chuẩn bị cho những tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tại một hội nghị về công tác tổ chức cán bộ, tinh gọn bộ máy tổ chức cuối năm 2024 tại TP.HCM, lãnh đạo một Quận của TP.HCM bày tỏ trăn trở: "Trên từng lĩnh vực mà cán bộ được tham mưu được phân công phụ trách, anh em mình ngại lắm, thật sự những cuộc làm việc, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, liên quan đến quá trình tham mưu, cán bộ ngại sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Ngại khi mà kết luận đó thực hiện, ai là người bảo vệ mình và mô hình đó chưa thực sự rõ ràng".
Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng phân tích, đổi mới là “phá rào”, là làm những gì chưa có trong tiền lệ. Và đổi mới phải gắn liền với công tác bảo vệ cán bộ.
Nhắc lại câu chuyện của ông Nguyễn Thành Danh-nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, sau đại dịch COVID-19, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của các địa phương đa số bị truy tố, xét xử do những sai sót trong quá trình làm việc, riêng ông Danh sau khi bị xét xử thì đã được tuyên miễn trách nhiệm hình sự.
Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, khi tình hình không còn ở trạng thái bình thường, ông Danh đã chấp nhận ký để Công ty Việt Á trúng thầu bán kít xét nghiệm. Bởi lẽ, nếu không làm, ông sẽ có lỗi với nhân dân. Điều đáng nói là, ông đã làm trái với chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng ông không nhận tiền của doanh nghiệp.
"Những con người đó, nhiều khi cần phải tuyên dương, bởi vì họ dám làm vì mục tiêu của Đảng ta, vì Nhân dân. Chúng ta bị rơi vào tình trạng là chúng ta xây dựng cơ chế, và chính những cơ chế đó ràng buộc chúng ta. Chúng ta tự lấy đá ghè vào chân của chúng ta", PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
Cú hích tạo đà từ Trung ương để TP.HCM bứt phá
TP.HCM đang chuẩn bị cho những tiền đề để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, ngoài định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như đã nêu trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, TP.HCM đã được Trung ương trao thêm Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng trung tâm tài chính ở TP.HCM.
Tiến sĩ Trần Du Lịch
Trên nền tảng đó, TP.HCM cũng được phân cấp phân quyền theo Nghị quyết 98 để triển khai phát huy có dư địa để ban hành cách chính sách để huy động nguồn lực phát triển.
"TP.HCM đang triển khai Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt Kết luận Bộ Chính trị 121, 127 về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp, cải cách hành chính, tổ chức lại nền công vụ địa phương, hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương…Đây là một trong những cơ sở để thành phố phát huy hơn nữa sự chủ động trong phát triển và huy động nguồn lực. Một loạt vấn đề này là cơ hội để TP.HCM tự mình vươn lên", TS Trần Du Lịch cho biết.
TP.HCM đang đứng trước những điều kiện rất cụ thể để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí đầu tàu kinh tế của đất nước, song vấn đề cần đặt ra là, làm thế nào để huy động, phát huy được sức bật của con người TP.HCM, những con người dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, dám đột phá?
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng, thời kỳ sau giải phóng đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, tính độc lập của từng địa phương rất lớn, TP.HCM và các tỉnh phía Nam làm, không thể chờ Trung ương. Nhưng bây giờ, là thời điểm khác và quyết tâm đó, tư duy dám nghĩ, dám làm không chỉ dừng lại ở TP.HCM mà phải xuất phát từ Trung ương.
"Bây giờ tinh thần quyết tâm đó, không phải dừng lại ở thành phố mà phải lên tới Trung ương, chứ mỗi thành phố cũng không làm được. Bây giờ chuyện này càng lúc càng lớn, cho nên thành phố cũng trở thành một cấp trung gian. Thời kỳ giải phóng, TP.HCM vừa qua cuộc chiến tranh, nhiều quyết tâm không chờ Trung ương. Bây giờ thì khác, phải từ Trung ương, Trung ương phải chịu trách nhiệm cho chuyện đó", ông Phan Chánh Dưỡng nói.
TP.HCM sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
Nhìn lại chặng đường 50 năm có thể khẳng định rằng, TP.HCM đổi mới, sáng tạo là nhờ những con người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Phía sau họ, luôn có những lãnh đạo quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Nhờ đó đã tạo nên sự đồng lòng vì sự phát triển của thành phố, của đất nước.
Trong giai đoạn đổi mới đất nước, để phát huy tinh thần ấy, không chỉ có vai trò lãnh đạo TP, mà đòi hỏi những giải pháp mang tính đột phá từ Trung ương. Điều này đồng nghĩa với việc, lãnh đạo Trung ương cũng phải thực sự dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng tạo điều kiện để TP.HCM bứt phá. Có như vậy thì "đầu tàu" TP.HCM mới có thể lấy lại vị thế vốn có của mình để vững vàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Việt Đức-Hà Khánh-Vinh Quang/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/ban-linh-tien-phong-cua-nguoi-sai-gon-tphcm-can-giai-phap-dot-pha-tu-trung-uong-post1163832.vov