Tư duy cần nhất là mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh

Tư duy cần nhất là mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh
một ngày trướcBài gốc
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội cho rằng, nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân cần đạt được yêu cầu đột phá trong giải pháp và cách làm, để nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội.
Là người tham gia thiết kế, xây dựng hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hơn 20 năm qua, ông chờ đợi gì ở nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân?
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế. Sự kỳ vọng ngày càng lớn hơn đang đặt lên vai khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khi thời gian để đạt các mục tiêu đến năm 2030 và năm 2045 của nền kinh tế không còn nhiều.
Thời gian ít, mục tiêu lớn lao, đòi hỏi nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân vừa phải xác định rõ nhận thức về vai trò “quan trọng nhất” của khu vực kinh tế tư nhân trong tăng trưởng; vừa đảm bảo tốc độ thực thi.
Thời điểm này, theo quan điểm của tôi, là không thể từ từ, chậm trễ trong cả nhận thức và thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Có thể thấy một chặng đường không hề ngắn để khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ bị hạn chế trước Đổi mới, được chấp nhận và hiện đã được khẳng định là động lực quan trọng, một thành phần kinh tế quan trọng, phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Trong quá trình này, có nhiều chỉ đạo, nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển khu vực này.
Cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp thì nhiều, giải pháp đa dạng, phủ khắp, như Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các giải pháp, chính sách ưu đãi doanh nghiệp trong các luật chuyên ngành… Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với hệ thống giải pháp đồng bộ.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn lại, đã có những đánh giá cho thấy, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được, như mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, tỷ trọng đóng góp trong GDP, số doanh nghiệp thực hiện đổi mới, sáng tạo...
Không những thế, khu vực kinh tế tư nhân còn chưa đạt kỳ vọng của nền kinh tế, cả hiện tại và trong các định hướng, chiến lược phát triển giai đoạn tới, dù sự phát triển của khu vực này giai đoạn vừa qua đã chứng minh vai trò, vị trí trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Vì vậy, tôi chờ đợi các định hướng chỉ đạo, giải pháp tại nghị quyết mới đạt được yêu cầu đột phá, đáp ứng yêu cầu hiện tại, đồng thời phải có cách làm mới trong thực thi mới để nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống.
Cụ thể, theo ông, giải pháp đột phá là gì?
Cải cách thể chế vẫn là giải pháp quan trọng nhất, cần sự đột phá nhất. Nhưng theo quan điểm của tôi, cần thiết kế rõ ràng, trong đó, cải cách thể thể về kinh doanh cần được đặt thành mục riêng, song song với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Có thể hình dung hai tuyến tiếp cận.
Một là, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân bám sát tư duy theo hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp cận toàn diện hệ sinh thái kinh doanh, bao gồm giai đoạn gia nhập thị trường; trong quá trình hoạt động, mở rộng sản xuất - kinh doanh (gồm vốn, nhân lực, sản phẩm, xuất nhập khẩu, marketing, cạnh tranh...) và rút lui khỏi thị trường.
Hai là, các giải pháp tập trung vào mở rộng quyền tự do kinh doanh, giảm can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, áp dụng mạnh mẽ cơ chế thị trường trong thúc đẩy kinh doanh; chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tăng cường sự giám sát của người tiêu dùng, xã hội, đối thủ cạnh tranh.
Từ góc độ cải cách thể chế của Nhà nước, cần tách bạch giữa chất lượng thể chế và thực thi pháp luật; tách bạch giữa nhóm giải pháp nâng cao chất lượng quy định hiện hành và kiểm soát chất lượng quy định mới sẽ ban hành; tách bạch nhóm giải pháp quy định pháp luật về thủ tục hành chính, yêu cầu, điều kiện đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhóm chính sách về chương trình, chính sách hỗ trợ kinh doanh, nhóm doanh nghiệp... Mục tiêu là đảm bảo sự không trùng lặp trong cơ chế, chính sách và đảm bảo tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp.
Liên quan cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần tối đa hóa cơ chế thị trường trong việc thực hiện biện pháp hỗ trợ, giảm hành chính hóa chính sách hỗ trợ, giảm cơ chế xin - cho, như tự động giảm tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp khi có chính sách, không cần doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký, kê khai. Với cách này, chi phí tuân thủ, bao gồm cả tuân thủ quy định và chi phí tiếp cận các chính sách hỗ trợ, mới có thể giảm được.
Đặc biệt, tôi cho rằng, cần huy động tối đa sự tham gia của tư nhân vào hoạt động hỗ trợ. Vừa qua, tôi có dịp đến thăm 2 công ty đầu tư vốn, hoạt động theo mô hình holdings, có thể có vốn hỗn hợp của Nhà nước và tư nhân, chuyên sàng lọc ý tưởng, đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân. Mô hình này khác với quỹ đầu tư, chưa có mô hình tương tự ở Việt Nam, nhưng có thể tham khảo.
Về đột phá trong cách làm, thực thi thì sao, thưa ông?
Theo tôi, cần làm rõ tính tự chủ, phát huy sáng tạo của chính quyền địa phương trong tổ chức thực thi pháp luật tại Nghị quyết. Chúng ta không thể kỳ vọng một hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách 100% không trùng lắp, không chồng chéo, nên rất cần sự chủ động này, cho phép địa phương được quyền ban hành hướng dẫn và áp dụng tại địa phương trong trường hợp quy định chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Khi đó, địa phương có thể phân luồng xanh, luồng đỏ trong áp dụng thủ tục cụ thể, từ đó thực hiện cơ chế giải quyết nhanh, phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp khác nhau phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Nguyên tắc là các hoạt động đầu tư, kinh doanh, các dự án đầu tư không thể bị trì hoãn vì hạn chế của hệ thống pháp luật; đặt lợi ích của doanh nghiệp lên cao nhất trong áp dụng pháp luật. Như vậy, rủi ro trong thực thi sẽ được xóa bỏ.
Cùng với đó, các thủ tục phải được đẩy nhanh, tăng tính tiên liệu trong thực hiện, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục.
Để thực hiện, cần tiến hành rà soát, bãi bỏ, sửa đổi các quy định hiện hành, có thể phải ngay trong năm 2025, cùng với đó, giao cơ quan độc lập, chuyên môn, như Bộ Tư pháp hoặc thành lập tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu là vừa nâng cao chất lượng quy định hiện hành, vừa kiểm soát chặt chẽ quy định mới ban hành. Giải pháp này cũng để thực hiện yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí hoạt động cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ vừa mới ban hành...
Đi vào chi tiết, sẽ có nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, nhưng tôi cho rằng, tư duy cần nhất trong thiết kế nghị quyết này là mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, từ đó mới phát huy tối đa tính sáng tạo của doanh nghiệp.
Khánh An
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tu-duy-can-nhat-la-mo-rong-toi-da-quyen-tu-do-kinh-doanh-d260324.html