Một góc nhà máy chuyển đổi xanh bằng năng lượng tái tạo thuộc Hiệp hội Năng lượng tái tạo Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Các doanh nghiệp đánh giá cao và rất mừng về những quan điểm trong bài viết của Tổng Bí thư không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của khu vực này, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, để những định hướng ấy thực sự đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ để doanh nghiệp tư nhân có thể vươn lên mạnh mẽ, phát triển công bằng và tự tin ngay trên chính quê hương mình.
Cần chính sách ngang bằng như khối FDI
Trong nhiều năm qua, khối doanh nghiệp tư nhân đã có những bước phát triển ấn tượng, đóng góp lớn vào GDP và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Thế nhưng, bất chấp những đóng góp ấy, họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Hoàng Ngân Phát chia sẻ: "Chúng tôi không thiếu ý tưởng và năng lực sản xuất kinh doanh, nhưng lại thiếu vốn để phát triển. Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân hiện nay nguồn lực vốn tự có còn hạn chế và phải đi vay với lãi suất chưa rẻ để đầu tư phát triển. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài bản thân họ có nhiều nguồn lực hơn, cộng thêm nhiều ưu đãi về thu hút đầu tư, thuế… nên phát triển rất nhanh".
Một góc nhà máy chuyển đổi xanh bằng năng lượng tái tạo thuộc Hiệp hội Năng lượng tái tạo Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Bên cạnh đó, một vấn đề khác mà nhiều doanh nghiệp tư nhân lo ngại là tại Việt Nam các cơ quan thanh kiểm tra chưa mạnh mẽ tư duy nâng dỡ, dìu dắt doanh nghiệp nội địa phát triển. Không ít doanh nghiệp do thiếu hiểu biết hoặc chưa kịp điều chỉnh theo các quy định mới đã rơi vào tình thế khó khăn khi phải đối mặt với nhiều đoàn thanh tra kiểm tra, từ đó làm nhụt nhuệ khí của người đứng đầu không muốn “làm lớn” nữa. Thay vì hỗ trợ để họ dần hoàn thiện, nhiều trường hợp lại bị xử phạt nghiêm khắc, khiến họ e dè, thậm chí thu hẹp quy mô hoặc dừng hoạt động. Kết quả là chưa có doanh nghiệp nội địa lớn mạnh trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như điện tử… thì phần nội địa rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đại diện Hiệp hội Năng lượng tái tạo Bình Dương, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một môi trường kinh doanh bình đẳng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những cải cách thực chất để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển đúng với tiềm năng.
Thứ nhất, cần áp dụng các chính sách ưu đãi tương tự như đối với khối doanh nghiệp FDI. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã thu hút thành công nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhờ hàng loạt ưu đãi về thuế, đất đai và tín dụng. Vậy tại sao không thể áp dụng cơ chế tương tự cho doanh nghiệp tư nhân trong nước? Khi các doanh nghiệp nội địa được tiếp cận những điều kiện công bằng, họ sẽ tự tin đầu tư, mở rộng sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh.
Thứ hai, Nhà nước cần thay đổi cách tiếp cận trong quản lý doanh nghiệp tư nhân. Khi phát hiện sai phạm, thay vì xử phạt ngay lập tức, cần có cơ chế hướng dẫn, giúp doanh nghiệp hoàn thiện dần theo đúng quy định pháp luật. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn tạo động lực cho tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo.
Một góc nhà máy chuyển đổi xanh bằng năng lượng tái tạo thuộc Hiệp hội Năng lượng tái tạo Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Thứ ba, cần có các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tại từng địa phương, chuyên tư vấn pháp lý, tháo gỡ vướng mắc và kết nối thị trường. Điều này đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất trong hệ thống kinh tế.
Bên cạnh những hỗ trợ từ Nhà nước, chính các doanh nghiệp tư nhân cũng cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chủ động nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến ngành nghề hoạt động.
Ngoài ra, phát triển kinh tế không chỉ là tối đa hóa lợi nhuận mà còn phải gắn liền với đạo đức kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động và đóng góp cho cộng đồng.
Trong bối cảnh hội nhập, nếu doanh nghiệp tư nhân chỉ dựa vào chính sách mà không tự nâng cao năng lực, thì dù có nhiều ưu đãi cũng khó có thể trụ vững. Chính vì thế, mỗi doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới, đầu tư vào công nghệ và hướng đến phát triển bền vững.
Khi môi trường kinh doanh thực sự công bằng, khi doanh nghiệp nội địa có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với khối FDI, thì kinh tế tư nhân sẽ không còn là một "động lực tiềm năng" mà sẽ trở thành một trụ cột thực sự của nền kinh tế.
Thêm sự trợ giúp
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc đưa đất nước phát triển thịnh vượng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xóa bỏ rào cản, định kiến để khu vực này có thể phát huy tối đa tiềm năng. “Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này và mong muốn có thêm nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu”, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cho biết.
Ông Phạm Văn Xô cho rằng: Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, với kim ngạch xuất nhập khẩu tại thủ phủ Bình Dương năm 2024 đạt hơn 60 tỷ USD; trong đó đóng góp lớn nhất vào con số này chính là các doanh nghiệp tư nhân - đơn vị linh hoạt, sáng tạo và nhạy bén trong việc mở rộng thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đang đối mặt với nhiều thách thức; trong đó có sự biến động của thị trường toàn cầu, các rào cản thương mại ngày càng siết chặt và đặc biệt là chi phí logistics vẫn còn cao.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện Hoàng Ngân Phát chia sẻ thông tin với TTXVN
Thực tế, dù có nhiều doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu thành công, nhưng phần lớn vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những đề xuất quan trọng của doanh nghiệp là Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi để đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và làm tăng chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Nếu cải cách mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này, giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần có thêm sự hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu. Hiện nay, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu vẫn phải mang nhãn hiệu của đối tác nước ngoài. Nếu có chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc tế, giá trị hàng hóa xuất khẩu sẽ được nâng cao đáng kể.
Khi môi trường kinh doanh thực sự công bằng, khi doanh nghiệp nội địa có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với khối FDI, thì kinh tế tư nhân sẽ không còn là "động lực tiềm năng" mà sẽ trở thành một trụ cột thực sự của nền kinh tế.
Dương Chí Tưởng/TTXVN