Bản quyền AI tạo sinh: Tòa án Mỹ và Trung Quốc kết luận chẳng giống nhau!

Bản quyền AI tạo sinh: Tòa án Mỹ và Trung Quốc kết luận chẳng giống nhau!
2 ngày trướcBài gốc
Các công nghệ AI tạo sinh như ChatGPT có thể tác động lớn đến các nước châu Á đông dân như Ấn Độ và Indonesia với tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao. Ảnh: Shutterstock
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative artificial intelligence - AI tạo sinh) là những thuật toán có thể được sử dụng để tạo ra những nội dung mới như âm thanh, hình ảnh, văn bản, mô phỏng và video. Từ khi AI tạo sinh ra đời (với điểm mốc là sự xuất hiện của ChatGPT vào tháng 11-2022), cách chúng ta tiếp cận nội dung sáng tạo cũng thay đổi: sáng tạo không còn được coi là hoạt động đặc trưng, của riêng con người nữa. Không có gì ngạc nhiên, trong lĩnh vực luật bản quyền, các câu hỏi về việc sửa đổi luật để áp dụng với AI tạo sinh cũng được đặt ra. Một trong những vấn đề nan giải nhất với các nhà làm luật là việc các công ty chủ sở hữu chương trình AI tạo sinh đang sử dụng các nội dung sáng tạo được luật bản quyền bảo hộ để đào tạo các chương trình AI tạo sinh, mà không có sự cho phép của các chủ sở hữu các nội dung này. Chính vì thế, nhiều nghệ sĩ, tác giả đã khởi kiện các công ty chủ sở hữu AI như OpenAI, Microsoft, GitHub, Athrobic, Stability AI... tại tòa án ở Mỹ, Trung Quốc, Đức, nhằm ngăn chặn hành vi này. Gần đây, hai quyết định đầu tiên của Tòa án Mỹ và Tòa án Trung Quốc trong lĩnh vực này đã thu hút sự chú ý của dư luận, mở đầu cho việc định hình các quy định pháp lý mới áp dụng cho AI tạo sinh.
Vào tháng 2-2025, tòa án quận của bang Delaware (Mỹ) đã ra quyết định bác bỏ ngoại lệ “sử dụng hợp lý” đối với việc sử dụng nội dung bảo hộ quyền tác giả để đào tạo một chương trình AI ứng dụng trong lĩnh vực pháp lý. Thẩm phán nhấn mạnh rằng bốn điều kiện của ngoại lệ “sử dụng hợp lý” không được thỏa mãn, đặc biệt là điều kiện liên quan đến việc thiệt hại kinh tế của nguyên đơn.
Tuy nhiên, điều thú vị là Tòa án Mỹ lại ra một quyết định hoàn toàn trái ngược với Tòa án Trung Quốc.
Cụ thể là vào tháng 12-2024, Tòa án phúc thẩm của thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đã ra quyết định liên quan tới vụ tranh chấp giữa Công ty Shanghai Xinchuanghua Cultural Development Co., Ltd. và Công ty Hangzhou Shuimu Intelligent Technology Co., Ltd. Bên khởi kiện là Công ty Xinchuanghua, vốn có quyền khai thác nhân vật phim hoạt hình Ultraman nổi tiếng. Trong khi đó, Công ty Shuimu là chủ sở hữu của nền tảng AI tạo sinh Chushou, cho phép người dùng sử dụng hình ảnh Ultarman để đào tạo AI tạo sinh và tạo ra các hình ảnh tương tự với hình ảnh Ultraman. Cho rằng hành vi này đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình và vi phạm quy định về luật cạnh tranh lành mạnh, Công ty Xinchuanghua đã khởi kiện Công ty Shuimu ra tòa vào đầu năm 2024, nhằm ngăn chặn việc sử dụng hình ảnh Ultraman để đào tạo AI, yêu cầu Shuimu xóa toàn bộ các dữ liệu hình ảnh Ultraman cũng như đòi Công ty Shuimu bồi thường 300.000 nhân dân tệ. Tòa án Internet (là tòa án có thẩm quyền xét xử đối với các loại vụ việc cụ thể trong một khu vực cụ thể, như lĩnh vực sở hữu trí tuệ) thành phố Hàng Châu đã ra kết luận cho rằng Công ty Shuimu đã có hành vi “đồng lõa” vi phạm quyền tác giả của Công ty Xinchuanghua (theo tòa án, Shuimu chỉ là nhà cung cấp dịch vụ AI tạo sinh và vì thế không chịu trách nhiệm trực tiếp về vi phạm quyền tác giả) và yêu cầu Shuimu chấm dứt hành vi vi phạm, đồng thời đền bù 30.000 nhân dân tệ cho Xinchuanghua. Tuy nhiên, tòa án lại bác bỏ yêu cầu xóa bỏ dữ liệu vì cho rằng việc sử dụng các hình ảnh Ultraman để đào tạo AI tạo sinh rơi vào ngoại lệ “sử dụng hợp lý” (ngoại lệ “sử dụng hợp lý” trong luật bản quyền cho phép sử dụng tác phẩm mà không cần phải xin phép tác giả), đồng thời cũng cho rằng Shuimu không vi phạm các quy định về cạnh tranh lành mạnh. Không đồng tình với kết luận của Tòa án Internet Hàng Châu về khái niệm “sử dụng hợp lý”, Xinchuanghua đã đưa vụ tranh chấp này lên tới Tòa án phúc phẩm Hàng Châu. Tòa án phúc thẩm Hàng Châu khẳng định lại quyết định của Tòa án Internet Hàng Châu, rằng việc sử dụng tác phẩm được bảo hộ để đào tạo mô hình AI tạo sinh có thể được coi là ngoại lệ “sử dụng hợp lý”, và nhấn mạnh rằng khi đánh giá trách nhiệm của một nền tảng AI thì cần phải phân biệt việc sử dụng tác phẩm bảo hộ để đào tạo chương trình AI với việc sao chép các nội dung mà chương trình AI tạo ra. Đây được coi là quyết định đầu tiên của Tòa án Trung Quốc công nhận rằng việc đào tạo mô hình AI có thể được coi là rơi vào phạm vi áp dụng của ngoại lệ “sử dụng hợp lý”. Quyết định này cũng phù hợp với xu hướng chung trên thế giới xây dựng luật theo hướng tạo điều kiện cho các mô hình AI tạo sinh phát triển mạnh mẽ hơn.
Tòa án Mỹ, dù vậy, lại ra một quyết định khá gây ngạc nhiên cho cộng đồng công nghệ. Vào tháng 2-2025, tòa án quận của bang Delaware đã ra quyết định bác bỏ ngoại lệ “sử dụng hợp lý” đối với việc sử dụng nội dung bảo hộ quyền tác giả để đào tạo một chương trình AI ứng dụng trong lĩnh vực pháp lý. Trong vụ này, ông lớn truyền thông Mỹ Thomson Reuters đã khởi kiện ra tòa một công ty startup - Ross Intelligence - chủ sở hữu của một mô hình AI hỗ trợ luật sư, vì cho rằng công ty này đã vi phạm quyền tác giả qua việc sử dụng những tài liệu của Thomson Reuters để đào tạo mô hình AI nói trên. Trước đó, Ross Intelligence đã đề xuất mua li-xăng quyền sử dụng nhưng Thomson Reuters đã từ chối đề nghị này. Thẩm phán tòa án quận bang Delaware nhấn mạnh rằng bốn điều kiện của ngoại lệ “sử dụng hợp lý” không được thỏa mãn(1), đặc biệt là điều kiện liên quan đến việc thiệt hại kinh tế của Thomson Reuters. Ở vụ tranh chấp này, thiệt hại kinh tế của bên chủ sở hữu quyền tác giả lại là yếu tố mấu chốt để tòa án ra kết luận đi ngược lại khuynh hướng đòi công nhận ngoại lệ “sử dụng hợp lý” cho việc sử dụng tác phẩm bảo hộ để đào tạo AI tạo sinh.
Sự khác biệt giữa hai quyết định nói trên cho thấy AI tạo sinh vẫn là một vấn đề gây tranh cãi chưa ngã ngũ, và việc thông qua một khuôn khổ pháp lý mới sẽ không phải là dễ dàng, khi cả hai bên - bên công ty chủ sở hữu mô hình AI tạo sinh cũng như bên chủ sở hữu nội dung sáng tạo - đều có những lập luận vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích bản thân.
Nhiều vụ tranh chấp tương tự đang diễn ra, và chúng ta cũng chưa có thể chắc chắn về các quyết định từ tòa án sắp tới.
(1) Bốn điều kiện bao gồm: mục đích và đặc điểm của việc sử dụng (mang tính thương mại hay phi thương mại, mức độ thay đổi tác phẩm); bản chất của tác phẩm gốc (tác phẩm nghệ thuật hay tác phẩm mang tính thông tin, đã xuất bản hay chưa xuất bản); mức độ sử dụng tác phẩm gốc (sử dụng các yếu tố căn bản mang tính sáng tạo hay không) và cuối cùng là mức độ tác động của hành vi vi phạm đến khả năng khai thác kinh tế của tác phẩm gốc.
Lê Thiên Hương
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/ban-quyen-ai-tao-sinh-toa-an-my-va-trung-quoc-ket-luan-chang-giong-nhau/