Xu hướng AI mới trong năm 2025

Xu hướng AI mới trong năm 2025
một ngày trướcBài gốc
Phát triển trách nhiệm là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy AI ngày càng hữu ích. Ảnh minh họa: Bloomberg.
AI tạo sinh đang thay đổi nhiều lĩnh vực. Trong giáo dục, AI hỗ trợ học tập, phát hiện đạo văn và trợ giảng. Với lĩnh vực y tế, AI hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, cá nhân hóa phác đồ điều trị và nghiên cứu thuốc. Công cụ này cũng thúc đẩy sáng tạo nội dung tự động, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, tạo ra “KOL ảo” trong kinh doanh và marketing.
Bên cạnh lợi ích, sự phổ biến của AI tạo sinh cũng dấy lên lo ngại về mặt đạo đức, khi công cụ có thể khuếch đại thành kiến, lan truyền thông tin sai lệch. AI còn có khả năng xâm phạm quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu và sự ổn định lực lượng lao động.
Tương tự nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên trong ứng dụng AI tạo sinh. Để AI trở thành công cụ hữu ích thay vì gây hại cho con người, việc phát triển AI có trách nhiệm là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Xu hướng AI có trách nhiệm
TS Sam Goundar, giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin tại RMIT Việt Nam, nhắc lại một số tranh cãi liên quan đến đạo đức AI tạo sinh. Từ bê bối hình ảnh khiêu dâm giả mạo ca sĩ Taylor Swift, cuộc gọi mạo danh cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đến tình trạng gian lận học thuật bằng AI.
“Đáng lo ngại hơn là các trường hợp chatbot kích động hành vi tự sát, tạo nội dung lạm dụng trẻ em, khuyến khích các vụ ám sát, thuật toán tuyển dụng thiên vị, hay các lỗ hổng bảo mật bị khai thác bởi AI.
Những vấn đề này nhấn mạnh sự cần thiết của hướng tiếp cận lấy con người làm trọng tâm, giảm thiểu lạm dụng AI cũng như bảo vệ lợi ích cá nhân, xã hội”, TS Goundar chia sẻ.
Màn hình công cụ Microsoft Copilot. Ảnh: Bloomberg.
Theo TS Goundar, năm 2025 sẽ chứng kiến xu hướng AI có trách nhiệm, lấy con người làm trọng tâm. Trước những lo ngại ngày càng tăng về thành kiến, thông tin sai lệch và rủi ro đạo đức, công nghệ AI minh bạch (XAI - Explainable AI) được ưu tiên, giúp người dùng hiểu rõ cách AI ra quyết định.
Một số nước như Mỹ, Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản... đã bắt đầu áp dụng các quy định về AI, nhằm quản lý và đảm bảo triển khai AI một cách đạo đức trên toàn ngành.
Một xu hướng khác là AI lai (Hybrid AI), mô hình kết hợp giữa AI và con người, cũng có thể phát triển trong năm 2025.
Trong phát triển bền vững, AI có thể hỗ trợ giải quyết biến đổi khí hậu và thúc đẩy công nghệ xanh. Bên cạnh đó, AI sẽ mở rộng ứng dụng trong an ninh mạng, giúp tăng cường khả năng phân tích rủi ro và đối phó đe dọa trên không gian số.
“Khi việc áp dụng AI ngày càng tăng tốc, đảm bảo quản lý AI có trách nhiệm là điều thiết yếu nhằm tối ưu hóa lợi ích của công nghệ, giảm rủi ro tiềm ẩn”, TS Goundar nhấn mạnh.
Giải pháp phát triển AI có trách nhiệm
Việt Nam đang là một trong những quốc gia tích cực đổi mới trong lĩnh vực AI. Do đó, đảm bảo phát triển AI một cách đạo đức chiếm vai trò quan trọng, tránh tình trạng thuật toán AI có thành kiến, rủi ro quyền riêng tư và mất niềm tin từ công chúng.
Để phát triển AI theo các nguyên tắc đạo đức, TS Goundar đề xuất một số giải pháp như đầu tư nghiên cứu về đạo đức AI, hợp tác với các trường đại học để đưa ra khung pháp lý triển khai AI có trách nhiệm.
Tiếp theo, cân nhắc lồng ghép đạo đức AI vào chương trình giảng dạy đại học, mở rộng chương trình trang bị kiến thức AI cho lãnh đạo doanh nghiệp, người trong ngành giáo dục và các nhà hoạch định chính sách.
Đề cao trách nhiệm, đạo đức giúp AI trở thành công cụ hữu ích của con người. Ảnh: Bloomberg.
Nâng cao nhận thức cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng, giúp cá nhân và doanh nghiệp hiểu rõ tác động của AI với quyền riêng tư. Ngoài ra, có thể khuyến khích áp dụng AI cho mục đích xã hội như y tế, môi trường và giáo dục, thay vì chỉ tập trung lợi nhuận.
Bên cạnh giáo dục và nâng cao nhận thức, khung pháp lý cũng đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì phát triển AI trách nhiệm.
Chuyên gia từ RMIT Việt Nam đề xuất một số giải pháp, chẳng hạn như áp dụng quy định chặt chẽ hơn về AI, tiếp cận các mô hình quản trị AI quốc tế, ra mắt chứng nhận AI đạo đức, cũng như xây dựng hệ thống phân loại – kiểm định rủi ro AI để đánh giá, kiểm tra các hệ thống có rủi ro cao.
“Khi đặt mục tiêu trở thành cường quốc AI khu vực vào 2030, thành công của Việt Nam sẽ không chỉ phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ mà còn dựa vào các quy định chặt chẽ, đầu tư AI có đạo đức và nhận thức cộng đồng để chống lại các rủi ro tiềm ẩn”, TS Goundar nhấn mạnh.
Phúc Thịnh
Nguồn Znews : https://znews.vn/xu-huong-ai-moi-cua-nam-2025-post1538816.html