Nhiều tòa soạn ngày nay không còn xem mạng xã hội chỉ là kênh quảng bá mà đã biến nó thành nền tảng chính để đưa tin. Thay vì chỉ đăng liên kết để kéo người đọc về trang web, họ tạo nội dung phù hợp với trải nghiệm người dùng trên Facebook, Instagram, TikTok hay X.
Damilola Banjo, nhà sản xuất tại tổ chức truyền thông Kara House, cho biết: "Nếu chúng tôi không đến với họ, họ sẽ không tìm kiếm trang web của chúng tôi". Điều này đồng nghĩa với việc các tòa soạn phải ưu tiên cách đưa tin phù hợp với thói quen người dùng trên từng nền tảng.
Ảnh minh họa: Pexel
Tối ưu nội dung cho nền tảng số
Báo chí trên mạng xã hội yêu cầu cách tiếp cận hoàn toàn khác so với báo in hay báo điện tử truyền thống. Các bài phân tích dài không còn phù hợp, thay vào đó, video ngắn, đồ họa thông tin và giọng điệu đàm thoại lên ngôi.
Chiamaka Dike, biên tập viên xã hội tại GST, một tòa soạn trẻ ở châu Phi, nhấn mạnh rằng các tòa soạn cần theo dõi sát sao phản hồi từ người xem để tối ưu nội dung: "Họ xem video trong bao lâu? Bao nhiêu người bỏ qua sau vài giây đầu tiên? Tiêu đề nào thu hút hơn? Màu sắc nào kích thích tương tác nhiều hơn?".
Mạng xã hội ưu tiên sự nhanh chóng, tính tương tác và khả năng thích ứng. Để giữ chân người xem, báo chí phải thay đổi cách kể chuyện, tập trung vào sự ngắn gọn, trực quan và mang tính cá nhân hóa cao. Một video thu hút ngay từ 5 giây đầu tiên có khả năng lan tỏa mạnh hơn nhiều so với một bài phân tích sâu nhưng thiếu điểm nhấn.
Giọng điệu trò chuyện cũng là yếu tố quan trọng. Thay vì viết như một bài báo thông thường, nội dung trên mạng xã hội cần gần gũi hơn, đôi khi kết hợp yếu tố hài hước hoặc đặt câu hỏi để kích thích bình luận. Banjo chia sẻ: "Chúng tôi liên tục khám phá những cách sáng tạo để trình bày các chủ đề gây tranh cãi theo định dạng vừa mang tính thông tin vừa hấp dẫn".
Giữ vững tính chính xác
Bên cạnh việc thu hút khán giả, báo chí trên mạng xã hội cũng đối mặt với thách thức lớn về độ tin cậy. Thông tin lan truyền nhanh nhưng cũng dễ bị bóp méo hoặc hiểu sai. Adewunmi Emoruwa, giám đốc điều hành Gatefield, cho rằng cách tiếp cận cởi mở, gần gũi với khán giả có thể giúp xây dựng niềm tin.
GST, một tòa soạn trẻ ở châu Phi, không chỉ đưa tin mà còn hợp tác với những người có ảnh hưởng trong cộng đồng để chia sẻ thông tin theo cách dễ tiếp cận hơn. Họ thực hiện các chiến dịch truyền thông như "FWD with Facts", sử dụng video và đồ họa thông tin để giúp công chúng hiểu rõ hơn về báo chí và tin tức đáng tin cậy.
"Gen Z ngày nay cảm thấy xa cách với chính trị và báo chí truyền thống. Nếu muốn tiếp cận họ, chúng ta phải thay đổi cách làm tin", Emoruwa chia sẻ.
Báo chí trên mạng xã hội không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành điều tất yếu. Banjo nhấn mạnh: "Không còn là câu hỏi liệu có nên áp dụng các nền tảng kỹ thuật số hay không - mà là phải làm thế nào để tối ưu chúng". Nếu muốn duy trì sự ảnh hưởng, báo chí phải thay đổi để đáp ứng cách khán giả tiếp cận tin tức ngày nay.
Hoài Phương (theo Ijnet, Vox)