Bản sắc một làng nghề trong nhịp sống mới

Bản sắc một làng nghề trong nhịp sống mới
2 ngày trướcBài gốc
Giữ lửa nghề cha ông
Chúng tôi về vùng đất Phù Yên vào một sáng đầy nắng. Trên con đường làng nhỏ hẹp phảng phất mùi ngai ngái của gỗ mới xẻ văng vẳng đâu đây tiếng đục của những lưỡi cưa, tiếng búa gõ vào đinh vang lên như một bài ca lao động.
Nói về nghề mộc ở đây, ông cha ta đã đúc kết: “Làm nhà thì thợ Bương, đóng giường thì thợ Nủa”. “Thợ Bương” là những người thợ xuất thân từ làng này, nổi tiếng với nghề mộc, đặc biệt là dựng nhà cổ. Trong khi đó, “thợ Nủa” nhắc đến những người làng Nủa (thuộc huyện Thạch Thất ngày nay), nức tiếng với tay nghề đóng giường, phản. Chính vì lẽ đó, người dân thôn Phù Yên luôn tự hào về nghề truyền thống mà cha ông đã gìn giữ và trao truyền qua bao thế hệ.
Để tìm hiểu về nghề dựng nhà cổ truyền thống chúng tôi được người dân giới thiệu đến nhà ông Nguyễn Chí Tài, một nghệ nhân đã có 55 năm kinh nghiệm trong dựng nhà cổ. Hiện tại ông đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng làng nghề mộc truyền thống thôn Phù Yên.
Nghệ nhân Nguyễn Chí Tài.
Nói về dựng nhà cổ, ông Tài cho biết: “Đây là nghề cha truyền con nối, gia đình ông đã truyền ít nhất được 4 - 5 thế hệ. Tính đến nay số lượng căn nhà ông dựng cũng lên đến khoảng 1.000 căn, công trình nào ông cũng đều đặt trách nhiệm và tâm huyết nghề vào bởi dù thời gian có trôi đi thì những ngôi nhà vẫn ở đó trường tồn với thời gian. Hơn nữa những ngôi nhà cổ này không chỉ là sản phẩm lao động mà còn mang ý nghĩa tâm linh, nơi gia chủ gửi gắm hy vọng, cầu mong may mắn, bình an.
Ông Tài cho biết, các mẫu nhà gỗ thường được thiết kế theo cấu trúc 3 gian 2 chái hoặc 5 gian 2 chái, kết cấu với cột kèo vững chắc. Điểm nổi bật là được trang trí, chạm khắc các hình hoa văn gắn với văn hóa truyền thống như hoa sen, hoa văn tứ quý, hoa văn lá vĩ long, hoa văn đối xứng, hoa văn cầm - kỳ - thi - họa... Mỗi hoa văn được các nghệ nhân đưa vào những cấu kiện nhà gỗ đều có ý nghĩa riêng. Đều gửi gắm trong đó là những mong ước của gia đình về sự bình an, ấm lo, sức khỏe trong cuộc sống.
Điều đặc biệt của những căn nhà gỗ cổ xưa đó chính là chất liệu gỗ. Các loại gỗ tùy vào yêu cầu của gia chủ mà sẽ có yêu cầu và giá thành khác nhau có thể từ vài trăm đến vài tỷ đồng. Hiện nay trên thị trường để dựng nhà có những loại gỗ như: Đinh, lim, mít, xoan... Ngày nay gỗ xoan là được ưa chuộng hơn cả bởi chất liệu bền, giá thành hợp lý.
Dụng cụ tạo các hình khối, hoa văn.
Với ông Tài, mỗi công trình nhà gỗ là một câu chuyện riêng, với quy mô, thời gian thi công và yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Một ngôi nhà ba gian có thể hoàn thành trong vài tháng, nhưng nếu là nhà năm gian, lượng gỗ cần dùng nhiều hơn, thời gian thi công cũng kéo dài. Đối với những công trình mang tính di sản như đình, chùa, hoặc phục dựng di tích, số lượng gỗ sử dụng có thể lên đến vài trăm khối.
Đặc trưng của những căn nhà gỗ nhà không cần đinh vít mà những căn nhà sẽ được kết nối với nhau bởi các mống để lắp ghép. Do đó mà những người thợ làm nghề phải có tay nghề vững vàng. Người thợ phải nắm bắt được các kỹ thuật đục đẽo, điều phối được tỷ lệ, đảm bảo sự hài hòa giữa kết cấu, tính thẩm mỹ. Ngoài ra người thợ còn phải có sự hiểu về lịch sử và văn hóa dân tộc.
Kế thừa và phát huy làng nghề
Hiện nay, toàn thôn Phù Yên có gần 400 hộ theo nghề mộc, chiếm gần 50% tổng số hộ dân, với khoảng 600 lao động trực tiếp. Thôn có khoảng 180 hộ đứng đầu các cơ sở sản xuất lớn nhỏ. Làng nghề mộc Phù Yên không chỉ giới hạn trong việc dựng nhà cổ mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ dựng nhà gỗ, làm khung tủ đến chạm khắc hoa văn trên nhà cổ, những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và đang ngày càng có giá trị cao trên thị trường. Với bề dày truyền thống và sự phát triển không ngừng, năm 2016, thôn Phù Yên đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề mộc truyền thống”.
Quang cảnh một xưởng sản xuất mộc tại thôn Phù Yên.
“Cùng với sự phát triển của công nghệ - kỹ thuật nghề mộc thôn Phù Yên cũng ứng dụng một số các thiết bị, máy móc hiện đại để rút ngắn thời gian thi công. Nếu như trước đây để làm một căn nhà gỗ 3 gian 2 chái sẽ mất khoảng 2 - 3 tháng nhưng giờ đây có máy móc chỉ khoảng hơn 1 tháng có thể hoàn thiện một căn nhà”, ông Tài cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nghề truyền thống này đang đối mặt với nhiều thách thức bởi hiện nay các xưởng sản xuất gỗ vẫn đang có diện tích nhỏ, không gian còn chật chội nên người dân thường hay tận dụng diện tích sinh hoạt, đường làng, ngõ xóm để làm nơi sản xuất. Hơn nữa tiếng ồn, bụi gỗ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ngôi nhà do cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Chí Tài thi công, lắp đặt.
Ngoài ra, thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận công nghệ nhanh, nhưng ít người còn thực sự gắn bó với nghề. Nghề mộc truyền thống khó cạnh tranh với sản xuất công nghiệp, trong khi công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng mức thu nhập lại chưa thực sự hấp dẫn với giới trẻ. Hiện nay để một người thợ lành nghề trung bình thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/tháng nhưng với những bạn trẻ mới vào nghề để đạt mức lương vậy cũng cần một khoảng thời gian dài học tập, rèn luyện tay nghề. Hơn nữa với đặc tính nghề mộc có khi vài tháng mới dựng xong một công trình. Vì vậy mà bài toán về xoay vòng vốn cũng là nỗi trăn trở của một số hộ gia đình.
Mặc dù vẫn còn một số trở ngại khó khăn nhưng người dân nơi đây đều tin rằng với tâm huyết dành cho nghề cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền, làng mộc Phù Yên sẽ tiếp tục phát huy giá trị truyền thống. Giữ gìn làng nghề không chỉ là bảo tồn một kỹ nghệ, mà còn là gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
Bài và ảnh: NGUYỄN LAN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ban-sac-mot-lang-nghe-trong-nhip-song-moi-821852