Bản sắc Táo Quân Việt

Bản sắc Táo Quân Việt
4 giờ trướcBài gốc
Có quan điểm cho rằng, tục thờ Táo Quân ở người Việt có gốc từ tục thờ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, tức thần Bếp, thần Đất, thần Chợ búa của Đạo giáo Trung Hoa. 2 ông và một bà Táo của người Việt là sự Việt hóa 3 vị thần đó.
Thực ra, tục thờ thần Bếp có gốc từ tục thờ thần lửa đã xuất hiện ở người Bách Việt cổ ở Nam Trung Quốc từ thời Đá Mới, cách đây hơn 5.000 năm.
Chiếc bếp nguyên thủy của người Bách Việt được tạo ra bởi 3 chiếc chạc gốm giống chiếc chân giò dùng kê nồi nấu. Chúng chính là tổ tiên của 3 “ông đầu rau”, cũng như của dạng nồi gốm có 3 chân nhọn (đỉnh) và của dạng bếp kiềng 3 chân sau này. Đặc biệt, một số chiếc chạc gốm lớn có đầu hình đầu chim, thân có hình mặt người, thể hiện mối liên hệ gắn bó giữa tín ngưỡng thờ thần bếp nguyên thủy vốn là người đàn bà giữ và dùng bếp lửa của mỗi gia đình với tín ngưỡng Bà Tổ chim - Mặt trời.
Tranh vẽ bàn thờ Táo Quân Việt (bên trái) và tranh vẽ bàn thờ Táo Quân Trung Quốc.
Trong văn hóa Đá Mới Phùng Nguyên (2000-1400 TCN) ở Việt Nam, chúng ta thấy nhiều chạc gốm, trong đó có dạng hao hao hình đầu chim và hình lưng eo của người phụ nữ. Tín ngưỡng Bà Tổ chim - Mặt trời cũng chính là một nền tảng của văn hóa Đông Sơn thời Hùng Vương - An Dương Vương - Hai Bà Trưng (thế kỷ TCN - thế kỷ 1 CN) được thể hiện rõ nhất trên trống đồng Đông Sơn.
Người Việt cho đến nay chỉ có một sự tích Táo Quân gắn với biểu tượng một bà Táo và hai ông Táo có cội nguồn từ chiếc bếp với 3 chiếc chạc gốm - đầu rau do người đàn bà cai quản. Sự tích đó phản ánh sâu đậm nguyên lý Mẹ của văn hóa truyền thống Việt có cội nguồn từ văn hóa Đông Sơn.
Một bức tranh Đông Hồ thể hiện bàn thờ Táo Quân của người Việt xưa có hình một Táo bà ngồi chính giữa và 2 Táo ông ngồi hai bên. Lễ cúng Táo Quân ở người Việt thường do người vợ hay người mẹ chủ trì. Họ cũng tin rằng vào ngày 23 tháng Chạp, cả Táo ông và Táo bà đều lên trời. Vì thế, trong các lễ vật cúng Táo, có đủ mũ áo và 3 con cá chép cho cả Táo bà và Táo ông.
Trong khi đó, người Hoa có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc Táo Quân là một người đàn ông duy nhất. Một truyền thuyết nói Viêm Đế - Thần Nông chết hóa thành Táo Quân; một truyền thuyết nói Táo Quân tên thực là Trương Thiện Táo, nguyên là một phán quan thời Tống, sau khi chết được Ngọc Hoàng phong chức Táo Quân và giao cho việc giám sát việc bếp núc của người trần; một truyền thuyết nữa lại kể một người chồng vì xấu hổ với vợ cũ đã lao vào bếp lò chết cháy, vợ cũ cố nhưng cũng chỉ cứu được một chân, vợ cũ lập bàn thờ ở bếp cho người chồng cũ, sau trở thành thần bếp...
Từ đó, tại bàn thờ Táo Quân, người Hoa thường chỉ đặt một hình ông Táo bằng giấy hay treo một bức tranh vẽ thể hiện Táo Quân mặc quan phục ngồi bên một hay giữa 2 bà vợ.
Trong một xã hội phụ quyền, người Hoa coi người chồng - chủ gia đình là người chủ trì các lễ cúng Táo Quân. Họ có câu thành ngữ: “Đàn ông không thờ mặt trăng, đàn bà không cúng thần bếp”. Họ cũng tin rằng vào ngày 23 tháng Chạp, chỉ có Táo chồng lên trời, còn Táo vợ ở nhà...
Ở người Việt, Táo Quân có đủ cả ông và bà nên cũng là thần bảo vệ con cháu và mèo chó trong nhà.
Người Việt Bắc Bộ xưa có tục cha mẹ bán khoán cho Táo Quân con ở các tuổi 3, 6, 9, 12. Khi đưa con ra ngoài, họ đánh chữ thập bằng nhọ quết từ ông đầu rau lên trán bé để cầu an cho bé. Vào ngày 23 tháng Chạp, những gia đình có con nhỏ thường cúng Táo Quân một con gà mới tập gáy (tức gà mới lớn) với ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí, thông minh hiên ngang như con gà. Họ cũng có tục khi mua chó hay mèo về nuôi, chủ nhà bắt chúng lạy ông Táo ở bếp rồi giật ít lông ở chân và đuôi chúng để dưới chân ông, cầu ông phù hộ cho chúng khỏe mạnh và không bỏ chủ...
Các tục trên dường như không thấy ở người Hoa. Có lẽ, do người Hoa coi Táo Quân là quan viên nên tục cúng Táo Quân của họ cũng cầu kỳ, quy cách hơn. Trong một năm họ có tới 3 lần làm lễ cúng ông Táo: lần một vào ngày 3/8, được cho là ngày ông Táo ra đời; lần hai vào ngày 23/12, là ngày ông Táo lên trời báo cáo Ngọc Hoàng; lần ba vào ngày 4/1 để chào mừng ông Táo từ trời về nhà ngơi nghỉ.
Hình vẽ Táo bà Táo ông cưỡi cá chép lên trời.
Tùy nơi, người Hoa làm lễ cúng ông Táo lên trời vào 3 ngày khác nhau. Người miền Bắc làm vào ngày 23, còn người miền Nam làm vào ngày 24. Xưa, một số nơi còn quy định, nhà quan làm ngày 23, nhà dân làm ngày 24, riêng nhà dân đánh cá làm ngày 25.
Người Việt xưa thường cúng Táo Quân vào các ngày 1 và 15 hằng tháng và vào các ngày giỗ của gia đình. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta thường chỉ cúng Táo Quân một lần trong khoảng từ ngày 21 đến hết giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.
Do người Hoa coi Táo Quân là một ông quan nên trong lễ cúng, họ có chiêu trò hối lộ hay bịt miệng ông như với các ông quan ngoài đời.
Trong lễ cúng vào ngày tiễn Táo lên trời, ngoài cỗ bàn thịnh soạn, vật cúng đầy đủ, họ còn quết mật ong vào mô hình ông Táo bằng giấy với hi vọng miệng ông sẽ nói với Ngọc Hoàng những lời tốt đẹp ngọt ngào về họ. Có nơi, họ đặt hẳn một cục kẹo mạch nha vào giữa mồm ông để ông bị dính răng sẽ không nói điều gì xấu về họ và chỉ biết cười trước mặt Ngọc Hoàng (!). Các chiêu trò trên không thấy rõ ở người Việt cho dù có nơi họ cũng cúng đồ ngọt cho các Táo. Người Việt thường tin rằng, nếu cầu cúng các Táo chu đáo, thành tâm, họ sẽ nhận được nhiều điều tốt lành, may mắn.
Sau khi cúng, người Hoa đốt hình ông Táo bằng giấy và coi làn khói bay lên tượng trưng cho việc ông Táo lên trời và chính làn khói đó đưa ông lên gặp Ngọc Hoàng.
Tuy nhiên, quan niệm phổ biến hơn là ông Táo cưỡi ngựa lên trời, vì thế họ đốt hình ngựa giấy và đốt pháo để giục ngựa bay nhanh hơn. Xưa họ còn có tục ném đậu rang lên mái nhà để nói với con cái rằng đó là tiếng vó ngựa của ông Táo...
Trong khi đó, người Việt Bắc Bộ lại có tục cúng 3 ông, bà Táo 3 con cá chép vàng, sau đó đem thả cá xuống sông hồ để cá sẽ hóa rồng cho các Táo cưỡi. Đó cũng là một cách phóng sinh cầu phúc theo lời Phật.
Người Việt Nam Bộ không cúng cá chép thực mà chỉ cúng tờ giấy in hình “cò bay - ngựa chạy” với quan niệm Táo sẽ cưỡi cò khi đi đường không và cưỡi ngựa đi đường bộ.
Có vẻ, tục này có gốc từ lễ ”thả ngựa - thả hạc” để nhờ 2 con vật này chở tấu sớ đến Đức Phật trong lễ cầu siêu hay lễ giải oan của Phật giáo.
Vào ngày cúng Táo Quân lên trời, người Hoa dọn dẹp trong nhà ngoài sân thật sạch sẽ với mục đích xua đuổi ma quỷ ra khỏi nhà.
Trong ngày đó, người Việt nghĩ rằng khi ông Công, ông Táo - những vị thần bảo vệ gia đình mình bay về trời, ma quỷ sẽ kéo đến, vì thế họ dựng cây nêu trước nhà để xua đuổi ma quỷ.
Một truyền thuyết Việt kể cây nêu mang áo cà sa được dựng lên theo gợi ý của Đức Phật. Tuy nhiên, cây nêu thực chất là một biến thể của biểu tượng Cây Vũ trụ, Cây Đời trong văn hóa cổ Đông Nam Á, một biểu tượng gắn với mùa xuân, với sự tái sinh của vũ trụ. Dù sao, sự đan xen các yếu tố Phật giáo và Việt cổ cũng đã tạo nên một phần bản sắc của tục cúng Táo Quân Việt.
Cuối cùng, bản sắc nổi bật nhất của tín ngưỡng Táo Quân Việt thời hiện đại là Táo Quân đã trở thành tên gọi hay thương hiệu đặc biệt của một chương trình hài kịch - chính luận được phát trước đêm Giao thừa trên Đài Truyền hình Việt Nam và được quần chúng rất hâm mộ. Trong chương trình này, các Táo Quân hiện đại là các quan chức trong chính phủ lên báo cáo Ngọc Hoàng những vấn đề nóng hay bức xúc của xã hội theo phong cách hài hước - phê phán...
Tạ Đức
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/ban-sac-tao-quan-viet-i756153/